GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện là Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông sẽ chính thức được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Bảo Sơn 2024, một trong những giải thưởng lớn và uy tín nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Trải qua hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và quản lý giáo dục, dù ở bất cứ cương vị công tác nào – vai trò nhà giáo, nhà khoa học hay nhà quản lý, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã có những đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của ĐHQGHN. Ông từng đảm nhận nhiều vị trí quản lý chủ chốt như: Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Trưởng ban Đào tạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ và hiện là Chủ nhiệm Khoa Công nghệ xây dựng – giao thông. Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đến nay, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã công bố 400 bài báo, công trình khoa học, trong số đó có gần 250 bài trên các tạp chí quốc tế ISI. Từ năm 2019 đến nay, Giáo sư liên tiếp lọt vào top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới và top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology) – đứng thứ 74 thế giới trong năm 2024.
Chỉ riêng trong giai đoạn 5 năm từ 2020 – 2025, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã và đang chủ trì 12 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ Nafosted và 4 đề tài cấp Bộ, công bố gần 100 bài ISI đều thuộc top các tạp chí Q1/Q2, trong đó 20% là các bài báo trên các tạp chí ISI uy tín top 5%. Cũng chỉ riêng trong giai đoạn 5 năm này, 9 học trò của ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án và nhận bằng tiến sỹ.
Cụm công trình “Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu và kết cấu compozit ba pha tiên tiến trong kỹ thuật” là kết quả của sự phát hiện ra một cấu trúc vật liệu compozit cacbon-cacbon mới có cấu trúc không gian 3 pha với tính năng siêu bền cơ học, siêu bền nhiệt và siêu nhẹ, có vị trí rất quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp và an ninh quốc phòng, đặc biệt trong công nghệ chế tạo tên lửa. Chính vì vậy, vật liệu này được các siêu cường quốc đặt trọng tâm nghiên cứu. Ý tưởng nghiên cứu về loại vật liệu compozit cácbon mới siêu bền như vậy nhằm cải thiện về tầm bắn, thời gian bay cho tên lửa, gắn liền với luận án tiến sỹ khoa học của Giáo sư Nguyễn Đình Đức tại Phòng thí nghiệm Vật liệu compozit của Viện nghiên cứu chế tạo máy, Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô – một trong những PTN tiên tiến và hiện đại nhất về vật liệu compozit của thế giới từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX và là nơi làm việc của những giáo sư, viện sỹ hàng đầu của Nga.
Sự phát hiện của Giáo sư Nguyễn Đình Đức là lời giải đáp mà nhiều nhà vật lý và công nghệ vật liệu lúc đó chưa thể giải quyết được để nâng cao tính năng cơ lý của vật liệu compozit, đặc biệt có tính đến mối quan hệ phi tuyến và tương tác của các thành phần gia cường trong vật liệu. Những kết quả nghiên cứu về kết cấu vật liệu lý tưởng compozit 3D, 4D của ông đã được công bố rộng rãi trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành vật liệu mới, đồng thời là nền tảng để ứng dụng thiết thực trong lĩnh vực đời sống, công nghiệp và an ninh quốc phòng.
Nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã được cộng đồng các nhà khoa học quốc tế thừa nhận và đánh giá rất cao. Đây cũng là lý do ông được mời tham gia vào Hội đồng khoa học của các tạp chí ISI lớn, có uy tín của quốc tế như Acta Mechanica (Nhà xuất bản Springer), tạp chí hàng đầu về khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Aerospace Science and Technology (Nhà Xuất bản Elsevier), tạp chí về toán và cơ học ứng dụng ZAMM (Nhà xuất bản Willey) và nhiều tạp chí ISI có uy tín khác của cộng đồng khoa học quốc tế; được mời làm báo cáo tại phiên toàn thể của những Hội nghị quốc tế lớn về vật liệu.
Trong quá trình nghiên cứu tại Việt Nam, ông đã thành lập nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến, từ đó đã hình thành nên một Trường phái khoa học thuộc lĩnh vực này nhằm tiếp tục nghiên cứu, đào tạo các tài năng trẻ cho đất nước và nghiên cứu ứng dụng kết quả khoa học vào thực tế. Năm 2010-2012, Giáo sư Đức đã phối hợp với Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy – Đại học Nha Trang, ứng dụng thành công trong việc chống thấm cho đà máy tàu thủy bằng compozit polymer 3 pha khi bổ sung các hạt Titan oxit và được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế vào năm 2016. Giải pháp của Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị tiếp nhận và sử dụng, và mở ra triển vọng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trong tương lai.
Chia sẻ về ý nghĩa của Giải thưởng Bảo Sơn và dự định sắp tới trong nghiên cứu khoa học, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: “Đây là giải thưởng rất cao quý, ghi nhận những cống hiến nỗ lực của các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam, đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để tôi và các đồng nghiệp tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong khoa học, đem kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ thiết thực đời sống của nhân đân, đất nước.
Trước hết, tôi và nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu các vật liệu mới có tính năng ưu việt như pentagraphin, auxetic, các compozit được gia cường bởi các ống nano carbon (CNT), graphene,… giúp tăng cường đáng kể độ bền cơ học, độ dẫn nhiệt và điện – hướng tới các ứng dụng trong lĩnh vực điện tử, năng lượng tái tạo, lưu trữ thông tin và hàng không vũ trụ và đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bài toán kỹ thuật”.
Nhân dịp này, Giáo sư Nguyễn Đình Đức bày tỏ lời kính chúc sức khỏe, lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới gia đình, tới các đồng nghiệp, tới lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ, lãnh đạo ĐHQGHN, tới Viện nghiên cứu và chế tạo tàu thủy – ĐH Nha Trang, đặc biệt tới Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn và Hội đồng xét giải thưởng, hội đồng chuyên môn xét giải thưởng năm nay.
Sự kiện Giáo sư Nguyễn Đình Đức được trao tặng Giải thưởng Bảo Sơn năm nay là vinh dự lớn không chỉ của cá nhân Giáo sư, mà còn là vinh dự và niềm tự hào của nhóm nghiên cứu, các thế hệ học trò, của nhà trường và ĐHQGHN, là nguồn cổ vũ động viên có sức lan tỏa mạnh mẽ tới các nhà khoa học trẻ, các bạn nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên tự tin và mạnh dạn dấn thân theo đuổi con đường khoa học, ý chí quyết tâm đem những nghiên cứu của mình phục vụ thực tiễn, vì một tương lai đất nước giàu mạnh, hùng cường.
Lễ trao Giải thưởng Bảo Sơn 2024 sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 11/5/2025 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1
Chi tiết nội dung nghiên cứu của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (tiếng Việt, tiếng Anh)
(UET-News)
Xem thêm