GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chuyện người thầy cả đời đam mê với sự nghiệp giáo dục

(Trích bài viết trong sách “ Chuyện người giáo viên nhân dân” tập 1 của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, NXB Văn Hóa- Thông tin, 2014)

Luôn mong muốn cống hiến cho đất nước và sự nghiệp giáo dục, từ bỏ những lời mời hấp dẫn sang công tác và giảng dạy ở nước ngoài để trở về quê hương, đất nước công tác, đóng góp tài n©ăng và sức lực của mình cho Tổ quốc. Đó chính là hình bóng của những con người có tâm, những con người luôn gắn chặt với sự phồn vinh của dân tộc. Hình bóng ấy có cả trong con người ông, một người thầy tâm huyết với nghề, vừa là nhà khoa học nghiên cứu tiếp cận những đỉnh cao của trí thức để giảng dạy, đào tạo sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Người thầy luôn mong muốn nền giáo dục đại học Việt Nam không chỉ hội nhập và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế mà “học phải đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”, người thầy ấy chính là nhà giáo, nhà khoa học – nhà Cơ học, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Người con miền đất học Lai Xá

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức sinh ngày 11 tháng 10 năm 1963 tại quê ngoại thôn Lai Xá – xã Kim Chung – huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ), nay là Hà Nội. Vùng quê Lai Xá vốn là miền đất học. Thuở xưa, ông từng rất tự hào bởi mình sinh ra trên quê hương của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của Việt Nam – GS Nguyễn Văn Huyên, cũng đồng thời là quê của GS thiên văn học nổi tiếng Nguyễn Quang Riệu. Không những thế, quê hương Lai Xá cũng là vùng đất nổi tiếng bởi làng nghề nhiếp ảnh với vai trò của ông tổ nghề là Khánh Ký, từng truyền dạy nghề ảnh cho Bác Hồ trong những năm tháng tuổi trẻ Người ở Paris những năm đầu thế kỷ XX.

Theo lời kể của GS Nguyễn Đình Đức, quê nội ông là thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương. Đấy chính là vùng đất nằm ngay dưới chân dãy núi An Phụ, nơi tụ hội linh thiêng của trời đất, đã được dân gian đưa vào thơ ca và thêu dệt với nhiều sự tích. Ông cho biết, trên đỉnh dãy núi cao An Phụ xanh thẫm nổi lên như một chóp nón khổng lồ – đó là cụm di tích An Phụ, có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu ( là thân phụ của  Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), tục gọi là đền Cao, còn văn bia gọi là An Phụ Sơn Từ. Cạnh đền là chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là chùa Cao. Bên chùa còn trụ đá Kinh Thiên (Trụ đá chọc trời), trước chùa có một giếng nước, bên đục bên trong, nước luôn đầy và trong mát quanh năm. Cách chùa 100 mét về phía đông, tự nhiên có một khoảng đất bằng phẳng, xung quanh kè đá gọi là bàn cờ tiên.

Tự hào về quê hương, chính là nguồn cảm hứng và động lực luôn luôn dâng trào trong lòng cậu bé Nguyễn Đình Đức hồi đó. Và rồi, không lâu sau, khi cậu mới 6 tuổi đã sớm xa quê hương vì gia đình lên lập nghiệp ở Yên Bái, một thị xã miền núi Tây Bắc, để rồi từ đó tuổi thơ Nguyễn Đình Đức gắn liền mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Trong ký ức của ông, thời thơ ấu gắn với thị xã Yên Bái là thời kỳ thật dài và nhiều kỷ niệm, mà ông gọi tên là thuở “đội mũ rơm cắp sách tới trường”. Ấy thế nhưng, không hổ danh là người con đất học, dù ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, Nguyễn Đình Đức luôn kiên trì rèn luyện, nuôi dưỡng ý chí vươn lên. Cậu luôn là học sinh xuất sắc suốt từ tiểu học cho đến trung học. Năm 1978, khi tỉnh Hoàng Liên Sơn (gồm các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Nghĩa Lộ sáp nhập) lần đầu tiên thành lập lớp chuyên toán, ông đã vượt qua kỳ thi đầy thử thách để trúng tuyển vào lớp chuyên toán khóa 1 của tỉnh. Lúc đó, cả lớp chuyên toán khóa 1 có 25 học sinh, đặt ở trường Phổ thông cấp III thị xã Lào Cai. Đó cũng là những năm tháng phấn đấu không ngại gian khổ, để lại trong ông rất nhiều kỷ niệm. Bấy giờ cả thầy và trò gặp muôn vàn khó khăn, vừa dạy – vừa học, vừa mò mẫm sáng tạo. Học sinh lớp chuyên toán được ở trong ký túc xá là một nhà tắm công cộng đã được sửa chữa. Khi chiến tranh biên giới 1979 xảy ra, lớp chuyên toán khóa 1 chuyển về trường cấp III Lý Thường Kiệt thị xã Yên Bái. Đất nước trong thời kỳ bao cấp, trong suốt những năm tháng học chuyên toán, cơm độn sắn là chủ yếu,  thầy trò phải tự trồng rau, vào rừng lấy củi. Nhưng có lẽ, chính những vất vả khó khăn lại càng nuôi dưỡng ý chí phấn đấu, học tập và rèn luyện của người học trò hiếu học, tạo môi trường và động lực để Nguyễn Đình Đức vươn lên. Cậu chính là học sinh xuất sắc nhất của lớp chuyên toán khóa 1 của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Trải qua thời gian 37 năm kể từ ngày thành lập đến nay, các thầy cô giáo thời đó khi nhắc đến lớp chuyên toán khóa 1 của tỉnh, luôn nhớ và nhắc đến cậu học trò Nguyễn Đình Đức – Lớp trưởng của lớp chuyên toán khóa 1 với dấu ấn sâu đậm và niềm tự hào về cậu học trò tươi sáng, thông minh.

Thế rồi, khổ luyện thành tài, dẫu khó khăn nhưng người học trò hiếu học ấy vẫn nuôi dưỡng trong mình giấc mơ vươn lên học tập. Tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Đình Đức đăng ký thi vào học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1984, 21 tuổi, ông tốt nghiệp thủ khoa khóa 25 ngành Toán – Cơ, với số điểm trung bình các môn là 9,6/10. Với thành tích học tập xuất sắc, ông được trường Đại học Tổng hợp giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Khoa Toán – Cơ. Vừa lúc đó, có chế độ cho sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh nước ngoài, nhưng vì ngành Toán Việt Nam khá mạnh nên có thể đào tạo trong nước. Vì thế, mặc dù được nhà trường đề nghị, Vụ Đại học vẫn không duyệt cho các chuyển tiếp NCS nước ngoài trong lĩnh vực KHTN. Khi đó, Nguyễn Đình Đức đã mạnh dạn đạp xe đạp lên số 9 – Hai Bà Trưng (trụ sở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc bấy giờ) – đợi cả ngày mới gặp được GS Nguyễn Đình Tứ, Bộ trưởng, và sau khi xem xét kết quả học tập cực kỳ xuất sắc và đề nghị của trường, Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ đã quyết định cho tân cử nhân trẻ tuổi Nguyễn Đình Đức được tham gia kỳ thi chọn NCS đi nước ngoài. Và ngay kỳ thi tuyển NCS năm 1985, Nguyễn Đình Đức đã đỗ đầu với số điểm cao nhất.

Sau đó, chàng sinh viên Nguyễn Đình Đức đã được Bộ Đại học cử đi làm NCS ở Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên Lômônôxốp  (MGU). Đối với ông, đây chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Nơi đây chính là môi trường để Đức tiếp xúc và học hỏi từ các nhà khoa học Xô Viết lỗi lạc và trưởng thành. Chính tại nơi đây, ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ toán lý khi mới 27 tuổi, và sau đó tiếp tục bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ khoa học ở Viện hàn Lâm Khoa học Nga khi 34 tuổi.

Sau đó, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại LB Nga (1999-2001). Thành viên nước ngoài của Viện Hàn Lâm Khoa học Tự nhiên Nga (1999) và Viện Hàn Lâm Phát minh và Sáng chế Quốc tế (1999).  Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa V (1999-2004).

Năm 1997, với thành tích nghiên cứu xuất sắc, TS Nguyễn Đình Đức được Trường Đại học Tổng hợp Clemson (Hoa Kỳ) mời ông sang làm trợ giảng. Trước những lời động viên cố vấn của bạn bè và nhiều đồng nghiệp khuyên ông nên sang Hoa Kỳ, nhưng ông lại quyết định tích lũy sâu hơn nữa kiến thức và kinh nghiệm để về Việt Nam làm việc. Bởi ông muốn phát triển hơn nữa điều kiện nghiên cứu và giảng dạy, xây dựng và đào tạo đội ngũ thế hệ trẻ giải quyết các vấn đề của thực tiễn liên quan đến composite, góp phần xây dựng ngành khoa học này của Việt Nam.

Trở về nước, được sự tín nhiệm của GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, khi đó nguyên là Chủ tịch liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, đồng thời với tài năng và uy tín của mình, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã là một trong những người đứng ra vận động, sáng lập và là một trong những Phó Chủ tịch đầu tiên của Hội trí thức KHCN trẻ Việt Nam (2004-2010). Ông cũng là thành viên của BCH Hội Cơ học Việt Nam, Hội Cơ học Vật rắn biến dạng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội, là Trưởng Ban biên tập chuyên san Toán – Vật Lý của Tạp chí Khoa học của ĐHQGHN từ năm 2002, và cũng từ đó chuyên san này công bố và xuất bản các công trình khoa học bằng tiếng Anh. Ông cũng từng là Trưởng ban Tổ chức các Hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế lớn như Hội nghị Toàn quốc về Cơ điện tử lần thứ VI (2012), Hội nghị quốc tế về Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa ICEMA 1(2010), ICEMA2(2012), ICEMA3(2014). Đồng thời, ông cũng tham gia phản biện cho gần 20 tạp chí quốc tế, trong đó có nhiều tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực Cơ học. Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã được Tạp chí “Who is who in the World” của Mỹ đưa vào danh mục những nhân vật nổi tiếng trong lần xuất bản thứ 18 từ năm 2001. Với những thành tích đóng góp xuất sắc trong khoa học và cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông cũng vinh dự là đại diện tiêu biểu của người Việt Nam ở nước ngoài dự Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ VI (năm 2000) tại Thủ đô Hà Nội.

GS TSKH. Nguyễn Đình Đức

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức

Người gieo mầm tri thức…

Nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, với tâm huyết của một nhà giáo, ông luôn cố gắng dành trọn tâm sức của mình để truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Là giảng viên của một đại học lớn hàng đầu đất nước, có bề dày truyền thống như ĐHQGHN, với kinh nghiệm và kiến thức của mình, các bài giảng của ông đều đã truyền cảm hứng cho sinh viên lòng yêu nghề, yêu khoa học, tinh thần thái độ nghiêm túc trong học tập, tự tin, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Điều đặc biệt là cho dù các sinh viên đến với ông từ các xuất phát điểm khác nhau: học lực giỏi, khá và cả trung bình, nhưng khi đã qua quá trình được ông dìu dắt, đều trở thành say mê, trở thành học sinh giỏi trong học tập và xuất sắc trong nghiên cứu. Với những bài giảng tâm huyết và sự yêu thương, nhân hậu, uy tín và tri thức của người thầy, các thế hệ học trò của ông đều trưởng thành và thành tài. Trong những học trò xuất sắc ấy, có những người đã là thủ trưởng các đơn vị lớn như TS. Đinh Khắc Minh, là Viện trưởng Viện KHCN tàu thủy (Bộ Giao thông vận tải); TS. Hoàng Văn Tùng, là Chủ nhiệm Bộ môn Cơ lý thuyết của ĐH Kiến trúc Hà Nội. Nhiều học trò được ông hướng dẫn NCKH ngay từ những năm tháng sinh viên đã có bài báo khoa học có giá trị được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế ISI có uy tín và đạt giải nhất về nghiên cứu khoa học của trường Đại học Công nghệ cũng như của ĐHQGHN (như các em Trần Quốc Quân, Phạm Hồng Công, Vũ Văn Dũng, Phạm Toàn Thắng,…) và hầu hết các em đều là thủ khoa và được chuyển tiếp làm NCS ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Đình Đức đã có quan hệ và hợp tác, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, LB Nga, Hồng Kông, Đức, Pháp, Iran,…

Cùng với hoạt động giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh làm nghiên cứu khoa học, bằng tâm huyết của mình, ông còn mong muốn truyền đạt và để lại kiến thức mình tích lũy được qua những trang sách, trang giáo trình chuyên khảo. Ông đã xuất bản 4 đầu sách chuyên khảo và giáo trình về lĩnh vực chuyên ngành giảng dạy, nghiên cứu. Đặc biệt, ông đã có sách chuyên khảo về composite 3 pha được xuất bản 1000 cuốn tại Moscow (năm 2000, nhà xuất bản USSR – một trong những nhà xuất bản hàng đầu của LB Nga chuyên xuất bản các sách chuyên khảo có giá trị của các nhà khoa học Xô Viết có danh tiếng) và được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao.

Là một người thầy, đồng thời là nhà khoa học, ông luôn nhận thức rõ vai trò của việc gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy: đào tạo thông qua nghiên cứu, và nghiên cứu khoa học, tiếp cận đỉnh cao trí thức để đào tạo chất lượng cao, trình độ cao. Ông cũng trăn trở với việc nghiên cứu khoa học phải gắn với việc giải quyết những nhiệm vụ khoa học công nghệ của đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, nên ngoài giờ giảng trên lớp, nghiên cứu kiến thức lý thuyết, ông còn miệt mài làm thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và tìm hiểu các vấn đề của thực tiễn để  áp dụng những lý thuyết khoa học vào thực tế.

Hơn 30 năm kể từ những ngày đầu bước chân vào nghiên cứu khoa học cho đến nay, ông đã chọn cho mình hướng đi bền bỉ và gắn trọn vẹn với nghiên cứu về vật liệu composite. Loại vật liệu mới có độ bền cơ học cao, vừa nhẹ và bền với các môi trường kiềm, a xít, nhiệt độ cao… mà vật liệu tự nhiên không có được. Với những ưu điểm riêng biệt, vật liệu này được xem là vật liệu lý tưởng của hiện tại và tương lai. Vì thế, ngay trong quá trình làm luận án tiến sĩ Toán Lý của mình (1987-1990), GS Nguyễn Đình Đức đã thực hiện đề tài “Các tiêu chuẩn bền của composite cốt sợi đồng phương” dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH Pobedrya B.E, Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học vật liệu composite tại ĐH Tổng hợp Quốc gia Maxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU) – nơi hội tụ của các nhà khoa học Xô Viết lỗi lạc.  Ngay sau khi tốt nghiệp xuất sắc luận án tiến sĩ, ông lại được đề nghị ở lại làm giảng viên mời, thỉnh giảng tại Khoa Toán – Cơ của ĐH Tổng hợp  Quốc gia Maxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU).

Luận án Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật được GS Nguyễn Đình Đức hoàn thành tại PTN Cơ học vật liệu composite (1993-1997) của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (sau này là Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) dưới sự cố vấn khoa học của nhà khoa học lỗi lạc GS.TSKH Vanin G.A, Trưởng phòng thí nghiệm. Đây là nơi đào tạo các công trình sư nổi tiếng của Liên Xô thời bấy giờ. Đề tài Luận án Tiến sỹ khoa học  của GS Nguyễn Đình Đức là về vật liệu composite cacrbon-cacrbon 3 pha (nền, sợi và các hạt gia cường) có cấu trúc không gian 3Dm, 4Dm. Những vật liệu này siêu bền, siêu nhẹ, chịu được nhiệt độ cao lên đến hàng nghìn độ và được ứng dụng mạnh mẽ trong hàng không và tên lửa. Những phát hiện mới trong nghiên cứu về ứng xử của vật liệu composite 3 pha có cấu trúc không gian của GS Đức đã được cấp bằng phát minh (năm 1999).

Sau khi học tập, bảo vệ thành công nghiên cứu của mình, GS Nguyễn Đình Đức trở về nước, tiếp tục nghiên cứu về vật liệu composite polyme 3 pha và vật liệu nano composite. Đồng thời ông cũng là một trong những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên bắt tay vào nghiên cứu vật liệu và kết cấu FGM. Vật liệu chức năng FGM là vật liệu composite thế hệ mới, có cơ lý tính biến đổi, có độ bền cơ học và bền nhiệt rất cao, vì thế được sử dụng rộng rãi trong các kết cấu của nhà máy điện nguyên tử, hàng không vũ trụ, các chi tiết máy… GS đã giải quyết thành công nhiều bài toán liên quan đến ổn định tĩnh và động lực học cho các kết cấu tấm và vỏ bằng vật liệu biến đổi chức năng FGM, xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh về FGM tại ĐHQGHN, được biết đến trong cộng đồng khoa học ở trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, ông còn đề xuất phương án tính toán các kết cấu tấm và vỏ composite có gân gia cường làm việc trong môi trường nhiệt độ. Các kết cấu tấm và vỏ có gân chịu tải lực cơ học đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước quan tâm giải quyết, nhưng dưới tác động của nhiệt độ, cả gân và kết cấu đều bị biến dạng nhiệt và đó là bài toán khó. Với nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn, GS đã giải quyết thành công bài toán này, làm cơ sở khoa học giải quyết các bài toán ứng dụng đầy đủ hơn về kết cấu vật liệu chức năng FGM. Những quan điểm mới, cũng như kết quả tính toán mới của GS theo hướng này đã được các đồng nghiệp trên thế giới thừa nhận và đã được công bố trên nhiều tạp chí quốc tế.

Trong suốt chặng đường nghiên cứu khoa học của mình, đến nay, GS Nguyễn Đình Đức đã công bố trên 120 công trình khoa học ở trong và ngoài nước, trong đó một nửa là các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản ở nước ngoài với gần 50 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI (nhiều bài trên tạp chí SCI, và trên các tạp chí quốc tế tốp hàng đầu của ngành Cơ học). Ông cũng đã thành công trong việc áp dụng những tính toán nghiên cứu lý thuyết của mình để đề xuất sử dụng các hạt nano titan oxit như là thành phần gia cường làm tăng khả năng chống thấm, chống giòn, chống nứt cho vật composite polymer. Sáng kiến của ông đã được áp dụng để chế tạo đà máy tàu thủy bằng composite ở một doanh nghiệp đóng tàu của  Việt Nam, đồng thời, những kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm của ông về nano composite hạt titan oxit không chỉ được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI, mà còn được đăng ký bằng sáng chế. Sản phẩm “Thiết bị dẫn đường quán tính phục vụ dẫn đường các phương tiện chuyển động có điều khiển” của đề tài nghiên cứu khoa học hợp tác giữa trường Đại học Công nghệ -ĐHQGHN và Viện Tên lửa – Viện KHCN QS – Bộ quốc phòng do ông làm Phó chủ nhiệm đề tài đã được giải 3 Nhân tài đất việt năm 2008.

Là một trong những nhà khoa học đầu ngành có uy tín, nhưng GS Nguyễn Đình Đức lại đảm nhận trọng trách to lớn của người thầy trên giảng đường đại học. Ông đã từng trải qua những công việc giản dị nhất như công tác chủ nhiệm lớp để hiểu và gắn bó với sinh viên, đã dìu dắt, đào tạo nhiều em từ sinh viên đến bậc tiến sỹ. Không chỉ động viên tinh thần, ông đã tự bỏ tiền túi của mình để cưu mang, giúp các em sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. Tấm lòng nhân ái, sự say mê khoa học, tin yêu cuộc sống, sự động viên, chia sẻ của thầy những lúc khó khăn và đặc biệt là thành công của các học trò của ông đã luôn là sự động viên khích lệ các thế hệ học sinh vững vàng ý chí và nghị lực để tiếp bước trên con đường khoa học. Trong ông, người thầy và nhà khoa học là một, vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu. Những nỗ lực và thành công của ông trong sự nghiệp trồng người đã góp phần vào sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, đồng thời góp phần mang những nghiên cứu của các nhà cơ học Việt Nam hội nhập quốc tế và đóng góp cho sự phát triển chung của ngành Cơ học trên thế giới.

Cả cuộc đời GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là tấm gương sáng của sự kiên trì lao động và cống hiến cho khoa học, cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ông là người có nhiều cống hiến đặc biệt cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ĐHQGHN, đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng ban Khoa học Công nghệ của ĐHQGHN (2005-2008), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (11.2008-9.2012) và từ 10.2012 đến nay là Trưởng ban Đào tạo Đại học và Sau đại học của ĐHQGHN. Trên cương vị công tác nào, ông cũng luôn thể hiện được sự giản dị, khiêm tốn, tận tụy, chí công vô tư, hết lòng vì công việc và có nhiều sáng kiến,  đổi mới, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự phát triển và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, NCKH đỉnh cao của ĐHQGHN.

Sức sống và tài năng của ông cho người ta liên tưởng tới sự khát khao vươn cao hơn nữa của những mầm cây đang xanh lá, những trái ngon, quả ngọt được chắt chiu từ sự lao động quên mình đang chờ ở phía trước. Nơi những học trò của ông, thế hệ trẻ tương lai ưu tú của Việt Nam, đang mang tri thức học được từ người thầy đáng kính để gieo mầm sự sống khắp muôn nơi.

 

Bài viết liên quan: CV của GS. TSKH Nguyễn Đình Đức

Unfortunately, the animate jailbreak app is not yet compatible with ios 6.
Posted in Tin tức and tagged , , , , , , , .