GS Nguyễn Đình Đức: “Chưa có nước nào đào tạo tiến sĩ rẻ như Việt Nam”

10/11/2016  14:17 GMT+7

– Bộ GD-ĐT đang tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo tiến sĩ nhằm nâng cao chất lượng của bậc đào tạo này. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, quy chế mới sẽ được sửa đổi theo hướng đặt chất lượng lên hàng đầu, giảm quy mô số lượng đào tạo.

– Trong thời gian vừa qua, nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ chạy theo số lượng mà không để ý đến chất lượng, nhiều luận án tiến sĩ ít giá trị thực tế, không có tính khoa học. Xin ông cho biết quan điểm của Bộ GD-ĐT về hiện tượng này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước hết phải khẳng định trong điều kiện trong điều kiện cơ sở vật chất cũng như đầu tư như hiện nay các cơ sở giáo dục đào tạo được tiến sĩ là sự cố găng lớn, cần phải đánh giá cao.

Hầu hết cơ sở đào tạo tiến sĩ hiện nay chấp hành nghiêm quy chế. Tuy nhiên, vẫn có nơi có lúc cơ sở buông lỏng quản lý chất lượng, chạy theo số lượng dẫn đến có những luận án tiến sĩ không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc trong xã hội.

'Chưa có nước nào đào tạo tiến sĩ rẻ như Việt Nam'

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: Lê Văn

– Nguyên nhân của tình trạng vàng thau lẫn lộn trong đào tạo tiến sĩ thời gian qua là do đâu, thưa ông?

– Nguyên nhân đầu tiên là do nghiên cứu sinh (NCS) ko xác định rõ động cơ khi làm nghiên cứu sinh (NCS). NCS là đào tạo ra các nhà nghiên cứu với những trí tuệ mới chứ không phải đào tạo kỹ năng làm nghề. Nhiều NCS không xác định được rõ động cơ, mục tiêu này nên dẫn đến chất lượng không đảm bảo.

Nguyên nhân nữa là người hướng dẫn NCS do chất lượng chưa đồng đều nên quá trình hướng dẫn còn hạn chế, do hạn chế nên không tiếp cận được với học thuật thế giới.

Nguyên nhân tiếp theo là về phía cơ sở giáo dục đào tạo TS. Do chưa thực hiện nghiêm quy chế nên chất lượng bị buông lỏng, một số cơ sở hội đồng không đảm bảo yếu tố khách quan.

Nguyên nhân cuối cùng do nguồn lực đầu tư của nhà nước, kinh phí đào tạo của chúng ta quá thấp, không đủ để NCS thực hiện các nghiên cứu có chất lượng.

– Được biết, Bộ GD-ĐT đang tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo tiến sĩ, xin ông cho biết, quy chế đào tạo tiến sĩ trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh theo hướng nào?

Thủ tướng vừa ký ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia. Khung cơ cấu hệ thống quy định rõ TS là nghiên cứu và thời gian đàoa tạo 3-4 năm. Khung trình độ tiêu chuẩn đầu ra tiến sĩ, được xây dựng theo khung tham chiếu ASEAN.

Hai khung trình độ này sẽ cơ sở để thực hiện sửa đổi trong quy chế đào tạo tiến sĩ cũng như thiết kế chương trình phù hợp.

Đẻ thỏa mãn các tiêu chí, NCS phải có tiêu chí đầu vào nhất định đòi hỏi cao hơn trước dây, trước hết là ngoại ngữ. Trước đây quy định ngoại ngữ là chuẩn đàu ra, giờ không phù hợp, mà phải quy định đầu vào, ngoại ngữ là công cụ cần thiết sử dụng vào nghiên cứu.

Công trình TS, luận án TS là công trình khoa học phải chứa đựng cái mới, phải đăng trên các tạp chí quốc tế để người ta bình luận, phản biện để thấy cái mới trong các luận án. Chúng ta muốn hội nhập quốc tế thì buộc phải công bố quốc tế.

Việc quy định người hướng dẫn để NCS thực hiện tốt vai trò nghiên cứu của mình thì định hướng nghiên cứu của các thầy rất quan trọng. Thầy phải đi trước, có hợp tác quốc tế mới định hướng hướng dẫn NCS thành công luận án của mình.

Để thực hiện mọi điều trên, vấn đề quy định kinh phí, chi phí đào tạo NCS cũng phải nâng lên.

Hiện chi phí 15 triệu/năm qua thấp, khó có thể đào tạo NCS bài bản. Mỗi lần nghiên cứu ra cái mới phải thí nghiệm thực hành, thực tập, buộc phải có có đầu tư nhất định. Nếu có ít ngân sách chúng ta tập trung đầu tư cho ít nghiên cứu sinh hơn, còn hơn đầu tư dàn trải.

Mục đích của việc sửa quy chế là nâng cao chất lượng, hạn chế số lượng trong điều kiện nguồn lực đầu tư có giới hạn hiện nay.

– Vậy làm thế nào để kiểm soát chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của các cơ sở để tăng chi phí đầu tư cho hoạt động đào tạo này, thưa ông?

– Chúng tôi mong muốn xây dựng điều kiện tiếp nhận NCS. Chẳng hạn, tuyển NCS thì không tuyển theo đợt nữa mà tuyển khi trường có đề tài nghiên cứu, có tiền. Các trường có thể đăng tải thông báo tuyển NCS cho các đề tài cụ thể với điều kiện làm việc, mức đãi ngộ cụ thể để các NCS có thể nộp hồ sơ. Như vậy, thầy sẽ tìm được NCS giỏi để làm.

Hiện nay, nhiều người không có đề tài, không có tiền nhưng do yêu cầu của cơ sở nên hàng năm vẫn có chỉ tiêu tuyển sinh. Trường tuyển rồi giao cho các thầy. Quy định hiện hành cũng chỉ quy định số lượng NCS mà các PGS, GS được hướng dẫn chứ không quy định điều kiện nhận NCS cụ thể như thế nào. Chính vì thế, việc đào tạo tiến sĩ hiện nay mới nảy sinh nhiều bất cập.

Nên có định nghĩa rõ về tiến sĩ

Tại buổi tọa đàm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ do Bộ GD-ĐT phối hợp với báo Tuổi Trẻ TP.HCM tổ chức sáng 10/11, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cho rằng, phải thể hiện rõ định nghĩa về tiến sĩ.

Theo GS Nhung, NCS khi bảo vệ bằng TS nhất định không thể không có cái gì mới, không có phát minh dù ở mức độ khác nhau.

Đồng tình với quan điểm này, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội cho rằng, quy mô đào tạo tiến sĩ hiện nay quá nhiều. Trong Luật Giáo dục cũng chỉ quy định tiến sĩ phải hoàn thành bao nhiêu chuyên đề, bảo vệ luận án được hội thồng thông qua.

Theo GS Đức, Bộ nên cụ thể hóa thế nào là tiến sĩ, với các tiêu chí rành mạch hơn nữa sẽ thuận lợi cho các cơ sở đào tạo thực hiện.

Cần có điều kiện đào tạo tiến sĩ

Theo ý kiến các khách mời tại tọa đàm, nhất thiết cần đặt ra điều kiện cụ thể đối với việc đào tạo tiến sĩ, từ đầu vào NCS cho tới người hướng dẫn.

PGS.TS Vũ Lan Anh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội)cho rằng, có tuyển sinh được người giỏi thì mới đào tạo được tiến sĩ giỏi. Trong điều kiện tuyển sinh thì khả năng nghiên cứu và yếu tố ngoại ngữ là quan trọng nhất.

Theo bà Lan Anh, với quy định hiện nay về đầu vào ngoại ngữ thì không đủ để NCS có thể đọc được tài liệu nước ngoài.

“Nếu yêu cầu NN cao hơn, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn” – bà Lan Anh cho hay.

GS Nguyễn Đình Đức thì cho rằng, người thầy hướng dẫn cũng rất quan trọng trong đào tạo tiến sĩ. Đó phải là những người có trình độ và phải thực sự khắt khe, không được dễ dãi trong quá trình đạo tạo.

Theo ông Đức, đối với những người thầy giỏi cũng phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Bằng chứng là những trường đại học ngoại công lập thu hút được nhiều người, nhiều công bố quốc tế nhờ chế độ đãi ngộ tốt. Trong khi đó, lương hướng dẫn NCS của PGS, GS chỉ 3 triệu/năm.

Chưa có nước nào đào tạo tiến sĩ rẻ như VN

GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, việc nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ cần phải có lộ trình để các cơ sở thích ứng. Chẳng hạn như các cơ sở đào tạo KHXH thì việc công bố quốc tế nhiều ngay sẽ rất khó.

Ông Đức cho rằng, mấu chốt trong vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là vấn đề cơ sở vật chất và kinh phí.

Ông Đức cho biết, ở ĐHQGHN kinh phí cho đào tạo 1 NCS 1 năm chỉ 18 triệu đồng là quá thấp. Hiện tại, nhiều em giỏi đi học nước ngoài là không về nữa.

Do đó, NCS đi học phải được cơ quan trả tiền sau đó phải về phục vụ cho cơ quan. Trong khi đó, các trường cần được tháo gỡ trong cơ chế thu học phí cũng như đầu tư kinh phí.

GS Trần Văn Nhung cho rằng, chưa quốc gia nào đào tạo rẻ như vậy. Theo GS Nhung, ngoài việc chia sẻ với lo lắng của xã hội về chất lượng đào tạo tiến sĩ, Bộ GD-ĐT cùng các cơ sở đào tạo cũng phải có trách nhiệm giải thích rõ những bất cập hiện tại trong điều kiện đào tạo tiến sĩ, cần tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn cho bậc đào tạo này.

Theo Vietnamnet

From the menu on the right, click pages and then add page https://homework-writer.com/ add page.

Posted in Tin tức and tagged , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , .