GS Nguyễn Đình Đức: Phải dám đầu tư cho công nghệ cao, dám chấp nhận thất bại

heo Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, phải mạnh dạn thí điểm những phương thức, cách làm mới để “vừa xếp hàng, vừa chạy,” nhanh chóng nắm bắt được các cơ hội, phát triển các công nghệ cao.

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi Số Quốc gia.

Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ-Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời là nhà khoa học Việt Nam nằm trong Top 100 các nhà khoa học hàng đầu thế giới lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ đã dành thời gian trao đổi với phóng viên để làm rõ hơn về tầm nhìn, ý nghĩa của Nghị quyết 57-NQ/TW đối với sự phát triển của đất nước nói chung và các trường đại học nói riêng.

Công nghệ cao là chìa khóa để quốc gia hưng thịnh

– Thưa Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, ông đánh giá như thế nào về việc ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW trong thời điểm này?

Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức: Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành thể hiện quyết tâm, quyết liệt của Trung ương lấy chuyển đổi số và công nghệ cao là trọng tâm để bứt phá và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Bài học của các nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia phát triển khác đã cho thấy công nghệ cao là chìa khóa để quốc gia hưng thịnh và giàu mạnh.

Việt Nam cũng không còn con đường nào khác. Chưa bao giờ những thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo tác động đến mọi hoạt động của đời sống xã hội và toàn cầu nhanh, mạnh mẽ như hiện nay. Do đó, lấy chuyển đổi số làm nền tảng và làm chủ các công nghệ cao là chiến lược phát triển hoàn toàn đúng đắn. Nền tảng chuyển đổi số và các công nghệ cao, công nghệ lõi chính là chiếc đũa thần để dân tộc ta có thể vươn lên tiến nhanh, tiến mạnh, vững chắc, trở thành quốc gia giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các nước năm châu.

Nghị quyết 57 cũng là mục tiêu, khát vọng của dân tộc, mong mỏi của nhân dân, của các nhà khoa học-đặc biệt là các nhà khoa học trẻ. Nghị quyết thôi thúc cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu phải đổi mới tư duy, nắm bắt cơ hội, đồng thời phải kiến tạo, đầu tư mọi nguồn lực tốt nhất cho khoa học công nghệ, cho các nhà khoa học để thúc đẩy chuyển đổi số và làm chủ các công nghệ cao, phát triển các công nghệ mới.

Nghị quyết 57 thực sự là luồng gió mới, soi rõ con đường vươn lên phía trước của dân tộc Việt Nam, quá đúng và quá trúng. Từ Nghị quyết này có thể thấy rõ con đường phát triển của dân tộc trong kỷ nguyên mới. Định hướng chủ đạo phát triển đất nước trong Đại hội tới của Đảng cũng đã rõ.

– Một trong những mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 57 là đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40-50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm… Theo Giáo sư, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp như thế nào để có thể đạt được mục tiêu này?

Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức: Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận trước đây đã ban hành nhiều nghị quyết rất đúng và trúng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng trên thực tế triển khai, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, cũng còn rất nhiều hạn chế, tồn tại, chủ yếu do chồng chéo của các văn bản, quy định. Việc tổ chức phê duyệt và triển khai các nghiên cứu còn chậm, thủ tục rườm rà và đầu tư chưa xứng tầm. Điều này cũng bởi tư duy, nhận thức chưa thực sự hiểu đúng vai trò của khoa học công nghệ và nguồn nhân lực trình độ cao với sự phát triển của đất nước.

Để thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết 57, các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học và toàn xã hội phải thay đổi nhận thức để đầu tư mọi nguồn lực nhanh nhất, tốt nhất cho khoa học công nghệ, cho các trường đại học, viện nghiên cứu.

Trên cơ sở Nghị quyết này, Luật Khoa học Công nghệ, Luật Giáo dục đại học và các bộ luật khác sẽ phải thay đổi trên cơ sở nhận thức, tư duy và tầm nhìn như vậy. Các chính sách cần kiến tạo, đầu tư xứng tầm cho nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh quá trình từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tới các sản phẩm công nghệ cao.

Trải nghiệm robot Anbi tại Ngày hội ‘Thanh niên Bắc Giang-Đổi mới sáng tạo thời đại số.’ (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Mấu chốt để triển khai các hoạt động thực hiện Nghị quyết 57, đầu tiên và cốt lõi, suy cho cùng chính là thể chế, chính sách và nguồn nhân lực. Các bộ, ngành phải có trách nhiệm xây dựng thể chế thông thoáng và kịp thời để sự nghiệp chuyển đổi số và khoa học công nghệ của quốc gia tiến nhanh, tiến mạnh, không “lề dề” như những lần trước.

Để đạt được mục tiêu phát triển các công nghệ cao, chúng ta phải có nhân tài. Trong bối cảnh hiện nay, tài nguyên lớn nhất của quốc gia, sức cạnh tranh lớn nhất của tổ chức và doanh nghiệp chính là nguồn lực con người. Vì vậy, việc đầu tư cho phát triển giáo dục đại học và nhân lực khoa học công nghệ, chính sách thu hút nhân tài phải sớm triển khai nhanh, quyết liệt.

Đồng thời, Việt Nam có thể đi sau nhưng phải quyết tâm về trước, không thể tụt hậu. Phải mạnh dạn thí điểm những phương thức mới, cách làm mới để “vừa xếp hàng, vừa chạy,” nhanh chóng nắm bắt được các cơ hội, phát triển các công nghệ cao.

Bên cạnh đó, phải mạnh dạn đầu tư cho các nghiên cứu rủi ro. Trước đây, Việt Nam mới chỉ quan tâm chú ý xử lý các rủi ro trong quá trình triển khai các hoạt động khoa học công nghệ. Các công nghệ cao là khó, giá trị thặng dự cao nhưng quả thực không dễ dàng. Không phải nghiên cứu đỉnh cao nào cũng thành công, nhưng nếu thành công thì sức bật phá kinh khủng. Vì vậy, phải dám đầu tư cho công nghệ cao, dám chấp nhận thất bại để có những thành công khác.

Đầu tư dài hạn, xứng tầm cho các nhóm nghiên cứu mạnh

– Về phía các cơ sở đào tạo, theo Giáo sư, trong thời gian tới, các trường cần làm gì để bắt kịp xu hướng của thế giới trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực khoa học-công nghệ nhằm thu hút sinh viên theo học và nâng cao chất lượng đầu ra?

Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức: Các công nghệ cao xuất phát điểm sẽ từ phòng thí nghiệm của các trường đại học, viện nghiên cứu, từ trí tuệ của các nhà khoa học. Để nắm bắt và phát triển công nghệ cao, các nhà khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu của hệ thống giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt. Giáo dục đại học Việt Nam có cất cánh, đất nước mới cất cánh được.

Nghị quyết 57 là kim chỉ nam cho hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu. Các cơ sở giáo dục đại học phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược phát triển của mình phù hợp với chiến lược và chính sách phát triển của quốc gia, theo những nội dung và mục tiêu mà Nghị quyết 57 đã đề ra.

Các học viên được đào tạo tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Các trường đại học phải tiên phong trong việc chuyển đổi số. Hệ thống công nghệ, hạ tầng và dữ liệu, ứng dụng AI trong trường đại học phải được đầu tư, xây dựng và vận hành chuẩn chỉnh và là hình mẫu cho việc chuyển đổi số của quốc gia.

Đồng thời, phải chuyển đổi các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận giáo dục STEM. Các công nghệ cao, công nghệ lõi cũng đòi hỏi phải có nền tảng khoa học cơ bản vững chắc. Không có thế mạnh về khoa học cơ bản và không đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học, chúng ta không bao giờ có nguồn nhân lực công nghệ cao được. Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo phải tiếp cận với các khung năng lực, chuẩn đầu ra của khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, các trường đại học phải mạnh dạn đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh. Vì nhóm nghiên cứu là tế bào của hoạt động nghiên cứu, đào tạo và đổi mới sáng tạo trong nhà trường.

Nhà nước và nhà trường cần có chủ trương và quyết tâm thành lập mới, ưu tiên đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mới trong những lĩnh vực công nghệ cao, mũi nhọn và then chốt trong phát triển kinh tế, an ninh quốc gia. Các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung các nhà khoa học có trình độ cao nên là môi trường khả thi nhất để mạnh dạn đầu tư cho các nghiên cứu rủi ro.

Hơn nữa, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu trong trường đại học phải là đầu tư dài hơi, tới tầm và xứng tầm, song song với việc quy hoạch và đầu tư cho các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn. Có như vậy mới mong đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và tạo nên các đột phá trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của các trường đại học.

Các trường đại học cần đẩy mạnh triển khai mô hình 4 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp. Nhà nước và nhà trường cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hợp tác và chia sẻ nguồn lực, cũng như quyền lợi thỏa đáng và chính đáng của các bên tham gia. Có như vậy mới mong thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu và hoạt động đổi mới sáng tạo của nhà trường.

Phòng nghiên cứu công nghệ nano hiện đại của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Tinh thần của Nghị quyết mà tôi nhận thức được là để đất nước giàu mạnh, hùng cường, mỗi cá nhân, tổ chức còn phải có khát vọng làm việc và cống hiến. Muốn được “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu,” hiện tại, mỗi người phải được “làm theo nhu cầu, hưởng theo năng lực.”

Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, các nhà lãnh đạo và tổ chức các cấp, các trường đại học, các viện nghiên cứu phải tạo điều kiện và nguồn lực để từng cá nhân, từng nhà khoa học có mong muốn được làm việc, được cống hiến thì phải có điều kiện và được tạo điều kiện để làm việc, nghiên cứu sáng tạo, cống hiến hết mình, được hưởng xứng đáng với năng lực của họ. Có như vậy, cá nhân mới phát triển, tạo nên các giá trị mới gia tăng cho tổ chức và như vậy, nhà trường mới phát triển, tổ chức mới phát triển, quốc gia mới hưng thịnh.

– Là một trong những cơ sở đại học hàng đầu cả nước về đào tạo các ngành khoa học công nghệ, Trường Đại học Công nghệ-Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang có những bước chuẩn bị như thế nào để đẩy mạnh quy mô và chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế thời gian tới, thưa Giáo sư?

Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức: Trường Đại học Công nghệ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2035 và tầm nhìn tới 2045. Chúng tôi đã mạnh dạn đề ra mục tiêu một số lĩnh vực lọt top 200 thế giới vào năm 2035 và trở thành một trong những trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của đất nước; đại học tiên tiến, có uy tín cao của khu vực.

Song song với xây dựng Chiến lược mới, nhà trường đã đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý tài chính. Trường Đại học Công nghệ đã tự chủ. nhờ đó đã tăng mạnh đầu tư cho con người, cho các nhóm nghiên cứu của giảng viên, sinh viên và cho chuyển đổi số, quản trị trong trường.

Trường Đại học Công nghệ đã triển khai toàn diện hệ thống Base trong hoạt động điều hành và áp dụng triệt để phần mềm Canvas trong đào tạo. Nhờ đó đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong nhà trường và đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhà trường cũng có truyền thống kết hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đồng hành trong đào tạo. Việc tuyển chọn nhân tài để đào tạo thạc sỹ trong thiết kế chip với tập đoàn Sumsung là một ví dụ điển hình. Nhiều sinh viên của chúng tôi ngay sau khi tốt nghiệp đã có những doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước săn đón, tuyển dụng.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tất cả các lĩnh vực của nhà trường. Bên cạnh các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tự động hóa-robotics, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nông nghiệp, năng lượng, hàng không vũ trụ, xây dựng-giao thông và phát triển hạ tầng thông minh…, các lĩnh vực mới như công nghệ-kỹ thuật sinh học, vật liệu điện-điện tử… đang được xây dựng mới, sẽ tạo nên những bước phát triển mới cho Trường Đại học Công nghệ và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm học 2023-2024, Trường Đại học Công nghệ đã có những bước phát triển và bứt phá ngoạn mục. Tỷ lệ công bố quốc tế đạt 2,28 bài ISI/TS trong năm 2024, tương đương như của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới. Điểm tuyển sinh đầu vào thuộc diện một trong những trường top đầu, có điểm đầu vào cao nhất cả nước và hiện nay quy mô tuyển sinh của trường là lớn nhất trong Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thầy trò rất vui, tự hào và tự nhủ phải nỗ lực và phấn đấu hết mình, vì Nghị quyết 57 mở ra nhiều cơ hội, vận hội mới cho nhà trường, làm cho Trường Đại học Công nghệ có một tâm thế mới, vị thế mới trong Đại học Quốc gia Hà Nội và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.