GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Người con miền đất học Lai Xá

NGƯỜI CON MIỀN ĐẤT HỌC LAI XÁ:
LÀNG LAI XÁ – thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội nằm ngay sát thị trấn Nhổn, cách Trung tâm Thủ Đô Hà Nội tầm 13 km, là miền đất học. Thánh Hoàng Làng của làng là đức Thánh Trần Cao (thân sinh Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Ngài đã có thời gian sống ở đây, giúp dân làng sinh cơ lập nghiệp, vì vậy dân làng phải luôn phải kiêng kỵ tránh phạm húy, nói trệch “cao”” thành “”kiêu”). Đây cũng là quê hương của GS Nguyễn Văn Huyên nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quê hương của GS Nguyễn Quang Riệu (Việt Kiều Pháp), nhà thiên văn học xuất sắc. Đây cũng là làng nghề Nhiếp Ảnh nổi tiếng và là quê hương của cụ Khánh Ký, cụ tổ làng nghề Nhiếp Ảnh Lai Xá (người đã truyền nghề ảnh cho Nguyễn Ái Quốc khi Người còn trẻ, hoạt động cách mạng ở Paris), và Lai xá quê ngoại, cũng là mảnh đất chân rau cắt rốn, nơi sinh của GS Nguyễn Đình Đức, Giám đốc PTN Vật liệu và Kết cấu tiên tiến.
Trân trọng giới thiệu với các bạn bài viết này trên báo “” Việt Nam hội nhập”” số tháng 11-2017, tháng tri ân các thầy cô giáo của Việt Nam:

VNHN – Hình ảnh in đậm trong tâm trí của nhiều người đã từng làm việc và tiếp xúc với ông chính là nhiệt huyết và sự uyên thâm của một nhà khoa học, kinh nghiệm và năng lực cao của một nhà quản lý, cùng cái tâm nghề, tâm đời mà ông luôn gìn giữ trong cuộc sống và sự nghiệp. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học (Đại học QGHN) mãi là tấm gương sáng về một người trí thức để lớp trẻ học tập, noi theo.

Một thời để nhớ

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức sinh năm 1963 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và cách mạng tại thôn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ), nay thuộc Hà Nội. Quê nội ông ở thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương – mảnh đất địa linh nhân kiệt. Bố mẹ ông đã để lại cho ông niềm tự hào về truyền thống gia đình, về ý chí vươn lên vì nghĩa lớn; để rồi khi trưởng thành, dẫu phải trải qua bao gian khó, nhọc nhằn, ông vẫn không nản chí, vẫn vượt qua tất cả để thực hiện hoài bão của mình.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Năm 6 tuổi, Nguyễn Đình Đức đã sớm xa quê hương vì gia đình lên lập nghiệp ở Yên Bái, một thị xã miền núi Tây Bắc. Ông là học sinh xuất sắc nhất của lớp chuyên toán khóa 1 của tỉnh Hoàng Liên Sơn (1978), và cũng là thủ khoa của Khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi chưa đầy 21 tuổi (1984), ông được trường Đại học Tổng hợp đề nghị và Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ (khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Đại học) quyết định cho  ông được tham gia kỳ thi chọn NCS đi nước ngoài. Và ngay kỳ thi tuyển NCS năm 1985, ông đã đỗ đầu với số điểm cao nhất. Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã được Tạp chí “Who is who in the World” của Mỹ đưa vào danh mục những nhân vật nổi tiếng trong lần xuất bản thứ 18 từ năm 2001.

Ngọn lửa say mê trong học tập, khát vọng lớn lao trong nghiên cứu khoa học, đã tạo nên ở người trí thức Nguyễn Đình Đức chiều sâu của trí tuệ trong những hoạt động khoa học và hoạt động quản lý của mình trên suốt chặng đường dài cống hiến của ông. Nhưng cũng phải nói rằng, ở ông không chỉ đơn thuần là phẩm chất của một nhà khoa học, mà còn có cả bản lĩnh của một nhà quản lý giỏi. Có thể nói, những năm tháng đầu dựng nghiệp của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức không phải là một mạch của sự “xuôi chiều”, mà có không ít những cung đoạn khác nhau của cuộc sống và sự nghiệp. Nhưng dẫu sao, sự vất vả đó cũng giúp ông có thêm những trải nghiệm thực tiễn, làm nền cho những bước đi tiếp theo được vững vàng hơn.

Dẫu tài không thể thiếu tâm

Sự nghiệp nghiên cứu khoa học và công tác quản lý của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức thực sự đi vào chiều sâu và mang tính tập trung cao kể từ khi ông được Bộ Đại học cử đi làm luận án tiến sĩ ở Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU). Đối với ông, đây chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Nơi đây chính là môi trường để ông tiếp xúc và học hỏi từ các nhà khoa học Xô Viết lỗi lạc và trưởng thành. Tại đây, ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ Toán – Lý với đề tài “Các tiêu chuẩn bền của composite cốt sợi đồng phương” dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH Pobedrya B.E, Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học vật liệu composite tại ĐH Tổng hợp Quốc gia Maxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU) – nơi hội tụ của các nhà khoa học Xô Viết lỗi lạc, và sau đó tiếp tục bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học Nga khi 34 tuổi. Kết quả nghiên cứu về composite siêu bền có cấu trúc không gian của ông đã được cấp bằng phát minh, năm 1999.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức tham dự phiên họp thứ nhất Hội đồng Khoa học Đào tạo của Đại học Việt Nhật tại Nhật Bản

Trong thời gian học tập và công tác tại LB Nga, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại LB Nga (1999-2001), thành viên nước ngoài của Viện Hàn Lâm Khoa học Tự nhiên Nga (1999) và Viện Hàn Lâm Phát minh và Sáng chế Quốc tế (1999), Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa V (1999-2004). Năm 1997, với thành tích nghiên cứu xuất sắc, TS Nguyễn Đình Đức được Trường Đại học Tổng hợp Clemson (Hoa Kỳ) mời ông sang làm trợ giảng. Trước những lời động viên cố vấn của bạn bè và nhiều đồng nghiệp khuyên ông nên sang Hoa Kỳ, nhưng ông lại quyết định tích lũy sâu hơn nữa kiến thức và kinh nghiệm để trở về Việt Nam làm việc. Bởi ông muốn phát triển hơn nữa điều kiện nghiên cứu và giảng dạy, xây dựng và đào tạo đội ngũ thế hệ trẻ giải quyết các vấn đề của thực tiễn liên quan đến composite, góp phần xây dựng ngành khoa học này ở Việt Nam.

Trở về nước, được sự tín nhiệm của GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, khi đó nguyên là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã là một trong những người đứng ra vận động, sáng lập và là một trong những Phó Chủ tịch đầu tiên của Hội trí thức KHCN trẻ Việt Nam (2004-2010). Bên cạnh đó, ông cũng từng là Trưởng ban Tổ chức các Hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế lớn như Hội nghị Toàn quốc về Cơ điện tử lần thứ VI (2012), Hội nghị quốc tế về Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa ICEMA 1(2010), ICEMA2(2012), ICEMA3(2014). Đồng thời, ông cũng tham gia phản biện cho hơn 50 tạp chí quốc tế ISI, trong đó có nhiều tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực Cơ học và vật liệu mới.

Kể từ những ngày đầu bước chân vào nghiên cứu khoa học cho đến nay, ông đã chọn cho mình hướng đi bền bỉ và gắn trọn vẹn với nghiên cứu về vật liệu composite. Loại vật liệu mới có độ bền cơ học cao, vừa nhẹ và bền với các môi trường kiềm, a xít, nhiệt độ cao… mà vật liệu tự nhiên không có được.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức luôn nhiệt huyết truyền lại kiến thức cho học trò

Không thể nói là chỉ có thuận lợi, mà khó khăn cũng rất nhiều. Trong quá trình đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã thể hiện được cả tài năng và cái tâm nghề của mình. Với sự nghiêm túc và sáng tạo trong nghiên cứu, ông đã hội nhập với trình độ và các hướng nghiên cứu hiện đại của thế giới, tiếp cận những xu thế của cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực vật liệu mới, thu được những kết quả nghiên cứu khoa học có giá trị và nhiều kết quả trong số đó đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Đến nay, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã công bố trên 200 công trình khoa học ở trong và ngoài nước, trong đó hai phần ba là các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản, công bố ở nước ngoài với trên 100 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI. Ông cũng đã thành công trong việc áp dụng những tính toán nghiên cứu lý thuyết của mình để đề xuất sử dụng các hạt nano titan oxit như là thành phần gia cường làm tăng khả năng chống thấm, chống giòn, chống nứt cho vật composite polymer. Sáng kiến của ông đã được áp dụng để chế tạo đà máy tàu thủy bằng composite ở một doanh nghiệp đóng tàu của Việt Nam, đồng thời, những kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm của ông về nano composite hạt titan oxit không chỉ được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI, mà còn được Cục sở sữu trí tuệ cấp patent (Bằng Giải pháp hữu ích, 2016). Sản phẩm “Thiết bị dẫn đường quán tính phục vụ dẫn đường các phương tiện chuyển động có điều khiển” của đề tài nghiên cứu khoa học hợp tác giữa trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN và Viện Tên lửa – Viện KHCN QS – Bộ quốc phòng do ông làm Phó chủ nhiệm đề tài đã được giải 3 Nhân tài đất việt năm 2008.

Với vai trò là một người thầy, ông không chỉ động viên tinh thần mà còn giúp đỡ nhiều em sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. Tấm lòng nhân ái, sự say mê khoa học, tin yêu cuộc sống, sự động viên, chia sẻ của ông luôn là sự động viên khích lệ các thế hệ học sinh vững vàng ý chí và nghị lực để tiếp bước trên con đường khoa học.

Ông vẫn luôn tâm huyết miệt mài với từng trang giáo án, những bài giảng của ông luôn mang tính sáng tạo đổi mới giúp học trò tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất. Nhiều học trò của ông giờ đây đã trưởng thành và thành tài, có những người đã là thủ trưởng các đơn vị lớn như TS. Đinh Khắc Minh, là Viện trưởng Viện KHCN tàu thủy (Bộ Giao thông vận tải); TS. Hoàng Văn Tùng, là Chủ nhiệm Bộ môn Cơ lý thuyết của ĐH Kiến trúc Hà Nội. Nhiều học trò được ông hướng dẫn NCKH ngay từ những năm tháng sinh viên đã có nhiều bài báo khoa học có giá trị được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế ISI có uy tín và đạt giải nhất về nghiên cứu khoa học của trường Đại học Công nghệ cũng như của ĐHQGHN (như các em Trần Quốc Quân, Phạm Hồng Công, Vũ Văn Dũng, Phạm Toàn Thắng,…) và hầu hết các em đều là thủ khoa và được chuyển tiếp làm NCS ngay sau khi tốt nghiệp đại học.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã xuất bản 4 đầu sách chuyên khảo và giáo trình về lĩnh vực chuyên ngành giảng dạy, nghiên cứu. Đặc biệt, ông đã có sách chuyên khảo về composite 3 pha có cấu trúc không gian được xuất bản bằng tiếng Nga (năm 2000) và cuốn sách chuyên khảo bằng tiếng Anh về ổn định tĩnh và động lực học của các kết cấu tấm và vỏ vật liệu composite chức năng FGM (năm 2014), được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao. Công thức phi tuyến xác định các mô đun đàn hồi cho composite hạt nano của ông đã được cộng đồng khoa học biết đến gắn với tên “Vanin – Nguyen Dinh Duc” (GS. G.A Vanin là nhà khoa học lỗi lạc của Nga – Trưởng PTN Vật liệu composite của Viện hàn lâm Khoa học Nga).

Với những cống hiến xuất sắc cho khoa học, GS Nguyễn Đình Đức đã được mời tham gia Hội đồng quốc tế của các tạp chí quốc tế, được mời là giáo sư nghiên cứu, thỉnh giảng tại các trường đại học danh tiếng của nước ngoài như Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU), Viện nghiên cứu chế tạo máy (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), Viện khoa học công nghệ tiên tiến của Nhật Bản (JAIST), Đại học Birminhham (University of Birmingham), Vương Quốc Anh, Đại học Tổng hợp Sejong University của Hàn Quốc,… Tên tuổi của GS Nguyễn Đình Đức và Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến do ông sáng lập đã được biết đến và có uy tín trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Cuộc đời của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là tấm gương sáng của sự kiên trì lao động và cống hiến cho khoa học, cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ông là người có nhiều cống hiến đặc biệt cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ĐHQGHN, đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng ban Khoa học Công nghệ của ĐHQGHN (2005-2008), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (11.2008-9.2012) và từ 10.2012 đến nay là Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN. Đó là chặng đường dài cống hiến tâm sức và trí tuệ của ông cho đất nước.

Trải qua gần 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công tác quản lý, dù ở bất cứ cương vị công tác nào – vai trò nhà giáo, nhà khoa học hay nhà quản lý – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức  cũng luôn “cháy” hết mình vì sự nghiệp chung. Đối với ông, cuộc sống sẽ thật vô vị, thật không còn ý nghĩa gì nữa nếu không làm việc và cống hiến cho cộng đồng

xã hội, cho đất nước. Vì vậy mà không khó khăn nào làm ông nản lòng, không thử thách nào làm ông nhụt chí. Những đóng góp của ông trong suốt thời gian qua thật đáng trân trọng. Nhiều thế hệ cán bộ, sinh viên, học viên được ông giảng dạy, dìu dắt  không thể quên một người thầy giản dị nhưng đầy trí tuệ với nghề, đầy nhiệt huyết với nghiệp; luôn đem hết tài và tâm của mình để cống hiến cho sự nghiệp chung. Kinh nghiệm quản lý, kết quả nghiên cứu khoa học và những đóng góp của ông không còn là của riêng ông, mà là giá trị chung của khoa học nước nhà, vì sự lan tỏa, tính thiết thực và ý nghĩa sâu sắc mà các công trình có được. Những đóng góp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của ông đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Đại học QGHN, của công tác đào tạo bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao, trình độ cao cho công cuộc đổi mới đất nước./.

Khánh Linh

Nguồn Báo Việt Nam hội nhập

We have turned this collection in a handy infographic which you can download and print in pdf format from this https://homework-writer.com link.

coreldraw kaufen