Điểm chuẩn đại học năm 2024 có thể cao hơn năm trước ở tất cả tổ hợp

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định, nếu không có sự biến động lớn về tỷ lệ chỉ tiêu dành cho việc xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm đầu vào xét tuyển đại học năm nay sẽ cao hơn năm trước ở tất cả các tổ hợp và có thể chênh từ 1 – 3 điểm.

Sáng 17.7, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cùng phổ điểm thi các môn và phổ điểm theo từng tổ hợp.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội để nhận định về kết quả kỳ thi năm nay, cũng như dự đoán điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Điểm thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao hơn năm trước ở tất cả các môn

– Thưa GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Sáng 17.7, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi THPT năm 2024, cùng phổ điểm các môn thi cũng như các tổ hợp. Ông có nhận định, đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ thi này?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Nhìn vào phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mà Bộ GD-ĐT công bố cho thấy kỳ thi năm nay về cơ bản ổn định, một số môn có sự phân hóa tốt hơn so với năm trước; đồng thời đảm bảo đánh giá được thí sinh theo sát với chương trình giáo dục THPT.

Số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là hơn 1 triệu thí sinh, ở mức “kỷ lục” so với mấy năm qua. Môn có thí sinh dự thi cao nhất là Ngữ văn với 1.050.132 thí sinh; môn Toán có 1.045.643 thí sinh, đều cao hơn so với năm 2023.

Từ số liệu kết quả phân tích của một số môn thi cụ thể năm nay, có thể thấy như sau:

Ở môn Toán, số bài thi đạt điểm 8 trở lên là 198.390 bài/tổng 1.045.643 bài, đạt 18,97%. So với năm 2023, tỷ lệ này là 15,1%, năm 2022 là 21,8%.

Môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên là 687.326/1.050.132 bài, đạt tỷ lệ cao kỷ lục từ trước tới nay: 64,57%. Trong khi đó, tỷ lệ này năm 2023 đạt 45,9%, năm 2022 là 42,28% và đạt 41,7% vào năm 2021.

Môn Vật lí, số bài thi đạt điểm 8 trở lên là 99.148 bài/345.630 bài, đạt tỷ lệ 28,68%, trong khi đó năm 2023 là 21,31%, năm 2022 là 22,74%.

Môn Hóa học, số bài từ 8 điểm trở lên là 93.333 bài/346.530 bài, đạt 26,93%. Tỷ lệ này năm 2023 là 22,6%, năm 2022 là 27,8%. Đặc biệt, năm nay, môn Hóa “được mùa” điểm 10, với 1.278 điểm 10, trong khi năm trước chỉ có 137 bài đạt điểm 10.

Riêng môn Sinh học, năm nay, tỷ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên là 34.438 bài/324.388 bài, đạt tỷ lệ 10,06%. Đây là môn có tỷ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên  ổn định, so với năm 2023 là 10,57% và năm 2022 là 4,6%.

Ở môn Lịch sử, tỷ lệ điểm giỏi cũng cao hơn năm trước, từ điểm 8 trở lên có 138.533 bài/tổng 706.299 bài, tỷ lệ 19,6%. Trong khi năm 2023, tỷ lệ này là 13%, năm 2022 là 18,1%.

Môn Địa lí năm nay lại có đột biến về tỷ lệ điểm giỏi, khi số bài đạt điểm 8 trở lên là 218.515 bài/tổng 704.701 bài, đạt tỷ lệ 31%, trong khi năm trước, tỷ lệ này là  6,6%, năm 2022 là 16,7%. Đặc biệt, có 3.175 bài đạt 10 điểm, trong khi năm 2023 chỉ có 35 bài đạt điểm 10.

Môn Giáo dục công dân, số bài đạt điểm giỏi từ 8 trở lên là 384.222 bài/583.619 bài, đạt tỷ lệ 65,83%, trong khi đó năm 2023 là 61%, năm 2022 là 61,85%. Tỷ lệ đạt điểm giỏi môn Giáo dục công dân luôn đạt cao qua nhiều năm. Năm nay, có 3.661 điểm 10.

Môn Tiếng Anh, năm nay số bài đạt điểm 8 trở lên là 131.283 bài/906.549 bài, đạt tỷ lệ 14,48%. Năm 2023, tỷ lệ này là 15,03% và 2022 là 1,9%. Tỷ lệ này cao nhất vào năm 2021 với 18,3%.

Điểm trung bình chung các môn cơ bản ổn định như năm trước, không có biến động lớn. Riêng môn Văn, điểm trung bình năm nay là 8, trong khi năm 2023 là 7.

Qua phổ điểm này có thể thấy, điểm thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao hơn năm trước ở tất cả các môn. Thành tích này phản ánh sự nỗ lực vượt bậc của học sinh, thầy cô và các trường, các Sở GD-ĐT trong năm học vừa qua.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công
nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Một kỳ thi được đánh giá thành công nếu cả 4 khâu: đề thi, coi thi, chấm thi và xét tuyển đều tốt đẹp.

Với những diễn biến của công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay – sự nghiêm túc thực hiện Quy chế trong công tác coi và chấm thi, cũng như sự phân hóa của đề thi đã được cải thiện và kết quả thi THPT được công bố hôm nay, tôi đánh giá kỳ thi THPT năm 2024 đã thành công tốt đẹp: an toàn, nghiêm túc, khách quan, đảm bảo được sự ổn định theo định hướng của Chính phủ.

Năng lực thí sinh đạt mặt bằng kiến thức chung trên toàn quốc thông qua kết quả thi và các trường đại học hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như một phương thức quan trọng để tuyển sinh vào đại học.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Điểm đầu vào năm nay có thể cao hơn năm trước ở tất cả tổ hợp 

– Dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, giáo sư có thể đưa ra nhận định về điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học theo các phương thức sử dụng điểm thi này?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Mặc dù ngày càng có nhiều trường sử dụng các bài thi đánh giá năng lực, các bài thi riêng để tuyển sinh, nhưng hiện nay tất cả các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như một phương thức quan trọng trong tuyển sinh.

Với phổ điểm như trên, có thể thấy năm nay, mức điểm phổ biến nhất ở hầu hết tổ hợp là 22 – 23 điểm.

Tỷ lệ số bài thi đạt điểm giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đều cao hơn năm 2023 ở tất cả các môn. Do đó, nếu không có sự biến động lớn về tỷ lệ chỉ tiêu dành cho việc xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT thì điểm đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm trước ở tất cả các tổ hợp và có thể chênh từ 1 – 3 điểm.

Những ngành “hot”, có điểm đầu vào cao, nếu chỉ tiêu như năm trước thì mức cạnh tranh sẽ lớn hơn.

Cần cải thiện, đổi mới hơn nữa cách dạy và học tiếng Anh ở bậc THPT

– Qua kỳ thi năm nay, giáo sư có góp ý gì để cải thiện tốt hơn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm tiếp theo?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Bên cạnh những thành tích rất lớn đã đạt được và những thành công của kỳ thi này, chúng ta có thể thấy môn Ngoại ngữ – tiếng Anh vẫn là điểm yếu với đại đa số học sinh Việt Nam.

Số bài dưới 5 điểm là 386.861 bài/tổng 906.549 bài, chiếm tỷ lệ 42,67%. Như vậy, tỷ lệ dưới trung bình rất cao. Năm 2023, tỷ lệ này là 44,85%. Chúng ta phải cải thiện, đổi mới hơn nữa cách dạy và học tiếng Anh ở bậc THPT.

Trong khi các môn Văn, Sử, Địa có điểm giỏi cao và tỷ lệ dưới trung bình môn Văn, Địa rất thấp (chỉ chiếm vài %), ở môn Sử tỷ lệ dưới trung bình chỉ 13%, thì tỷ lệ dưới trung bình năm nay của môn Toán là 17,5%, Hóa 15,87%, Vật lí 16,34%.

Điều này cho thấy, chúng ta phải đẩy mạnh việc giáo dục STEM, nâng cao năng lực môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên trong các trường THPT. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đây là những kiến thức nền tảng cốt lõi chúng ta cần trang bị tốt cho học sinh THPT.

Nếu có thể, chúng ta vẫn có thể phân hóa đề thi cao hơn nữa, để không chỉ xét tốt nghiệp THPT mà còn “nhất cử lưỡng tiện”, giúp các trường đại học phân loại tốt hơn nữa thí sinh qua bài thi THPT để xét tuyển vào đại học, nhất là các trường đại học ở “top” trên.

– Trân trọng cảm ơn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã chia sẻ

Hồng Hạnh – Nguyễn Liên

Tự động hóa và Tin học đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước

Đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có ba trụ cột quan trọng nhất: Công nghệ thông tin – Tự động hóa – Trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, khi mở ngành Tự động hóa và Tin học, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội đã góp phần cung cấp nguồn nhân lực có thể thích ứng và làm việc trong cả ba trụ cột này. Tự động hoá và Tin học (AAI) đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hôm nay, phóng viên có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Giám đốc chương trình Tự động hóa và Tin học (AAI), Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội để lắng nghe những chia sẻ hữu ích về ngành học và triển vọng đang triển khai đào tạo ngành này tại nhà trường.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức phát biểu tại Lễ trao bằng tốt nghiệp của Trường Quốc tế

Phóng viên: Với vai trò là là một nhà khoa học hàng đầu trên thế giới và khu vực trong lĩnh vực chuyên môn, và là Giám đốc chương trình Tự động hoá và Tin học, Giáo sư có thể chia sẻ về xu thế phát triển và cơ hội nghề nghiệp cho các bạn sinh viên theo học chương trình này?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Chương trình có sự gắn kết chặt chẽ giữa Tin học với Tự động hoá, là những lĩnh vực quan trọng nhất của Kỹ thuật hiện nay. Người học được cung cấp những kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, điện, điện tử, tự động hoá và trí tuệ nhân tạo, đều là những lĩnh vực rất “hot” và có nhu cầu cao trong tuyển dụng hiện nay. Do đó, khi các bạn tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong môi trường toàn cầu, nhiều cơ hội để hội nhập và khởi nghiệp.

Kỹ sư Tự động hóa và tin học luôn có thu nhập cao và không bao giờ bị thất nghiệp trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Nhiều em ngay từ năm thứ 3 đã được doanh nghiệp đón mời về làm việc. Các em có thành tích học tập tốt, ngoại ngữ tốt có cơ hội làm việc ở các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, có thể đăng ký xin học bổng để học tiếp bậc sau đại học ở các trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên khóa đầu tiên ngành Tự động hóa và Tin học

Phóng viên: Hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đang đẩy mạnh nền kinh tế tri thức trong Cách mạng công nghiệp 4.0, do vậy nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ – kỹ thuật liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0 rất cần và đang thiếu. Vậy ngành học đóng vai trò gì trong giai đoạn này và gắn như thế nào với cuộc cách mạng này, thưa Giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tựu trung lại có ba trụ cột quan trọng nhất: Công nghệ thông tin – Tự động hóa – Trí tuệ nhân tạo. Hiện nay ở Nhật Bản người ta đã nói đến xã hội 5.0, một xã hội thông minh trên nền tảng lực lượng sản xuất và những bước tiến nhanh và khổng lồ về kỹ thuật và công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Với tầm nhìn xa trông rộng khi mở ngành, chúng ta có may mắn là ngành Tự động hóa và Tin học của Trường Quốc tế cung cấp nguồn nhân lực có thể thích ứng và làm việc trong cả ba trụ cột này.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời cùng với sự phát triển như vũ bão của các phương thức sản xuất và kinh doanh mới, luôn gắn với các hệ thống thông minh và tự động hoá dần dần sẽ có mặt trong tất cả những dây chuyền của các ngành kinh tế khác nhau, vì vậy, có thể khẳng định Tự động hoá và Tin học có vai trò then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không phát triển lĩnh vực này, chúng ta không thể nắm bắt được những cơ hội và vượt qua những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá và phát triển.

Đội ngũ giảng viên giảng dạy trong chương trình chụp ảnh lưu niệm trong chương trình gặp mặt sinh viên khóa đầu tiên.

Phóng viên: Xin thầy có thể chia sẻ về thế mạnh, điểm đặc sắc trong chương trình AAI của Trường Quốc tế, và môi trường học tập ở đây?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Tôi rất tự hào vì đây là chương trình đào tạo kỹ sư đầu tiên của Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình được thiết kế hiện đại, tiên tiến, tương đồng với chương trình tiên tiến của nước ngoài.

Đặc sắc thứ hai của chương trình là người học sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản nhất về tự động hóa, tin học, điện, điện tử, an toàn thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Với nền tảng này, người học có thể làm việc trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp liên quan ở trong và ngoài nước, có thể tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn sâu để tham gia vào lĩnh vực thiết kế chip và vi mạch. Các em có tối thiểu 2 học kỳ gắn việc học tập với thực hành, thực tập, với doanh nghiệp.

Ba là chương trình có sự tham gia của các giáo sư, các nhà khoa học, đội ngũ giảng viên có uy tín, giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết của Trường Quốc tế, trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội và thu hút cả các thầy cô giỏi ở các trường đại học lớn trên địa bàn Hà Nội cùng tham gia giảng dạy.

Bốn là chương trình có cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại của Trường Quốc tế và cơ sở vật chất hiện đại dùng chung của Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó, chương trình luôn có sự đồng hành của các doanh nghiệp.

Và cuối cùng là năng lực ngoại ngữ tốt, tiếng Anh sẽ trở thành ưu điểm vượt trội của các em khi tốt nghiệp chương trình này, các em sẽ trở thành các kỹ sư toàn cầu.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ, giảng viên Trường Quốc tế trong Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống

Phóng viên: Các ngành công nghệ kỹ thuật luôn cần phải được tiếp xúc, học hỏi, nghiên cứu, thực tập doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác đào tạo cá thể hoá theo các nhóm nghiên cứu. Vậy Trường Quốc tế đã quan tâm đến vấn đề này ra sao trong quá trình triển khai đào tạo?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Ngay từ năm thứ nhất, các em sinh viên của chương trình sẽ được tham gia các nhóm nghiên cứu, tiếp xúc với các nhà khoa học đầu ngành, với doanh nghiệp. Từ đó phát hiện đam mê và năng lực của từng cá nhân để dìu dắt. Khi vào học, nhà trường và các thầy cô sẽ không để tài năng nào bị bỏ sót, sáng kiến nào bị lãng quên.

Nhà trường và các doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm cấp học bổng cho các em có thành tích học tập xuất sắc.

Trong quá trình học tập, các em được các thầy cô dìu dắt, được nhà trường đầu tư để tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia vào các đề tài, dự án của các giảng viên ở trong và ngoài trường, được tham gia các cuộc thi quốc gia, quốc tế.

Nhà trường, đặc biệt là Đại học Quốc gia Hà Nội có hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn như LG, Sumsung, Siemens, Viettel,…. Những hợp tác này cho các em rất nhiều cơ hội thực tập và việc làm.

Sinh viên ngành Tự động hóa và Tin học cùng làm nghiên cứu với các thầy, cô

Phóng viên: Giáo sư có nhắn nhủ gì đến các sĩ tử vào đại học năm 2024 đặc biệt những bạn quan tâm đến các ngành công nghệ kỹ thuật như AAI?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Ngành tự động hóa và tin học của Trường Quốc tế hội tụ đầy đủ những nhân tố “hot và hiện đại” – và đang là ngành thời thượng, là điểm đến và là cơ hội, tương lai cho các bạn trẻ. Tôi hy vọng và tin tưởng sẽ được đón nhiều học sinh ưu tú vào học ngành này tại Trường Quốc tế.

Các em hãy mạnh dạn và dấn thân, theo đuổi đam mê và hoài bão. Thành công và hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai kiên trì và hăng say lao động.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Đình Đức.

Nguyễn Minh

Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng: Gắn kết lý thuyết với thực hành

GDVN – Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN đào tạo kỹ sư chất lượng cao ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của mọi quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ, nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và bền vững ngày càng tăng cao.

Tại Việt Nam, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đang nỗ lực đào tạo những kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng tài năng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, nhờ vào các chính sách tuyển sinh linh hoạt, uy tín của nhà trường và đặc biệt là chất lượng đầu ra của sinh viên khi tốt nghiệp đã được khẳng định. Nhiều năm nay, khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông đã thu hút được các sinh viên có điểm đầu vào cao nhất trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng của cả nước.

Ngành học với nhiều triển vọng nghề nghiệp

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng không chỉ đơn thuần là lĩnh vực chuyên về xây dựng nhà cửa, cầu đường, hay các công trình công cộng.

Cách hiểu này không sai nhưng chưa đầy đủ, vì trên thế giới, Công nghệ kỹ thuật xây dựng (tiếng Anh là Civil Engineering) là lĩnh vực rộng lớn bao gồm các khía cạnh như kiến trúc, quy hoạch, quản lý dự án, và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong xây dựng. Ngành này đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa và mở rộng các công trình kiến trúc, giao thông đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi sự ứng dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ thuật hiện đại nhằm hướng tới phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững. Những công nghệ như Building Information Modeling (BIM – Xây dựng mô hình thông tin), Internet of Things (IoT – Internet vạn vật), và trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần được tích hợp vào ngành xây dựng, tạo ra những bước tiến mới trong việc quản lý và vận hành các công trình hạ tầng.

“Nhu cầu về nhân lực trong ngành xây dựng đang tăng mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Theo dự báo, Việt Nam cần bổ sung khoảng 400.000 – 500.000 lao động mỗi năm trong ngành này. Dự kiến, số lượng lao động trong ngành xây dựng có thể đạt khoảng 8 triệu người vào năm 2030. Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, mà thị trường lao động các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Ả Rập Xê Út cũng đang rất khát nhân lực trong lĩnh vực này”, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức cho hay.

Chính vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng có rất nhiều cơ hội trong công việc, có thể đảm nhận nhiều vị trí đa dạng tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chẳng hạn, các bạn có thể trở thành kỹ sư thi công, giám sát công trình, quản lý dự án, cán bộ thẩm định, và chuyên gia tư vấn, hoặc trở thành cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học.

Theo thầy Đức, hầu hết sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng ra trường đều có việc làm ngay, không ít sinh viên đã có việc làm ngay từ năm thứ 3. Theo thống kê của Đoàn đánh giá ngoài trong kỳ kiểm định chất lượng năm 2023, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng có việc làm đúng chuyên môn rất cao, đứng thứ nhì trong số các ngành đang đào tạo tại trường, chỉ sau lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Với nền tảng kiến thức và kỹ năng được trang bị tốt, các nhóm sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng của nhà trường đã liên tiếp đạt nhiều giải thưởng cao ở các cuộc thi quốc tế, như The Student BIM&VR Design World Cup tại Nhật Bản năm 2022 và 2023 (Honorable Judge Award).

Thầy Đức cho biết thêm, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều trường đại học hàng đầu thế giới. Các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu với Đại học Melbourne (Úc), Đại học Birmingham (Anh), Đại học Tokyo và Đại học Tsukuba (Nhật Bản), Đại học Yonsei và Đại học Sejong (Hàn Quốc), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore),…mang lại cho sinh viên những cơ hội trải nghiệm môi trường giáo dục quốc tế và tham gia các dự án nghiên cứu tiên tiến.

Lễ ký kết hợp tác giữa khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông và Đại học Yonsei, Hàn Quốc. Ảnh: NTCC

Bên cạnh hợp tác quốc tế, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thiết lập mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng như Công ty Cổ phần CONINCO, Công ty Cổ phần FECON,…Các chương trình hợp tác này cung cấp cho sinh viên cơ hội thực tập và học hỏi trong môi trường thực tế, giúp sinh viên tiếp cận với công việc và tăng cường kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp sau này.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FECON ký thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên. Ảnh: NTCC

Em Nông Đức Quân, sinh viên khóa 65 ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, chia sẻ về lý do chọn ngành học này.

“Thứ nhất là vì bản thân có một sự yêu thích nhất định đối với việc xây dựng công trình. Em nhận thấy mình có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến toán học, các bài toán không gian và logic. Ngoài ra, em cũng có hứng thú với việc thiết kế, đặc biệt là các không gian kiến trúc của các công trình nhà cao tầng.

Thứ hai, đây là một ngành nghề có tiềm năng phát triển lớn, đem lại nhiều lợi ích cho bản thân và cộng đồng.

Từ hai lý do trên, em thấy mình phù hợp với ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, một ngành đóng góp trực tiếp vào công việc hình thành nên các công trình đô thị, vốn yêu cầu cao về việc tính toán lý thuyết”, Đức Quân cho biết.

Theo Đức Quân, tốc độ hiện đại hóa về cơ sở hạ tầng hiện nay đã làm tăng nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành xây dựng. Ở Việt Nam, nhu cầu về xây dựng ngày càng lớn, từ các tòa cao tầng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp đến các dự án điện gió. Bên cạnh đó, xây dựng là một lĩnh vực truyền thống với nhu cầu tuyển dụng lao động cao và ổn định. Vì vậy, Quân thấy cơ hội nghề nghiệp trong ngành này rất rộng mở trong tương lai.

Chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng

Theo Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, tại Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng được thiết kế nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản và chuyên sâu về ngành, với 2 định hướng chính là Cầu đường và Xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Sinh viên sẽ học các môn học cơ bản như Cơ học, Kết cấu, Vật liệu xây dựng và Nền móng, từ đó tiếp cận các môn học chuyên ngành như Thiết kế công trình, Kỹ thuật thi công, Quản lý dự án xây dựng. Chương trình đào tạo còn bao gồm các đồ án lớn ở ba học kỳ cuối, đồ án của các môn học và tối thiểu một học kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Điều này giúp sinh viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế, phát triển kỹ năng thực hành và nghiên cứu.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức chỉ ra rằng điểm khác biệt lớn nhất trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội so với các cơ sở đào tạo khác là sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn sâu rộng và kỹ năng thực hành. Chương trình đào tạo của trường tương đồng với các chương trình đào tạo ngành Civil Engineering tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Đại học Tokyo (Nhật Bản) và Đại học Melbourne (Úc).

Thêm vào đó, đội ngũ giảng viên của khoa là những chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm từ các trường đại học hàng đầu như Trường Đại học Việt Nhật, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải và Trường Đại học Thủy lợi. Sinh viên cũng có cơ hội được học tập và hướng dẫn bởi các giảng viên từ các trường đại học quốc tế thông qua các chương trình hợp tác.

Đặc biệt, chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng đã được kiểm định chất lượng đào tạo trong năm 2023, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Việc kiểm định này không chỉ khẳng định chất lượng đào tạo của trường mà còn tạo niềm tin cho sinh viên và phụ huynh về tương lai nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Năm 2023, chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng đã được kiểm định chất lượng thành công. Ảnh: NTCC

Em Nguyễn Ngọc Yến Trang, sinh viên khóa 66 ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, nhận xét rằng các kiến thức và kỹ năng được trang bị trong các môn học đều rất sát với thực tế, giúp sinh viên có thể áp dụng ngay vào công việc sau này. Ngoài ra, chương trình đào tạo liên tục được cập nhật và chỉnh sửa, chọn lọc những kiến thức trọng tâm phù hợp với thực tiễn và loại bỏ những kiến thức dư thừa.

Yến Trang nhấn mạnh rằng đội ngũ giảng dạy tại khoa gồm các nhà giáo, nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm và rất nhiệt tình. Đặc biệt, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông là nhà khoa học được xếp hạng top 94 thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật (Engineering), khiến sinh viên rất tự hào.

“Nhờ uy tín và các mối quan hệ của thầy, sinh viên có nhiều cơ hội học tập từ các giảng viên từ các trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội, được nhận học bổng, tham gia thực hành và thực tập tại các doanh nghiệp và các phòng thí nghiệm, cũng như tham gia nghiên cứu khoa học và giao lưu với các nhà khoa học và sinh viên quốc tế”, Trang chia sẻ.

Sinh viên Công nghệ kỹ thuật xây dựng tham quan, kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp đối tác. Ảnh: NTCC

Em Hoàng Tiến Đạt, sinh viên khóa 67 ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, chia sẻ: Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng gồm các học phần thực hành khá đa dạng, có các tiết học bài tập xen lẫn với các tiết thực hành tại phòng thí nghiệm của khoa ở Hòa Lạc. Sinh viên được trực tiếp sử dụng các dụng cụ đo đạc, trực tiếp làm ra sản phẩm mẫu và xác định các tính chất cơ lý của mẫu thí nghiệm. Phòng thí nghiệm có thiết bị máy móc công nghệ tiên tiến, thầy cô hướng dẫn nhiệt tình.

Đạt cho biết, hàng năm khoa đều mời lãnh đạo của các công ty lớn trong lĩnh vực xây dựng đến chia sẻ và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Về phía nhà trường, hàng năm trường cũng tổ chức Ngày hội việc làm, tạo cơ hội cho sinh viên tìm kiếm việc làm và kết nối với các nhà tuyển dụng

Sinh viên cần kỹ năng gì để đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội?

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động, thầy Đức cho biết, khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông không ngừng đổi mới và cải tiến chương trình giảng dạy, hướng tới các yêu cầu thực tế trong công việc. Khoa cũng được nhà trường đầu tư trang thiết bị và máy móc hiện đại cho phòng thí nghiệm, đồng thời tăng cường công tác thực hành và thực tập để nâng cao khả năng tiếp cận thực tế của sinh viên.

Bàn về những khó khăn chung trong ngành xây dựng và giao thông, thầy Đức nhận định, ngành này đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, và thiếu hụt công nghệ hiện đại.

Để đối phó với những thách thức này, chương trình đào tạo của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích hợp các học phần đặc sắc như Phát triển bền vững trong xây dựng và giao thông, Vật liệu tiên tiến, Năng lượng mới và tiết kiệm năng lượng, Chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng.

Những học phần này giúp sinh viên hiểu rõ về các giải pháp xây dựng thân thiện với môi trường, cung cấp kiến thức về các loại vật liệu mới, giúp tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm, tối ưu hóa các thông số thiết kế và cải thiện giải pháp xây dựng.

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng thực tập tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC

Để thành công trong ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, thầy Đức chỉ ra một số tố chất và kỹ năng quan trọng mà sinh viên cần có.

Đầu tiên là đam mê kỹ thuật và xây dựng, cùng với nền tảng kiến thức vững chắc về toán học, công nghệ thông tin, cơ học, vật lý và các kiến thức nền tảng của lĩnh vực Xây dựng – Giao thông.

Bên cạnh đó, khả năng tư duy logic, phân tích, phản biện, phát hiện và giải quyết vấn đề cũng rất quan trọng. Những khả năng đó kết hợp với tư duy sáng tạo, hiểu biết về truyền thống, khu vực học và các yếu tố cảnh quan, phong thủy và văn hóa sẽ giúp các bạn tìm ra các giải pháp tối ưu và hiệu quả cho các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực xây dựng, giao thông và hạ tầng.

Ngoài ra, sinh viên cần có kỹ năng sử dụng thành thạo các phần mềm tính toán kết cấu, BIM, AI; kỹ năng quản lý, tổ chức và quản lý dự án, cũng như khả năng làm việc dưới áp lực.

Cuối cùng, ngoại ngữ, tinh thần học hỏi và sự cần cù, chịu khó là yếu tố không thể thiếu để có thể làm việc trong các công ty trong và ngoài nước, các công ty đa quốc gia, trong môi trường toàn cầu hóa và hội nhập

Còn với Hoàng Tiến Đạt, ngoài việc học tập, Đạt cho rằng sinh viên cần phải năng động tham gia các chương trình và hoạt động ngoại khóa của Đoàn và khoa. Những hoạt động này giúp sinh viên tích lũy và rèn luyện thêm các kỹ năng làm việc nhóm, tổ chức và giải quyết vấn đề.

“Không chỉ học tập mà sinh viên còn cần phải có một sự năng động thông qua tham gia các chương trình, hoạt động ngoại khóa của Đoàn và Khoa, từ đó tích lũy và rèn luyện thêm các kỹ năng làm việc nhóm, tổ chức và giải quyết vấn đề”, Tiến Đạt nhấn mạnh.

Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng – Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội:

– Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01

– Chỉ tiêu: 160

– Thời gian đào tạo: 4,5 năm

Website Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội: http://uet.vnu.edu.vn/

Fanpage Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội: https://www.facebook.com/UET.VNUH

Châu Anh

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Chuyện thú vị về nhà khoa học có thẻ nhà báo

Thật thú vị khi GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí quốc tế về Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ (top 5% thế giới) và một số tạp chí khoa học quốc tế uy tín khác cũng là một nhà báo.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) – cho hay, bên cạnh làm khoa học, ông đồng thời là nhà báo, đã có thẻ nhà báo hơn 20 năm. Đối với ông, một nhà báo cần có cả tâm và tầm, trong đó, tâm rất quan trọng. Một bài viết có tâm sẽ giúp động viên, khích lệ, lan tỏa những điều tốt đẹp.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Vinh dự đi cùng với áp lực

Đầu tháng 3/2024, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chính thức trở thành thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí quốc tế về Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ: Journal of Aerospace Science and Technology, Nhà xuất bản Elsevier.

Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, đây là một trong những tạp chí quốc tế có trong danh mục SCI index (top 5%), rất có uy tín và chất lượng cao hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Hàng không – Vũ trụ.

Hội đồng biên tập của tạp chí này gồm 10 nhà khoa học đến từ nhiều nước, trong đó, có các nước lớn như Mỹ, Anh, Nhật Bản… GS Nguyễn Đình Đức là người Việt Nam duy nhất tham gia Hội đồng.

“Điều đó thể hiện uy tín, vị thế của khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới. Đồng thời, cũng là niềm vinh dự của cá nhân, là sự động viên, cổ vũ dấn thân không chỉ đối với tôi, mà còn với các nhà khoa học trẻ, với các thế hệ học trò. Bởi tôi cũng đâu có nghĩ, đến một ngày mình sẽ có được vinh dự này”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức làm việc với sinh viên trong Nhóm nghiên cứu. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, đi cùng với niềm vinh dự là những áp lực, thử thách. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, những công trình gửi tới tạp chí đều là những kết quả nghiên cứu mới nhất của một lĩnh vực rất khó, của các chuyên gia trên khắp thế giới về kỹ thuật hàng không, vũ trụ. Do đó, là thành viên của Hội đồng biên tập, có vai trò quyết định đối với việc xuất bản, vị trí của ông đòi hỏi phải có kiến thức hiểu biết sâu rộng và chuyên ngành chuyên sâu.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được mạng lưới kết nối với các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này của quốc tế. Bởi với yêu cầu tri thức hiểu biết sâu rộng như vậy, chỉ cá nhân nhà khoa học sẽ không thể đảm đương được mà cần sự phối hợp của các nhà khoa học khác. 

Ngoài ra, là người “cầm cân nảy mực” nên phải luôn đảm bảo sự khách quan, công bằng, minh bạch trong công tác xét duyệt, đánh giá.

“Vì vậy, đây là một công việc vừa tự hào, vinh dự, nhưng cũng đầy khó khăn và áp lực”, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Nhà khoa học có thẻ nhà báo

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho hay, công việc của một thành viên hội đồng biên tập tạp chí khoa học top 5% thế giới cũng có những điểm giống một nhà báo.

Trong đó, điểm chung quan trọng đầu tiên là yêu cầu về kiến thức tổng quan để xử lý thông tin, dữ liệu ban đầu – với các nhà báo là thông tin, còn với nhà khoa học là những đóng góp mới của công trình nghiên cứu. Để có được kiến thức này, GS Đức đã phải đọc rất nhiều, cả kinh nghiệm, kiến thức và trao đổi với các chuyên gia (giống với các nhà báo cũng phải tiếp nhận, xác thực thông tin từ nhiều nguồn, nhiều chiều).

GS Nguyễn Đình Đức báo cáo tại Phiên toàn thể Hội nghị quốc tế tại ĐH Yonsei, Hàn Quốc. Ảnh: NVCC.

Điểm thứ 2, là yêu cầu về tính chính xác, khách quan. Tạp chí khoa học, cũng là một hình thức báo chí trong việc công bố thông tin tới toàn xã hội. Hơn thế, là thông tin khoa học nên đòi hỏi về tính chính xác, trung thực, khách quan lại càng cao.

“Hiểu được những điều đó bởi bản thân tôi cũng là một nhà báo. Năm 2004, tôi được phân công làm Trưởng ban Biên tập Tạp chí Toán Lý của ĐH Quốc gia Hà Nội, đến 2005, tôi đã được cấp thẻ nhà báo. Bên cạnh công tác biên tập, tôi cũng viết nhiều bài về quản lý giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, bảo đảm chất lượng, hoạt động khoa học công nghệ, xây dựng chính sách như một nhà báo.

Đến nay tôi đã có thâm niên 20 năm trong nghề báo. Điều này cũng giúp tôi không bỡ ngỡ khi tiếp nhận công việc của thành viên hội đồng khoa học một tạp chí khoa học chuyên ngành cấp quốc tế”, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Là một nhà khoa học, đồng thời cũng là một nhà báo, GS Nguyễn Đình Đức hiểu khá rõ vai trò của báo chí. Theo ông, báo chí có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học.

Hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nhưng không thể thay thế được vai trò báo chí, bởi báo chí cung cấp những thông tin đã được kiểm chứng, khách quan và từ đó định hướng đúng đắn cho sự nhận thức và phát triển.

Trong lĩnh vực khoa học, nhờ có báo chí truyền đạt thông tin về kết quả nghiên cứu, trong đó có những thống kê, cập nhật, những kết quả mới, hướng nghiên cứu mới – nhờ đó cộng đồng khoa học Việt Nam mới nắm bắt được những lĩnh vực, hướng nghiên cứu mới để hội nhập với thế giới. Đồng thời cũng qua công bố khoa học mà thế giới biết đến Việt Nam, thể hiện được sự đóng góp của khoa học công nghệ Việt Nam với thế giới.

“Tôi cho rằng, vai trò của báo chí luôn rất quan trọng. Trước đây báo in, giờ chuyển dần sang báo điện tử, tuy hình thức khác nhau, nhưng vị thế, vai trò của báo chí và trách nhiệm của nhà báo không thay đổi”, GS Nguyễn Đình Đức khẳng định.

Là người có trải nghiệm làm công tác báo chí ở các môi trường trong nước và nước ngoài, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho hay, mỗi một công việc, môi trường đều có những đặc thù riêng. Tuy nhiên, sự nghiêm túc, trách nhiệm, chỉn chu chính xác, nghiêm cẩn, khách quan, trung thực… là những điểm ông nhận thấy rất rõ trong môi trường làm việc của báo chí. Đối với cá nhân ông, một nhà báo cần có cả tâm và tầm, trong đó, tâm rất quan trọng. Một bài viết có tâm sẽ giúp động viên, khích lệ, lan tỏa những điều tốt đẹp. Một bài viết có tầm sẽ định hướng cho sự phát triển.

Hạnh phúc nhất của người thầy, nhà khoa học

Là người thầy được nhiều thế hệ học trò yêu quý, là nhà khoa học đã gặt hái được nhiều thành tựu, là thành viên của Hội đồng biên tập nhiều tạp chí uy tín thế giới, nhưng GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức cho hay, ông vốn không bao giờ nghĩ rằng sẽ đi theo con đường trở thành một nhà giáo hay một nhà khoa học.

Có điều, từ khi còn trẻ, tấm gương của những nhà khoa học đã có ảnh hưởng rất lớn đối với ông. “Đến ngày hôm nay, tôi cảm ơn cuộc đời và số phận đã run rủi cho tôi trở thành một người thầy, một nhà khoa học. Tôi thấy may mắn và tự hào”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

GS Đức và các thế hệ học trò, hầu hết là tiến sĩ. Ảnh: NVCC.

Năm 1984, tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Toán cơ tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), GS Nguyễn Đình Đức được chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lômônôxốp. Năm 1991, bảo vệ xong tiến sĩ toán lý, ông được nhà trường giữ lại làm thực tập sinh, rồi làm tiến sĩ khoa học.

Năm 1997, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học về kỹ thuật tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, năm 1999, khi mới 36 tuổi đời, ông đã được bầu là thành viên nước ngoài – Viện sỹ của Viện Hàn lâm khoa học tự nhiện Nga.

Về nước, GS Nguyễn Đình Đức được phân công về làm giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ những bước đầu tiên trên con đường của nhà giáo, nhà khoa học, đối mặt và phải vượt qua biết bao khó khăn thử thách, nhưng cũng từ cơ duyên này, ông đã gắn bó với nghề giáo, với nghiên cứu khoa học. Dần dần, ông có được tình yêu, niềm đam mê và thành công với công việc của mình, trở thành người thầy, nhà khoa học lớn của đất nước.

Cho đến nay, GS Nguyễn Đình Đức đã đào tạo thành công nhiều học trò tài năng, kiên trì bền bỉ làm nên một trường phái khoa học về Vật liệu và kết cấu tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Việt Nam vươn tầm quốc tế. Nhiều học trò của ông cũng đã trở thành giảng viên đại học của các trường đại học lớn trong cả nước.

Dưới sự dìu dắt của thầy, nhiều thế hệ học trò đã thành công, trở thành những nhà khoa học thành danh. Có những em đã giành những giải thưởng danh giá trong ngành Cơ học như giải thưởng Nguyễn Quang Đạo, được Forbes Việt Nam vinh danh. Họ đã tiếp nối sự nghiệp của thầy – truyền nhiệt huyết, thắp sáng ước mơ, lan tỏa tri thức, tình yêu và những điều tốt đẹp tới các thế hệ học trò mai sau.

“Chính học trò là động lực rất lớn cho tôi có được tình yêu với nghề. Mỗi học trò là một cuộc đời, một hoàn cảnh, một hoài bão. Khi các thế hệ học trò tiếp nối hoài bão và lý tưởng của tôi trong học thuật và trong sự nghiệp trồng người – với tôi, đó có thể coi là thành công nhất, tự hào nhất của cuộc đời”, GS Nguyễn Đình Đức tâm sự.

Khi được hỏi về những trăn trở, GS Nguyễn Đình Đức cho biết, trong những năm qua, chúng ta đã có rất nhiều những chính sách để hỗ trợ phát triển nhân tài, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh để khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập với thế giới. Từ bài học của các nước đã đi trước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cho thấy, để đất nước phát triển được thì quan trọng nhất ở hai yếu tố đột phá là chất lượng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.

“Khoa học công nghệ chính là chiếc đũa thần để đất nước phát triển nhanh chóng và nắm bắt được những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam cũng không là ngoại lệ”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khẳng định.

Mong ước, trăn trở lớn nhất của GS Nguyễn Đình Đức là làm sao để giáo dục đào tạo Việt Nam ngày càng nâng cao được chất lượng đào tạo, tạo ra được những con người có tài, có đức, đặc biệt là có hoài bão, có tâm nguyện chấn hưng đất nước.

“Cùng với đó là khoa học công nghệ Việt Nam tiếp tục được đầu tư, quan tâm thỏa đáng với những chính sách quyết liệt, mạnh mẽ và kịp thời, để thế hệ trẻ của Việt Nam có thể đóng góp và mau chóng đưa đất nước ta phát triển vượt bậc, theo kịp với các nước tiên tiến trên thế giới”, GS Nguyễn Đình Đức bày tỏ.

GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, sinh năm 1963, là một trong những nhà khoa học đầu ngành, có tầm ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và Vật liệu composite.

Đến nay, ông đã công bố gần 400 công trình khoa học, trong đó có hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Theo kết quả xếp hạng các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trên thế giới của tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước liên tục lọt top 10.000 trong 5 năm liên tiếp từ năm 2019 đến nay, và lọt top 100 – đứng thứ 85 trong danh sách các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology) năm 2023.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức còn là thành viên của Hội đồng biên tập của 10 tạp chí quốc tế có uy tín và đã được mời báo cáo tại phiên toàn thể của nhiều hội nghị quốc tế lớn trên thế giới.

Mai Loa

Giáo Sư Nguyễn Đình Đức: Đem Ngọn Lửa Nga Thắp Khát Vọng Khoa Học Việt

Là tiến sĩ khoa học trưởng thành trong cái nôi khoa học của thế giới, Đại học Tổng hợp Lomonosov. Ông đã có những đóng góp lớn cho nền khoa học, giáo dục nước nhà.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN), cựu lưu học sinh tại Liên Bang Nga – vừa là nhà khoa học, nhà giáo đã có nhiều cống hiến cho nền khoa học Việt Nam và thế giới.

Trải qua 40 năm gắn bó với nghề và Đại học Quốc Gia Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Đức  luôn cống hiến hết mình, không biết mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Những thành tựu mà ông đạt được là minh chứng cho thành công về mối quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Liên Bang Nga và Việt Nam. Đây cũng là ví dụ điển hình cho sự kế tục và phát huy truyền thống khoa học Xô viết và thế giới tại Việt Nam.

Nhân dịp chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Đình Đức để lắng nghe ông chia sẻ về những năm tháng học tập, nghiên cứu tại Liên Bang Nga và mang “ngọn lửa” tri thức Nga về Việt Nam.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức chia sẻ câu chuyện những năm tháng học tập tại Liên bang Nga và đóng góp khoa học cho Việt Nam (Video: Trần Vi).

Mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Nga

Khoảng thời gian Giáo sư tham gia kỳ thi nghiên cứu sinh nước ngoài và có rất nhiều lựa chọn học tập tại các quốc gia. Tại sao ông chọn nước Nga làm nơi học tập và nghiên cứu?

– Tháng 10/1986, tôi sang làm nghiên cứu sinh của Đại học Tổng hợp Lomonosov, tôi là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên được nghiên cứu sinh ở nước ngoài và kỳ thi khi đó chỉ có 2 người đỗ. Thời điểm đó tôi có rất là nhiều lựa chọn, thường người ta sẽ chọn nghiên cứu sinh tại Ba Lan hoặc Đức và ban đầu tôi đã chọn Đức.

Nhưng cuối cùng tôi xin thay đổi lại nguyện vọng trở lại Moskva và học tập nghiên cứu ở Đại học Tổng hợp Lomonosov vì đây là cái nôi của khoa học thế giới với nhiều Viện sĩ, giáo sư đã được nhận giải thưởng Nobel hay giải Fields (đây là những giải thưởng danh giá vinh danh các nhà khoa học lỗi lạc trên thế giới).

Khi sang học tập tại Đại học Tổng hợp Lomonosov, tôi chọn vào khoa Toán Cơ – một trong những khoa nổi tiếng nhất của ngôi trường này. Cũng trong năm đó trường thành lập bộ môn hoàn toàn mới chính là Cơ học Vật liệu Composite. Tôi may mắn được làm nghiên cứu sinh bộ môn này theo hướng nghiên cứu hiện đại của Giáo sư Pobedria – Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức trò chuyện với phóng viên Dân trí (Ảnh: Trần Vi).

Năm 27 tuổi tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ của mình, sau đó làm thực tập sinh thêm 3 năm tại trường. Đây là những tháng ngày đã trang bị cho tôi kiến thức, phương tiện, công cụ để đóng góp cho đất nước, vì khoa học công nghệ luôn là thế mạnh để phát triển của một quốc gia.

Ở Nga, giáo sư ưu tiên cho điều gì?

– Tôi có suy nghĩ làm thế nào để đưa những nghiên cứu của mình vào thực tiễn, ở Nga có nhiều nhà khoa học lỗi lạc, họ vừa là giáo sư, viện sĩ nổi tiếng có nhiều đóng góp vĩ đại trong Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Đây là những thần tượng của tôi và tôi quyết định phải hành động để những nghiên cứu khoa học không chỉ còn là nghiên cứu cơ bản mà nó còn phải gắn với thực tiễn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

May mắn thay, tôi được các giáo sư giới thiệu để làm luận án tiến sĩ khoa học về Kỹ thuật Công nghệ tại Phòng Thí nghiệm Vật liệu Composite, Viện Nghiên cứu Chế tạo Máy của Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô. Tôi tìm hiểu về các tiêu chuẩn bền của vật liệu composite và sử dụng phương pháp trung bình hóa của Viện sĩ Novicov – người được giải thưởng Fields về toán học.

Tôi đã đưa ra một tiêu chuẩn bền mới về vật liệu, đối với các nhà cơ học khác, tiêu chuẩn này thường được xây dựng bằng thực nghiệm, tôi cũng làm tương tự nhưng đưa ra một mô hình lý thuyết khi nào vật liệu an toàn, khi nào vật liệu bị phá hủy. Đấy là yếu tố giúp tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ này.

Phải nói rằng, một người nước ngoài vào trong viện nghiên cứu này để học tập là một điều rất khó. Nhưng may mắn thay mối quan hệ giữa Đại sứ Việt Nam và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chế tạo Máy, viện sĩ Phralov rất tốt đẹp và ông cũng rất yêu quý Việt Nam, khi thấy tôi tốt nghiệp trường đại học hàng đầu của nước mình đã nhận ngay. Đây là một điều may mắn đối với tôi.

Mang “ngọn lửa” khoa học Nga về Việt Nam

– Là một tiến sĩ khoa học bảo vệ thành công ở một trong những cái nôi khoa học của thế giới, giáo sư đã được rất nhiều quốc gia mời về làm việc. Điều gì khiến ông trở lại Việt Nam để đóng góp cho Tổ quốc?

– Năm 1998 khi tôi bảo vệ xong luận án tiến sĩ khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã hợp tác với một trường đại học tổng hợp của Hoa Kỳ, tôi cùng với hai giáo sư người Nga sang làm việc và trao đổi ở bên đó. Thời điểm đấy, ban lãnh đạo của trường muốn mời tôi ở lại làm việc và vợ của hai giáo sư đều khuyên tôi nên ở Mỹ để phát triển sự nghiệp. Nhưng hai người thầy của tôi đã động viên tôi nên về Việt Nam và đây cũng là điều tôi mong muốn.

Giáo sư nói rằng, ngành khoa học vật liệu tại Việt Nam rất cần thiết và quan trọng để phát triển đất nước và ở đâu lĩnh vực này cũng sẽ là số một, kiến thức được trang bị dù ở đâu cũng như thế và ở Việt Nam sẽ phát huy rất tốt. Thú thật lúc đấy tôi cũng chưa hình dung ra rõ vấn đề này, nhưng đến bây giờ trải qua những năm tháng trải nghiệm mấy chục năm, tôi đã chiêm nghiệm lời của người thầy đã đúng.

Trở về Việt Nam, giáo sư đã có những đóng góp như thế nào cho sự phát triển của đất nước?

– Về nước, tôi tiếp tục nghiên cứu về vật liệu composite polymer 3 pha và vật liệu nanocomposite. Tôi cũng là một trong những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên bắt tay vào nghiên cứu vật liệu và kết cấu FGM. Vật liệu chức năng FGM là vật liệu composite thế hệ mới, có cơ lý tính biến đổi, độ bền cơ học và bền nhiệt rất cao. Vì thế nó được sử dụng rộng rãi trong các kết cấu của nhà máy điện nguyên tử, hàng không vũ trụ, các chi tiết máy…

Tôi đã giải quyết thành công nhiều bài toán liên quan đến các ổn định tĩnh và động lực học cho các kết cấu tấm và vỏ bằng vật liệu biến đổi chức năng FGM, xây dựng được nhóm nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu composite tại Đại học Quốc gia Hà Nội, có uy tín trong cộng đồng khoa học.

Trong suốt 40 năm gắn bó với nghề, tôi tập trung nghiên cứu về các vật liệu mới trên thế giới hiện nay như: vật liệu composite nano carbon siêu bền nhiệt, được ứng dụng trong an ninh quốc phòng; vật liệu composite polymer nhiều pha, ứng dụng trong công nghệ đóng tàu và các sản phẩm dân dụng; vật liệu và kết cấu tiên tiến thông minh có cơ lý tính biến đổi độ bền cao, chịu nhiệt độ cao, cách điện, cách nhiệt, ứng dụng trong công nghiệp, năng lượng hạt nhân; vật liệu chức năng và vật liệu nano có cơ lý tính biến đổi và áp điện, ứng dụng trong các linh kiện bán dẫn; vật liệu auxetic hấp thụ năng lượng và chống sóng nổ; vật liệu có hệ số poisson âm được ứng dụng trong y sinh, lưu trữ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Đức (chính giữa) cùng với các nhà khoa học nước ngoài (Ảnh: NVCC).

Đây là những hướng nghiên cứu khoa học về vật liệu tiên tiến và hiện đại trên thế giới hiện nay, có tính ưu việt hơn hẳn các vật liệu truyền thống, ứng dụng trong thực tiễn và tương lai, đáp ứng yêu cầu cao về mặt kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, tôi đã công bố gần 400 bài báo và công trình khoa học; xuất bản 6 giáo trình và sách chuyên khảo bằng các thứ tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh. Đặc biệt, trong số các công trình đó có hơn 200 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín của các nhà xuất bản lớn trên thế giới như Elsevier, Springer, SAGE, Taylor & Francis; ….

Từ những định hướng nghiên cứu khoa học và các kết quả đã công bố nêu trên đã giúp hình thành nên một Trường phái khoa học của Việt Nam về Vật liệu và Kết cấu tiên tiến ứng dụng trong kỹ thuật và công nghệ tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) do tôi đứng đầu. Trường phái này đã và đang tiếp tục có nhiều công bố độc lập đóng góp vào nền khoa học thế giới và được nhiều nhà khoa học quốc tế biết đến.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu về vật liệu composite tiên tiến của tôi và tập thể các nhà khoa học của Trường Đại học Công nghệ hợp tác với Bộ quốc phòng về hệ thống dẫn đường quán tính phục vụ các phương tiện chuyển động có điều khiển cũng được ứng dụng phục vụ thực tiễn.

Ngoài ra, việc nghiên cứu vật liệu composite nhiều pha với các hạt nano gia cường đã được ứng dụng thành công để chống thấm trong ngành công nghiệp đóng tàu bằng vật liệu composite, chế tạo các vật liệu chống chịu các điều kiện khắc nghiệt cũng như vật liệu làm tăng khả năng chuyển đổi năng lượng trong các tấm pin mặt trời. Nghiên cứu về composite polymer sợi thủy tinh gia cường các hạt nano của ông đã được cấp bằng sáng chế vào năm 2016.

Từ những thành tựu nghiên cứu khoa học và đóng góp cho nền khoa học thế giới, tên tuổi GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức của Việt Nam đã liên tiếp nhiều năm liền được xếp hạng, lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology). Điều này đã khẳng định vị thế và uy tín của các nhà khoa học Việt Nam trên bản đồ khoa học quốc tế.

Người thắp lửa đam mê khoa học

 Với cương vị là một người thầy, Giáo sư đã có những sáng kiến như thế nào để đưa thế hệ trẻ nước nhà vươn tầm quốc tế?

– Trong thời đại hội nhập quốc tế hiện nay, đất nước phát triển không thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ triết lý đó, sau nhiều năm kiên trì và bền bỉ, vượt qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, tôi đã xây dựng thành công Nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến tại trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sự hình thành và phát triển của mô hình nhóm nghiên cứu đã đào tạo ra nhiều tài năng trẻ cho đất nước và là bài học kinh nghiệm có thể nhân rộng ở các trường đại học khác của Việt Nam.

Tất cả các sinh viên trong nhóm nghiên cứu sau khi tốt nghiệp đại học, trở thành các kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ giỏi, đều có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín và đội ngũ những học trò của tôi lại tiếp tục lan tỏa tâm huyết và các hướng nghiên cứu, tâm nguyện của tôi đến những thế hệ học trò khác, đến mai sau.

Giáo sư là người có rất nhiều tình cảm với nhân dân, đất nước Nga. Khi về Việt Nam, ông đã có những hoạt động như thế nào để tăng cường sự hợp tác của các thế hệ của hai quốc gia?

– Những năm tháng ở nước Nga tôi không chỉ yêu thiên nhiên, văn hóa Nga mà còn là những tình cảm của nhân dân, các thầy giáo ở Nga dành cho những lưu học sinh Việt Nam tình cảm rất là đặc biệt. Họ chăm sóc các lưu học sinh Việt Nam không chỉ giúp đỡ về mặt chuyên môn, còn động viên cả về mặt tinh thần, giúp cho những lưu học sinh cảm thấy như mình đang ở quê nhà.

Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân rất quan trọng để tôi có được điều này chính là nước Nga cũng đã trải qua chiến tranh và những người thầy của tôi cũng từng là lính, họ đã trải qua những hy sinh, mất mát và Việt Nam của chúng ta cũng trải qua những năm tháng như vậy cho nên giữa chúng tôi có sự đồng cảm rất sâu sắc. Đấy là điều rất là đặc biệt, có lẽ là rất khó ở một nước nào có thể có được.

Chính vì thế cho nên đến giờ phút này tôi vẫn nhớ như in những cái năm tháng tuổi trẻ và rất là tự hào. Khoảng thời gian tôi được sống và nghiên cứu ở Liên bang Nga đã cho tôi sự nhiệt huyết để giờ đây tôi cố gắng để đem kiến thức, năng lực để đóng góp cho đất nước. Thứ nhất là đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là đào tạo những thế hệ trẻ tiếp tục tiếp bước, trong đó cũng có không ít những học trò lại tiếp tục sang Nga học tập.

Để xây dựng và củng cố mối quan hệ tốt đẹp này, năm 2020 tôi đã thành lập Chi hội Hữu nghị Việt – Nga, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chi hội này có ý nghĩa rất là quan trọng là diễn đàn để tập hợp, đoàn kết tất cả các lực lượng trí thức. Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi đầu tiên đào tạo tiếng Nga và hiện nay đã phát triển gần 70 năm. Chúng tôi đã đào tạo tiếng Nga và bây giờ vẫn tiếp tục có khoa tiếng Nga hay đưa hệ tiếng Nga vào chương trình trung học phổ thông chuyên ngoại ngữ.

Vì vậy, đào tạo các bạn thế hệ trẻ giữ gìn tiếng Nga giúp nâng tầm mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Bên cạnh đó, chi hội không chỉ là nơi giao lưu văn hóa, đây còn là nơi để phát triển mang lại sự gần gũi mật thiết giữa nhân dân hai nước bằng các mối hợp tác sâu rộng như đào tạo nguồn nhân lực ở các bậc đại học, sau đại học và hợp tác với các giáo sư tại nhiều trường đại học ở Liên Bang Nga.

– Giáo sư có chia sẻ cảm nhận về chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Việt Nam?

Tôi hi vọng qua chuyến thăm cấp nhà nước lần này của Tổng thống Putin tại Việt Nam, quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ đẩy lên một tầm cao mới. Cá nhân tôi đặc biệt hi vọng trong lĩnh vực hợp tác về giáo dục, khoa học, chuyến thăm của Tổng thống sẽ giúp cho Việt Nam tiếp tục có thêm nhà khoa học trẻ tài năng, được đào tạo tại nước Nga và hợp tác khoa học được nâng cao trên nhiều lĩnh vực mới.

Mong rằng, chính phủ của hai nước sẽ quan tâm mạnh hơn nữa, nhiều hơn nữa để có thể phát huy tốt nhất thế mạnh của các nhà khoa học và tiềm lực khoa học công nghệ của hai quốc gia, thúc đẩy hiệu quả khoa học để đóng góp xứng đáng vào lợi ích chung.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo Nam Đoàn, Báo Điện tử Dân Trí

Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ tiếp tục dẫn đầu lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ trong bảng xếp hạng năm 2024

Bốn nhà khoa học của ĐHQGHN tiếp tục có tên trong bảng xếp hạng của thế giới và dẫn đầu Việt Nam với 3 lĩnh vực trong năm 2024 là: GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ; GS.TS Phạm Hùng Việt, PGS.TS Từ Bình Minh – lĩnh vực Khoa học Môi trường và PGS.TS Lê Hoàng Sơn – lĩnh vực Công nghệ thông tin.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục dẫn đầu lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ trong bảng xếp hạng năm 2024

Về phương pháp xếp hạng của Research.com, hệ thống đánh giá dựa trên chỉ số D-index của nhà khoa học – đây là chỉ số H-index và số bài báo theo lĩnh vực của các nhà khoa học trên hệ thống cơ sở dữ liệu của IEEE, ACL, Springer, AAAI, USENIX, Elsevier, ACM và LIPIcs. Trong đó, với đợt xếp hạng lần này, website Research.com đã xem xét dữ liệu của gần 200.000 nhà khoa học có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới.

Research.com phân chia thành 26 lĩnh vực để xếp hạng.

Trong 26 lĩnh vực này, năm nay, có 10 lĩnh vực của Việt Nam được xếp hạng, nhưng chỉ có 8 lĩnh vực, với 19 nhà khoa học là người Việt Nam đang công tác trong nước có tên trong bảng xếp hạng này.

Như vậy, nội lực với các lĩnh vực được xếp hạng có các nhà khoa học người Việt trong nước năm nay đã tăng lên 1 lĩnh vực và tăng thêm 5 nhà khoa học. Trong đó, lĩnh vực Toán học lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng này với 2 tên tuổi là GS. Ngô Việt Trung – Viện Toán học và GS Phan Quốc Khánh – ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh.

Điều thú vị là các nhà khoa học Việt Nam được xếp hạng đều từ các trường đại học và là trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh.

Những con số thống kê trên phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam. Những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới đã liên tục tăng trưởng theo từng năm.

Nguồn: https://research.com/

(Theo VNU-Media)

Các báo đưa tin:

Giáo sư Nguyễn Đình Đức làm Chủ tịch hội đồng Giáo sư cơ sở Trường ĐH Công nghệ

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư của nhà trường.

Chiều 13.5, Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã họp phiên thứ nhất bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký Hội đồng, cũng như thống nhất lịch làm việc của Hội đồng trong đợt xét Giáo sư, Phó giáo sư năm 2024.

Trước đó, vào ngày 10.5, Hiệu trưởng nhà trường đã ký quyết định số 872/QĐ-ĐHCN thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở năm 2024. Hội đồng gồm 9 thành viên.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư của nhà trường.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức hiện là Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến.

Từ năm 2019 đến nay, ông liên tiếp lọt vào top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới và top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới  trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology) – đứng thứ 85 thế giới trong năm 2023.

Cũng từ nhiều năm nay, ông là người Việt Nam duy nhất đang làm việc trong nước được Research.com xếp hạng nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong lĩnh vực Engineering and Technology. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng là một trong số ít nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng danh giá nhất – 100.000 nhà khoa học được xếp hạng ảnh hưởng nhất thế giới theo thành tựu trọn đời.

Theo quyết định thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở năm 2024 của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng nhà trường giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng. PGS.TS Trần Văn Quảng, Phó Trưởng phòng Đào tạo giữ chức Thư ký Hội đồng.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư của nhà trường

Năm 2024, có 13 ứng viên đăng ký xét chức danh tại Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong đó, có 2 ứng viên đăng ký xét chức danh giáo sư và 11 ứng viên đăng ký xét chức danh phó giáo sư.

Nguyễn Liên

Tự động hóa và Tin học đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước

DVN -Kỹ sư Tự động hóa và Tin học luôn có thu nhập cao và không bao giờ bị thất nghiệp trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.

Đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có ba trụ cột quan trọng nhất: Công nghệ thông tin – Tự động hóa – Trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, khi mở ngành Tự động hóa và Tin học, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội đã góp phần cung cấp nguồn nhân lực có thể thích ứng và làm việc trong cả ba trụ cột này. Tự động hoá và Tin học (AAI) đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hôm nay, phóng viên có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Giám đốc chương trình Tự động hóa và Tin học (AAI), Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội để lắng nghe những chia sẻ hữu ích về ngành học và triển vọng đang triển khai đào tạo ngành này tại nhà trường.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức phát biểu tại Lễ trao bằng tốt nghiệp của Trường Quốc tế

Phóng viên: Với vai trò là là một nhà khoa học hàng đầu trên thế giới và khu vực trong lĩnh vực chuyên môn, và là Giám đốc chương trình Tự động hoá và Tin học, Giáo sư có thể chia sẻ về xu thế phát triển và cơ hội nghề nghiệp cho các bạn sinh viên theo học chương trình này?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Chương trình có sự gắn kết chặt chẽ giữa Tin học với Tự động hoá, là những lĩnh vực quan trọng nhất của Kỹ thuật hiện nay. Người học được cung cấp những kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, điện, điện tử, tự động hoá và trí tuệ nhân tạo, đều là những lĩnh vực rất “hot” và có nhu cầu cao trong tuyển dụng hiện nay. Do đó, khi các bạn tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong môi trường toàn cầu, nhiều cơ hội để hội nhập và khởi nghiệp.

Kỹ sư Tự động hóa và tin học luôn có thu nhập cao và không bao giờ bị thất nghiệp trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Nhiều em ngay từ năm thứ 3 đã được doanh nghiệp đón mời về làm việc. Các em có thành tích học tập tốt, ngoại ngữ tốt có cơ hội làm việc ở các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, có thể đăng ký xin học bổng để học tiếp bậc sau đại học ở các trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên khóa đầu tiên ngành Tự động hóa và Tin học

Phóng viên: Hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đang đẩy mạnh nền kinh tế tri thức trong Cách mạng công nghiệp 4.0, do vậy nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ – kỹ thuật liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0 rất cần và đang thiếu. Vậy ngành học đóng vai trò gì trong giai đoạn này và gắn như thế nào với cuộc cách mạng này, thưa Giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tựu trung lại có ba trụ cột quan trọng nhất: Công nghệ thông tin – Tự động hóa – Trí tuệ nhân tạo. Hiện nay ở Nhật Bản người ta đã nói đến xã hội 5.0, một xã hội thông minh trên nền tảng lực lượng sản xuất và những bước tiến nhanh và khổng lồ về kỹ thuật và công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Với tầm nhìn xa trông rộng khi mở ngành, chúng ta có may mắn là ngành Tự động hóa và Tin học của Trường Quốc tế cung cấp nguồn nhân lực có thể thích ứng và làm việc trong cả ba trụ cột này.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời cùng với sự phát triển như vũ bão của các phương thức sản xuất và kinh doanh mới, luôn gắn với các hệ thống thông minh và tự động hoá dần dần sẽ có mặt trong tất cả những dây chuyền của các ngành kinh tế khác nhau, vì vậy, có thể khẳng định Tự động hoá và Tin học có vai trò then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không phát triển lĩnh vực này, chúng ta không thể nắm bắt được những cơ hội và vượt qua những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá và phát triển.

Đội ngũ giảng viên giảng dạy trong chương trình chụp ảnh lưu niệm trong chương trình gặp mặt sinh viên khóa đầu tiên.

Phóng viên: Xin thầy có thể chia sẻ về thế mạnh, điểm đặc sắc trong chương trình AAI của Trường Quốc tế, và môi trường học tập ở đây?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Tôi rất tự hào vì đây là chương trình đào tạo kỹ sư đầu tiên của Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình được thiết kế hiện đại, tiên tiến, tương đồng với chương trình tiên tiến của nước ngoài.

Đặc sắc thứ hai của chương trình là người học sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản nhất về tự động hóa, tin học, điện, điện tử, an toàn thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Với nền tảng này, người học có thể làm việc trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp liên quan ở trong và ngoài nước, có thể tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn sâu để tham gia vào lĩnh vực thiết kế chip và vi mạch. Các em có tối thiểu 2 học kỳ gắn việc học tập với thực hành, thực tập, với doanh nghiệp.

Ba là chương trình có sự tham gia của các giáo sư, các nhà khoa học, đội ngũ giảng viên có uy tín, giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết của Trường Quốc tế, trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội và thu hút cả các thầy cô giỏi ở các trường đại học lớn trên địa bàn Hà Nội cùng tham gia giảng dạy.

Bốn là chương trình có cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại của Trường Quốc tế và cơ sở vật chất hiện đại dùng chung của Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó, chương trình luôn có sự đồng hành của các doanh nghiệp.

Và cuối cùng là năng lực ngoại ngữ tốt, tiếng Anh sẽ trở thành ưu điểm vượt trội của các em khi tốt nghiệp chương trình này, các em sẽ trở thành các kỹ sư toàn cầu.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ, giảng viên Trường Quốc tế trong Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống

Phóng viên: Các ngành công nghệ kỹ thuật luôn cần phải được tiếp xúc, học hỏi, nghiên cứu, thực tập doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác đào tạo cá thể hoá theo các nhóm nghiên cứu. Vậy Trường Quốc tế đã quan tâm đến vấn đề này ra sao trong quá trình triển khai đào tạo?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Ngay từ năm thứ nhất, các em sinh viên của chương trình sẽ được tham gia các nhóm nghiên cứu, tiếp xúc với các nhà khoa học đầu ngành, với doanh nghiệp. Từ đó phát hiện đam mê và năng lực của từng cá nhân để dìu dắt. Khi vào học, nhà trường và các thầy cô sẽ không để tài năng nào bị bỏ sót, sáng kiến nào bị lãng quên.

Nhà trường và các doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm cấp học bổng cho các em có thành tích học tập xuất sắc.

Trong quá trình học tập, các em được các thầy cô dìu dắt, được nhà trường đầu tư để tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia vào các đề tài, dự án của các giảng viên ở trong và ngoài trường, được tham gia các cuộc thi quốc gia, quốc tế.

Nhà trường, đặc biệt là Đại học Quốc gia Hà Nội có hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn như LG, Sumsung, Siemens, Viettel,…. Những hợp tác này cho các em rất nhiều cơ hội thực tập và việc làm.

Sinh viên ngành Tự động hóa và Tin học cùng làm nghiên cứu với các thầy, cô

Phóng viên: Giáo sư có nhắn nhủ gì đến các sĩ tử vào đại học năm 2024 đặc biệt những bạn quan tâm đến các ngành công nghệ kỹ thuật như AAI?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Ngành tự động hóa và tin học của Trường Quốc tế hội tụ đầy đủ những nhân tố “hot và hiện đại” – và đang là ngành thời thượng, là điểm đến và là cơ hội, tương lai cho các bạn trẻ. Tôi hy vọng và tin tưởng sẽ được đón nhiều học sinh ưu tú vào học ngành này tại Trường Quốc tế.

Các em hãy mạnh dạn và dấn thân, theo đuổi đam mê và hoài bão. Thành công và hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai kiên trì và hăng say lao động.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Đình Đức.

Nguyễn Minh

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Vì sao phải xếp hạng đại học?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội – ĐHQGHN), nguyên Trưởng ban Đào tạo của ĐHQGHN đã đưa ra một số lý do mà các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) cần thiết phải tham gia xếp hạng đại học. GS Đức nhấn mạnh là “phải” thay vì “nên” tham gia xếp hạng đại học.

Xếp hạng đại học là tất yếu của sự phát triển

Theo GS Nguyễn Đình Đức, xếp hạng đại học là một sân chơi giúp các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) có khả năng đối sánh với các trường khác ở quốc tế, biết mình mạnh gì, yếu gì, đang ở đâu so với các trường đại học khác trong khu vực và trên thế giới để cải tiến chất lượng, nâng cao vị thế. Vì vậy, chúng ta rất nên tham dự cuộc chơi này vì nó mang lại lợi ích cho tất cả (nhà trường, người học và xã hội).

Mặt khác, “xếp hạng đại học còn là thực hiện Luật” – GS Đức nhấn mạnh. Luật Luật số: 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã sửa đổi Điều 9 như sau: “1. Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan. 2. Cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế. 3. Pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; phải bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch, có trách nhiệm công khai, giải trình về phương pháp, tiêu chí và kết quả xếp hạng.”. Như vậy, “các CSGDĐH Việt Nam phải lựa chọn để tham gia xếp hạng còn là để thực hiện Luật Giáo dục đại học” – GS Đức nhấn mạnh.

GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ, với những lần đi công tác nước ngoài, gặp gỡ và trao đổi với đối tác nước ngoài, khi giới thiệu là cán bộ của ĐHQGHN – vị thế về xếp hạng của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã được đối tác coi trọng, và đây là một lợi thế. Rõ ràng, có ví trí cao trong bảng xếp hạng đại học của thế giới sẽ là một lợi thế trong quan hệ hợp tác nói chung và hợp tác quốc tế nói riêng.

Trong xếp hạng đại học, GS Đức khẳng định, công bố quốc tế là một chỉ số rất quan trọng trong tất cả các bảng xếp hạng. Bởi đại học là nơi sáng tạo tri thức, đỉnh cao của tri thức. Các nghiên cứu, công bố kết quả đỉnh cao là chỉ số được đánh giá rất cao, thể hiện năng lực dẫn dắt, đổi mới sáng tạo của các CSGDĐH. Cũng chính vì quan trọng như vậy, nên các cơ quan báo chí đã phản ánh một số hiện tượng một số trường đại học mua bài báo, khai man, tạo nên thứ hạng xếp hạng không đúng với thực lực – đây là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, một số hiện tượng tiêu cực trong việc kê khai, chạy theo thành tích ảo trong xếp hạng đại học không có nghĩa là chúng ta tẩy chay xếp hạng đại học, mà càng đòi hỏi các tổ chức xếp hạng phải không ngừng cải tiến trong cách đo lường và đánh giá sao cho xếp hạng ngày càng chính xác hơn nữa, không thể/không có cơ hội để khai man trong thời gian tới.

Sau nhiều năm định hướng và phát triển, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có thêm nhiều trường đại học lọt trong top các trường đại học hàng đầu của thế giới. Rất đáng để họ tự hào và phấn đấu. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của xếp hạng đại học không chỉ quan trọng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam mà còn quan trọng cả đối với nhưng nước phát triển trên thế giới.

Một số hiện tượng tiêu cực bên cạnh xu hướng tích cực

Trang chủ của bảng xếp hạng đại học THE.

Năm 2018, lần đầu tiên 2 đại học quốc gia (ĐHQG) của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng 1000 thế giới (theo bảng xếp hạng QS – QS World University Rankings). Sau đó, một số CSGDĐH lớn, trong đó có 2 ĐHQG đã tiếp tục lọt vào các bảng xếp hạng khó hơn như THE (Times Higher Education World University Rankings) và bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải. Các năm sau, giáo dục đại học của Việt Nam ngoài việc xếp hạng tổng thể còn ghi nhận xếp hạng các lĩnh vực. Năm 2023, 8/10 lĩnh vực tham gia xếp hạng của ĐHQGHN lọt vào top 1000 trong bảng xếp hạng THE. Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của ĐHQGHN đã lọt top 386 thế giới theo bảng xếp hạng QS 2022. Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đã đề ra mục tiêu một số lĩnh vực lọt top xếp hạng 200 thế giới vào năm 2045.

Có thể khẳng định, tất cả thủ đô của các nước phát triển đều có những đại học hàng đầu. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/05/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến 2045 có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng. Sẽ thật khó đạt được nếu Thủ đô Hà Nội không có đại học nào lọt top các đại học hàng đầu thế giới.

GS Nguyễn Đình Đức cho biết, mới đây, có bài báo viết về hiện tượng một số CSGDĐH lớn từ bỏ sân chơi xếp hạng đại học; trong bài, tác giả dùng từ “nhiều” là chưa chính xác. Bản chất xếp hạng đại học là một dạng “kiểm chuẩn” (benchmark) để đối sánh, đảm bảo chất lượng. Có hàng nghìn CSGDĐH đang tham gia không nói đến, mà hễ 1, 2 CSGDĐH không tham gia (vì họ đã từng xếp hạng cao và uy tín) thì lại xoáy vào. Điều này đang tạo nên sự hiểu lầm và bàn lùi trong giáo dục đại học. Điều đáng buồn là nhiều CSGDĐH Việt Nam chưa dám đặt ra mục tiêu tham gia xếp hạng. Việc phản đối và không ủng hộ việc a dua, khai man và bằng mọi cách để “mua” xếp hạng là cần thiết, nhưng nếu không xếp hạng, không theo luật chơi của quốc tế, vào sân chơi của thế giới, giáo dục sẽ khó hội nhập, thậm chí mất phương hướng, vì không có đối sánh sẽ không biết mình đang ở đâu, đang đi đâu, về đâu.

Tóm lại, “các CSGDĐH Việt Nam phải lựa chọn tham gia các bảng xếp hạng đại học, đây là việc làm hết sức cần thiết để hội nhập quốc tế và để thực hiện Luật Giáo dục đại học” – GS Đức nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tiếp Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức cùng đoàn công tác Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Yên Bái mong muốn có được cơ hội trao đổi, hợp tác với Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đặc biệt trong đó có Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức- người con quê hương, để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược trong quy hoạch phát triển của tỉnh Yên Bái và được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại buổi tiếp, GS,TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái một số thông tin về nhà trường. Theo đó, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia là một trong những cơ sở đào tạo, nghiên cứu về công nghệ, kỹ thuật hàng đầu cả nước và đang từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu phát triển của Trường là đào tạo cho thị trường một nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài. 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức mong muốn qua chuyến thăm và làm việc tại Yên Bái, với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là đồng chí Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cũng đã từng công tác trong ngành GD – ĐT, hai bên sẽ mở ra nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác. Qua đó đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Yên Bái. 

Phát biểu tại buổi tiếp, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn công tác, đặc biệt là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – người con của quê hương Yên Bái, nguyên là cựu học sinh lớp chuyên Toán khóa 1 của tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Quan điểm, định hướng của tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược trong quy hoạch phát triển của tỉnh và được xác định rõ trong  Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và tỉnh đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực, ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, cơ chế chính sách về nâng cao chất lượng GD-ĐT, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực… 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chia sẻ về một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực GD-ĐT của tỉnh Yên Bái với đoàn công tác, đặc biệt là chất lượng giáo dục mũi nhọn. Qua kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, Yên Bái đứng thứ 5/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành. Tỉnh cũng đã ban hành riêng Đề án về phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, đồng thời, nỗ lực mời gọi, thu hút nhân tài về các ngành, lĩnh vực của tỉnh với những cơ chế chính sách đãi ngộ riêng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trân trọng cảm ơn Đoàn công tác của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đặc biệt là cá nhân GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh Yên Bái. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định những mục tiêu mà nhà trường hướng đến trong chuyến công tác lần này hoàn toàn đúng và trúng với những định hướng phát triển của tỉnh. Trên cơ sở đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Yên Bái tiếp tục có những trao đổi cụ thể hơn, tiến tới ký kết những nội dung hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tặng Đoàn công tác của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia cuốn Sách ảnh Đất và Người Yên Bái.

Được biết, Giáo sư Nguyễn Đình Đức là người con của quê hương Yên Bái. Từ năm 2019 đến nay, ông liên tiếp lọt vào top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới và top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ; đứng thứ 85 thế giới trong năm 2023. GS,TSKH Nguyễn Đình Đức vừa là nhà khoa học, vừa là nhà giáo đã có nhiều cống hiến cho nền khoa học trong nước và thế giới. Đặc biệt, ông còn được biết đến với vai trò là người thầy mở đường và dẫn dắt các thế hệ học trò hội nhập vào nền khoa học thế giới.

 Ông là nhà khoa học có tầm ảnh hưởng quốc tế. Theo kết quả xếp hạng các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trên thế giới của tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước liên tục lọt top 10.000 trong 5 năm liên tiếp từ năm 2019 đến nay, và lọt top 100 – đứng thứ 85 trong danh sách các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology) năm 2023.

GS Nguyễn Đình Đức còn thành viên của Hội đồng biên tập của 10 tạp chí quốc tế có uy tín và đã được mời báo cáo tại phiên toàn thể của nhiều hội nghị quốc tế lớn trên thế giới.

Từ năm 2019 đến nay,GS Nguyễn Đình Đức liên tiếp lọt vào top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới và top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới  trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology) – đứng thứ 85 thế giới trong năm 2023.

Cũng từ nhiều năm nay,  GS Nguyễn Đình Đức là người Việt Nam duy nhất đang làm việc trong nước được Research.com xếp hạng nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong lĩnh vực Engineering and Technology.

GS Nguyễn Đình Đức cũng là một trong số ít nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng danh giá nhất – 100.000 nhà khoa học được xếp hạng ảnh hưởng nhất thế giới theo thành tựu trọn đời.

Thanh Chi – Hoài Văn