GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Đại học Quốc gia Hà Nội – 1/4 thế kỷ bền bỉ với sứ mệnh tiên phong, đổi mới, thắp sáng và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài

Năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ với sứ mạng là đại học trọng điểm quốc gia – một trung tâm đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế làm nòng cột và đầu tàu đổi mới cho hệ thống giáo dục nước nhà.

Mô hình Đại học quốc gia cũng là một đại học tự chủ. Thời điểm đó, đất nước vừa mới bước vào thời kỳ đổi mới. Những khái niệm về tự chủ đại học, chuẩn mực quốc tế còn chưa phổ biến với nền giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, với tầm nhìn xa trông rộng, Đảng và Nhà nước đã nhận ra những hạn chế của các đại học chuyên ngành đang hiện có vốn được xây dựng để phục vụ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa để thành lập ĐHQGHN với mục đích trở thành đại học hàng đầu của Việt Nam, hội nhập với nền giáo dục đại học hiện đại của thế giới.

Năm 2012, các ĐHQG đã được đưa vào Luật giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hai Đại học Quốc gia phát triển.

Từ đó đến nay đã 25 năm trôi qua ( 1/4 thế kỷ) kể từ ngày thành lập, ĐHQGHN đã phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu lớn, luôn khẳng định là đại học hàng đầu của Việt Nam. Những thành công của ĐHQGHN trong lĩnh vực đào tạo cụ thể như sau:

Thứ nhất, trở thành mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, phát huy thế mạnh liên thông, liên kết giữa các đơn vị:

Khi mới thành lập, ĐHQGHN chỉ có 3 trường đại học thành viên là ĐH Tổng hợp, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm ngoại ngữ. Đến nay ĐHQGHN đã cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành đa lĩnh vực với 7 trường đại học thành viên, 5 viện nghiên cứu và 5 khoa trực thuộc. Các trường đại học gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Giáo dục và Trường ĐH Việt Nhật (được thành lập gần đây). Các viện nghiên cứu gồm có: Viện Công nghệ Thông tin, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Trần Nhân Tông, Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục. Khoa đào tạo trực thuộc ĐHQGHN gồm: Khoa Luật, Khoa Quốc tế, Khoa Quản trị và Kinh doanh, Khoa các khoa học liên ngành, Khoa Y dược. Với cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực như trên, ĐHQGHN có thế mạnh lớn để tham gia giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ trọng điểm, của đất nước trong tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực khó và quan trọng như: hàng không vũ trụ, xây dựng – giao thông, công nghệ nano, chương trình KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, xây dựng bộ Quốc chí của Việt Nam,…

Thứ hai, ĐHQG đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nhân tài, đào tạo chất lượng, trình độ cao:

ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đào tạo từ bậc trung học phổ thông đến tiến sĩ. Ngoài các trường chuyên được thành lập lâu đời với bề dày thành tích được cả nước biết đến như: Trường THPT chuyên KHTN (thuộc trường Đại học KHTN) và Trường THPT chuyên ngoại ngữ (thuộc trường ĐH Ngoại ngữ), mới đâyTrường THPT Khoa học Giáo dục (thuộc Trường ĐH Giáo dục) đã được thành lập. Đặc biệt, Trường THPT chuyên KHTN đã đạt được nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế và châu lục, đứng đầu khối các trường chuyên ở Việt Nam với thành tích: đoạt 54 huy chương vàng, 71 huy chương bạc và 65 huy chương đồng trong các kỳ thi Olympic quốc tế; 7 huy chương vàng,14 huy chương bạc và 14 huy chương đồng trong các kỳ thi Olympic châu Á.

Bên các chương trình đào tạo hệ chuẩn, ĐHQGHN đã xây dựng các chương trình đặc biệt để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Lần đầu tiên ở Việt Nam, năm 1997, ĐHQGHN đã xây dựng và triển khai dự án “Đào tạo cử nhân khoa học tài năng” và từ năm 2001, là Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”. Bên cạnh truyền thống đào tạo nhân tài ở bậc trung học phổ thông chuyên (với 2 trường chuyên ĐHKHTN và ĐHNN), ĐHQGHN là trường đại học đầu tiên của Việt Nam thực hiện một cách chính quy công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài ở bậc đại học. Mục tiêu của Dự án năm 2001 là khai thác tiềm lực và thế mạnh của ĐHQGHN về cơ sở vật chất và đội ngũ khoa học đầu ngành để tham gia đào tạo các nhà khoa học giỏi thuộc các ngành khoa học cơ bản cốt lõi, các ngành công nghệ cao và kinh tế xã hội mũi nhọn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là đội ngũ giảng viên các khoa học cơ bản tại các trường đại học, cao đẳng cũng như các nghiên cứu viên, nhà quản lý, chuyển giao công nghệ tài năng tại các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị trong toàn quốc, với đầu vào hệ cử nhân khoa học tài năng là các em đoạt các giải olympic quốc tế, quốc gia và có điểm thi đại học đầu vào xuất sắc.

Năm 2005, ĐHQGHN đã tiến hành tổng kết Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”. Từ 1997-2005, đã có 1940 sinh viên, 387 học viên và 156 NCS đã tham gia Với những thành công và bài học kinh nghiệm sau gần 10 năm thí điểm, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá cao sự mô hình đào tạo tài năng bậc đại học của ĐHQGHN, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chế độ chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển và mở rộng mô hình bồi dưỡng và đào tạo tài năng, chất lượng cao của ĐHQGHN cho toàn ngành. Đào tạo cử nhân khoa học tài năng tiếp tục được ĐHQGHN duy trì đào tạo đến ngày nay.

Từ năm 2006 trở đi, để tăng cường hội nhập các chuẩn mực quốc tế, trong khi quy mô đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao còn nhỏ, mức độ “quốc tế hoá” về chương trình, phương pháp đào tạo, ngoại ngữ sử dụng chưa đủ cao, ĐHQGHN bắt đầu triển khai đào tạo các chương trình tiên tiến. Chương trình đào tạo tiên tiến là các chương trình đào tạo bậc đại học, sử dụng toàn bộ chương trình, giáo trình của một đại học nước ngoài, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và cấp kinh phí triển khai thực hiện. Đội ngũ giảng viên của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài. Chương trình này chỉ đảm nhận việc phát triển quốc tế hóa một chương trình đào tạo, chưa nhằm mục tiêu phát triển được cả ngành, đơn vị cấp Khoa đạt chuẩn quốc tế.

Chính vì vậy, tiếp sau chương trình tiên tiến, năm 2007, ĐHQGHN bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, còn gọi là chương trình nhiệm vụ chiến lược (ban đầu được gọi là chương trình 16-23, vì tập trung lựa chọn được 16 ngành đại học và 23 chuyên ngành sau đại học tham gia Đề án). Mục tiêu của chương trình này là xây dựng và phát triển cả ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế, từ chương trình đào tạo đến đội ngũ, cơ sở vật chất, học liệu, nguồn nhân lực theo các tiêu chí đánh giá xếp hạng nhằm tạo tiền đề và điều kiện để phát triển từng bước từ bộ môn, khoa đến trường đại học thành viên đạt chuẩn quốc tế và được đầu tư, phê duyệt theo từng đề án cho từng ngành/chuyên ngành. Đây là mục tiêu và sách lược quan trọng của ĐHQGHN trong quá trình phát triển, nhằm chọn lọc vun cao, từng bước khả thi nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và sức cạnh tranh, thương hiệu của ĐHQGHN, góp phần đổi mới cơ bản giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực và chất lượng quốc tế.

Các chương trình đào tạo của ĐHQGHN hiện nay gồm: Chương trình đào tạo tài năng, Chương trình tiên tiến (tức chương trình đào tạo theo dự án của Bộ Giáo dục nhằm xây dựng các ngành đào tạo chất lượng cao, theo nội dung, chương trình của các đại học danh tiếng trên thế giới), Chương trình chuẩn quốc tế (còn gọi là các chương trình thuộc nhiệm vụ chiến lược, cũng tương tự như chương trình tiên tiến của Bộ nhưng được ĐHQGHN đầu tư); Chương trình chất lượng cao của ĐHQGHN, chất lượng cao theo Thông tư 23 của Bộ giáo dục Đào tạo và các chương trình chuẩn. Các chương trình đặc biệt đều có chuẩn đầu ra cao hơn hệ chuẩn về chuyên môn và ngoại ngữ. Ví dụ với chương trình chuẩn ngoại ngữ tiếng Anh đầu ra B1, các chương trình chất lượng cao – B2, chương trình tài năng, tiên tiến – chuẩn C1.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN còn có cơ chế liên thông và sử dụng chung cán bộ cơ hữu trong toàn đại học. Do đó, các chương trình đạo tạo cũng rất phong phú và đa dạng. Năm 1993, ĐHQGHN chỉ có vài chục chương trình đào tạo, đến nay đã có 136 chương trình đào tạo đại học, 144 chương trình đào tạo thạc sĩ và 112 chương trình đào tạo tiến sĩ.

Trong vòng 25 năm xây dựng và phát triển, ĐHQGHN đã cấp 195.000 bằng đại học, 32.227 bằng thạc sĩ và 1632 bằng tiến sĩ. Quy mô đào tạo hiện nay của ĐHQGHN là 25.524 sinh viên, 6.279 học viên cao học và 1442 nghiên cứu sinh. Trong vòng 25 năm qua, số sinh viên đã tốt nghiệp các chương trình đặc biệt (tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao) là 5002 (chiếm 2,5% tổng số bằng đại học đã cấp), và hiện đang đào tạo 4277 em các chương trình đặc biệt (chiếm tỷ lệ 16,73% tổng quy mô đào tạo đại học hiện nay ở ĐHQGHN).

Đứng trước những yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. ĐHQGHN đã triển khai Đề án đổi mới đào tạo trình độ tiến sĩ tại ĐHQGHN và đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới (2017). Đây là bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo. Quy chế mới yêu cầu nâng cao chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ của NCS, nâng cao chuẩn về công bố quốc tế và chất lượng của đội ngũ giảng viên hướng dẫn NCS cũng như đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, giảng dạy bậc tiến sĩ; yêu cầu gắn hoạt động làm luận án của NCS với hoạt động của bộ môn/PTN; với việc tham gia các đề tài nghiên cứu; hướng dẫn thực hành, thực tập; hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp và các seminar khoa học của đơn vị chuyên môn; trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao nhất cho cán bộ hướng dẫn và bộ môn trong quá trình đào tạo NCS. Đồng thời, Quy chế cũng đặc cách bỏ quy quy trình phản biện kín với các NCS có thành tích nghiên cứu xuất sắc, công bố được nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Với Quy chế này, ĐHQGHN thực hiện đào tạo tiến sĩ với yêu cầu về chuẩn đầu ra, cũng như theo quy trình và chuẩn mực tổ chức và quản lý đào tạo như của các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Thứ ba, ĐHQGHN luôn đi tiên phong đổi mới nhiều lĩnh vực trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam:

Không chỉ tiên phong trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài thông qua các chương trình đào tạo đặc biệt như đã nói tới ở trên, ĐHQGHN cũng tiên phong trong cả nước xác định phát triển theo mô hình đại học định hướng nghiên cứu, gắn đào tạo với nghiên cứu, với việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.

Với triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu để đảm bảo chất lượng và nghiên cứu để tiếp cận trình độ của thế giới, đào tạo trình độ cao, năm 2004, tại phiên họp lần thứ X Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐHQGHN đã xác định các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu, như chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu; tỷ lệ sinh viên/giảng viên; tỷ lệ đào tạo sau đại học/đại học; số lượng, chất lượng và lượt trích dẫn của các công bố quốc tế; các phát minh, sang chế; giải thưởng KHCN,….và từ đó định hướng cho các hoạt động của nhà trường. Việc tiên phong mở rộng quy mô đào tạo, theo hướng nâng cao tỷ lệ đào tạo sau đại học/đại học cũng như đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu chính là hai trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược này.

ĐHQGHN cũng tiên phong mở các ngành mới, ngành/chuyên ngành thí điểm chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo của Nhà nước, như công nghệ nano, công nghệ hàng không vũ trụ, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu,…Đến nay một số chương trình thí điểm của ĐHQGHN đã được đưa vào danh mục đào tạo của Nhà nước như các chương trình đào tạo ngành Hóa dược, Kinh tế phát triển, Luật kinh doanh (bậc đại học), Ngôn ngữ Nhật (bậc thạc sĩ), Đo lường Đánh giá trong giáo dục (bậc thạc sĩ và tiến sĩ). Hiện nay ĐHQGHN đang đào tạo 27 chương trình mới thí điểm (gồm 8 ngành cử nhân, 16 chuyên ngành thạc sĩ, 3 chuyên ngành tiến sĩ). Đây là những đặc sản trong đào tạo của ĐHQGHN.

Với tầm nhìn xa, tổng hợp, bao quát, , ngay từ năm 1995, lãnh đạo ĐHQGHN đã thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục (tiền thân của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm khảo thí và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của ĐHQGHN ngày nay). Những đóng góp của Trung tâm này về các tiêu chí đảm bảo chất lượng giáo dục, về xếp hạng đại học, các năng lực phẩm chất cần có để dự tuyển vào đại học để xây dựng bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực, cũng như mở ngành và đào tạo đầu tiên trong cả nước thạc sĩ và tiến sĩ về đo lường đánh giá trong giáo dục, cũng như những thành tựu khác đã đạt được trong 25 năm qua trong lĩnh vực khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục của Trung tâm/Viện một lần nữa chứng minh quyết định hết sức đúng đắn của lãnh đạo ĐHQGHN và khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong đo lường đánh giá, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam, tiến dần ra khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã đi đầu trong đổi mới tuyển sinh đại học theo đánh giá năng lực ; tiên phong trong việc xây dựng bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực và cũng tiên phong áp dụng thành công việc triển khai đổi mới tuyển sinh theo hình thức sử dụng bài thi đánh giá năng lực ở ĐHQGHN. Với phổ kiến thức vừa rộng lại vừa sâu, phong phú, kết quả thi nhanh, việc chấm thi tự động bằng máy khách quan, trung thực, và có thể tổ chức cho thí sinh chủ động đăng ký thi nhiều lần trong năm, đã được dự luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao. Tuyển sinh theo Đánh giá năng lực của ĐHQGHN như luồng gió mới làm mát dịu những căng thẳng của các kỳ thi đại học theo 3 chung cứ mỗi năm vào hè tháng 6. Nhiều trường đại học khác đã sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN để tuyển sinh. Đây cũng là những tiền đề, kinh nghiệm và bài học quan trọng để triển khai các bài thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT, để tuyển sinh đại học sau này.

ĐHQGHN cũng là một trong những đơn vị tiên phong triển khai đào tạo theo tín chỉ thành công ở Việt nam. Sau một số năm nghiên cứu, tìm hiểu phương thức tổ chức và quản lý đào tạo theo mô hình tín chỉ của nước ngoài, từ năm 2006, ĐHQGHN bắt đầu triển khai áp dụng các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ, đó là: chuyển đổi chương trình; xây dựng đề cương môn học; áp dụng phương pháp dạy – học và kiểm tra đánh giá theo tín chỉ và từ 2010; đến nay đã áp dụng hoàn toàn và triệt để phương thức đào tạo theo tín chỉ. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn đầu ra, với các khối kiến thức chung được giảng dạy thống nhất trong toàn ĐHQGHN. Thành công này đã tạo điều kiện cho việc phát huy thế mạnh liên thông, liên kết trong ĐHQGHN, mô hình a+b (như mô hình đào tạo cử nhân sư phạm, bác sỹ đa khoa,…), đặc biệt là trong việc xây dựng các chương trình đào tạo mới liên ngành, liên đơn vị; trong việc triển khai tổ chức giảng dạy bằng kép (song bằng) thành công. Bên cạnh đó, cũng nhờ tích lũy tín chỉ, sinh viên có thể chủ động lựa chọn tích lũy các học phần theo kế hoạch và thời gian của cá nhân, nhờ vậy đến nay đã có gần 3000 sinh viên được cấp bằng kép (bằng chính quy thứ 2 trong thời gian học tập tại ĐHQGHN) và 421 em tốt nghiệp đại học sớm so với quy định từ 1 đến 2 học kỳ.

Một sự đổi mới khác đối với 2 trường chuyên (Trường THPT chuyên KHTN và Trường THPT chuyên ngoại ngữ), để lựa chọn được nhiều học sinh ưu tú vào học theo chương trình đại học, năm 2014, ĐHQGHN đã tiên phong nghiên cứu và ban hành quy chế đặc thù cho học sinh chuyên, ban hành các tiêu chí và quy định xét tuyển thẳng vào các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc của ĐHQGHN những học sinh xuất sắc. Dó đó, đã thu hút được nguồn học sinh giỏi vào học các ngành khoa học cơ bản để nối tiếp truyền thống và phát huy thế mạnh của ĐHQGHN.

ĐHQGHN cũng là đơn vị tiên phong trong các cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước rà soát và nghiên cứu, xây dựng bản quy hoạch các ngành nghề đào tạo (2014) và phân tầng các chương trình đào tạo (2015). Đây là kim chỉ nam, là kế hoạch và chiến lược hết sức quan trọng định hướng cho hoạt động đào tạo của ĐHQGHN và các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN trong giai đoạn mới.

Thứ tư, ĐHQG kiên trì và giữ vững chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, hội nhập với quốc tế:

Các chương trình đào tạo của ĐHQGHN được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. ĐHQGHN thực hiện triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu (NNC) để đào tạo trình độ cao và phát triển tiềm lực KHCN. Đến nay, ở ĐHQGHN có hàng trăm NNC lớn nhỏ, trong đó có 27 NNC đã được Giám đốc ĐHQGHN công nhận là NNC mạnh cấp ĐHQGHN. Các NNC này đã đóng vai trò quan trọng trong việc mở các ngành đào tạo mới, bộ môn/PTN mới của ĐHQGHN trong những năm qua.

Cũng nhờ đào tạo thông qua nghiên cứu, các em sinh viên, học viên cao học, NCS được tham gia hoạt động trong môi trường các NNC, thắp sáng tài năng. Đến nay, đã có nhiều em sinh viên năm cuối và trên trên 80% NCS trong lĩnh vực KHTN – Công nghệ của ĐHQGHN có công bố trên các tạp chí quốc tế ISI. Không ít NCS được đào tạo trong nước, ở ĐHQGHN có số lượng và chất lượng các công bố quốc tế cao hơn so với các NCS được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài.

Nhiều em học sinh vào ĐHQGHN đã được sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình, tâm huyết của các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành, những người thầy tâm huyết, có môi trường nghiên cứu, học tập tốt và đã được phát huy năng lực và tỏa sáng, đạt được thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu. Nhiều cựu sinh viên ưu tú của ĐHQGHN đã trở thành các nhà lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp, nhà khoa học, quản lý có tên tuổi. 1/4 thế kỷ qua, ĐHQGHN đã góp phần hiệu quả vào sự nghiệp đào tạo nhân tài chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước.

Thứ năm, ĐHQG tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0:

Việc phát triển các ngành mới có tính liên ngành, mũi nhọn những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ mà xã hội có nhu cầu cao về nguồn nhân lực, cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 đang được ĐHQGHN chú trọng đặc biệt và có sự đột phá, trong đó phải kể đến các chương trình đào tạo mới, tiên phong như Kĩ thuật năng lượng, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hạ tầng, Công nghệ nano, Công nghệ kỹ thuật Xây dựng – Giao thông, Công nghệ hàng không vũ trụ, Robotic, An toàn thông tin, Quản trị các tổ chức tài chính, Kinh tế biển, Biến đổi khí hậu,…

Với trên 400 chương trình đào tạo ở các bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, từ lúc chỉ hoàn toàn các ngành khoa học cơ bản, sau 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay ĐHQGHN đã đạt cơ cấu ngành nghề đào tạo như sau: khoa học tự nhiên, y dược 25%; khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, ngoại ngữ, luật, giáo dục 45%; công nghệ – kỹ thuật 15%; liên ngành và thí điểm 15%. ĐHQGHN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề từ KHCB sang gắn với kỹ thuật, công nghệ và thực tiễn. Nhờ vậy, ngành nghề đào tạo của ĐHQGHN nhanh chóng tiếp cận hội nhập với thế giới, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp và doanh nghiệp, cũng như tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngày càng cao.

Tóm lại, hoạt động đào tạo đã có những đóng góp quan trọng và xứng đáng vào sự phát triển và lớn mạnh của ĐHQGHN, đóng góp tich cực và hiệu quả vào những đổi mới của ngành giáo dục đại học như đào tạo tài năng, chất lượng cao; tổ chức quản lý đào tạo theo tín chỉ; phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện đào tạo qua nghiên cứu và chú trọng xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường đại học; đảm bảo chất lượng giáo dục; kiểm định, phân tầng và quy hoạch chương trình đào tạo; đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực; tiên phong mở các chương trình đào tạo mới thí điểm và hiện đại, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, và thực hiện hội nhập với nền giáo dục đại học của thế giới. Thành quả lớn nhất của 25 năm qua là từ chính những học trò của mình, ĐHQGHN đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kế cận trẻ tuổi tài năng, đủ sức gánh vác sứ mệnh lớn lao và vẻ vang của nhà trường.

Qua 1/4 thế kỷ, chúng ta hết sức tự hào về những thành tựu mà các thế hệ lãnh đạo, các thế hệ thầy và trò, các thế hệ cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn tài năng và tâm huyết, các GS, PGS, TSKH, TS – những trí thức ưu tú của ĐHQGHN và của nước nhà; các thế hệ cán bộ, viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đào tạo đầy trách nhiệm và nhiệt huyết của ĐHQGHN qua các thời kỳ đã đóng góp và đạt được trong 25 năm qua, đồng thời cũng nhận thức đầy đủ những cơ hội, cũng như những thách thức trong tình hình và bối cảnh mới.

Giáo dục đại học đứng trước những thách thức về chất lượng; công ăn việc làm của người học sau khi tốt nghiệp và hội nhập với các chuẩn mực của quốc tế. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục Đào tạo đang có những chỉ đạo quyết liệt và giải pháp hữu hiệu để đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học Việt nam. Đảng ủy và Ban Giám đốc ĐHQGHN đã chỉ đạo trong thời gian tới tập trung hoàn thiện mô hình tự chủ đại học, trong hoạt động đào tạo tập trung vào nâng cao và mở rộng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao; ưu tiên và tập trung nguồn lực cho đào tạo tiến sĩ, thu hút nhân tài, phát triển các nhóm nghiên cứu để tạo nguồn nhân lực kế cận và thúc đẩy công bố quốc tế, qua đó duy trì và nâng cao xếp hạng đại học; phát huy thế mạnh thống nhất và liên thông liên kết trong toàn ĐHQGHN, nâng cao khả năng thực hành, thực tập, thực tế và qua đó nâng cao chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (1993-2018), chúc ĐHQGHN ngày càng phát triển, luôn xứng đáng là đầu tàu đổi mới, là đại học hàng đầu, nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, hội nhập ngày càng mạnh mẽ và luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, Bộ giáo dục Đào tạo và các bộ ngành và toàn xã hội để phát huy tối đa nội lực và thu hút tối đa các nguồn lực, sớm có tên trong bảng xếp hạng đại học có thứ hạng cao của khu vực và thế giới, đáp ứng mong mỏi của xã hội và nhân dân cả nước.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN
Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN

visio 2016 kaufen

PHÓNG SỰ TRÊN TRUYỀN HÌNH NHÂN DÂN NGÀY 02.5.2017 VỀ DỰ THẢO TIÊU CHUẨN CHỨC DANH GS, PGS

Trân trọng giới thiệu phóng sự trên truyền hình Nhân Dân –  Chương trình Tiêu Điểm ngày 02.5.2017 về dự thảo tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Phỏng vấn trực tiếp GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng PTN Vật liệu và Kết Cấu tiên tiến của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
http://nhandantv.vn/-du-thao-tieu-chuan-giao-su-pho-giao-su-moi-lieu-co-di-nguoc-lai-voi-thong-le-quoc-te–v47825

Google photos organize high school government homework help and back-up your photos and videos.

windows 7 home basic kaufen