GS Nguyễn Đình Đức: “Muốn GS, PGS Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, để từ đó giáo dục đại học Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, chúng ta phải có những bước đột phá trong việc sử dụng và đãi ngộ”

30.9.2015. Liên quan tới sự việc trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Cơ học, khẳng định: Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, nên việc phong và bổ nhiệm chức danh này ở ta còn thể hiện sự tôn vinh, được xem như sự “đãi ngộ” chính đáng về tinh thần. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sử dụng và đãi ngộ đội ngũ chất xám chất lượng cao này.

PV: Thưa GS, vừa qua có nhiều ý kiến xung quanh việc phong và bổ nhiệm GS, PGS ở Việt Nam, ông có bình luận gì về vấn đề này?

GS. Nguyễn Đình Đức: Những ý kiến ủng hộ chủ yếu dựa vào lý lẽ là thông lệ ở một số nước tiên tiến làm thế, Việt Nam cũng nên học tập theo, mà chưa phân tích và nhận dạng các điều kiện khác nhau giữa Việt Nam và thế giới. Một bài toán có phương trình giống nhau, điều kiện biên khác nhau thì lời giải phải khác nhau chứ?

truong dai hoc tu phong giao su can hieu tu chu nhu the  nao hinh 1

  Theo GS Nguyễn Đình Đức, việc phong GS, PGS ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền giáo dục đại học nước nhà

Các GS đang làm việc tại nước ngoài đều khẳng định ở nhiều nước, việc phong và bổ nhiệm GS, PGS là quyền tự chủ của các trường và có tiêu chí rõ ràng, nhưng không tùy tiện, thậm chí có cả thẩm định của các chuyên gia quốc tế. Đội ngũ này còn được xem là tiêu chí quan trọng để kiểm định, đánh giá, phản ánh chất lượng và xếp hạng các trường đại học.

Khi so sánh và đánh giá GS, PGS Việt Nam với các GS, PGS ở nước ngoài và ngược lại, phải lưu ý toàn diện đặc điểm lịch sử, văn hóa, tính đặc thù, điều kiện kinh tế – xã hội, môi trường làm việc… Việc áp dụng một phần, hoặc nguyên xi bất kỳ mô hình và cách làm nào của nước ngoài vào Việt Nam vào thời điểm nào, ở đâu và như thế nào cũng cần phải đánh giá, cân nhắc, xem xét với quan điểm khoa học và biện chứng như vậy.

PV: Thưa GS, ông quan tâm về khía cạnh nào trong những tranh luận này?

GS. Nguyễn Đình Đức: Theo tôi, nguồn gốc của những tranh luận và ý kiến nhiều chiều về việc bổ nhiệm GS, PGS đều có nguồn gốc và nguyên nhân sâu xa ở việc sử dụng và đãi ngộ. Nếu chúng ta sử dụng đúng người có năng lực và đãi ngộ xứng đáng với tài năng và cống hiến thì sẽ không có hiện tượng chạy theo hư danh.

Trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, vấn đề sử dụng là quan trọng nhất. Hiện nay có tình trạng chưa sử dụng đúng người có năng lực. Năng lực và kết quả công việc, kết quả nghiên cứu khác nhau, thậm chí khác xa nhau, nhưng cùng chức danh và đãi ngộ thì như nhau.

Không những thế, lương và chế độ đãi ngộ của Nhà nước với các GS, PGS còn thấp so với các nước tiên tiến. Cũng chưa có sự khác biệt đáng kể về lương và đãi ngộ giữa GS và PGS. Trên thực tế có GS đang giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam có mức lương thấp hơn của sinh viên mới ra trường của họ.

Trong các trường đại học vẫn phổ biến hiện tượng trọng chức tước hành chính hơn chức danh GS. Vai trò tự chủ của các GS trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu sinh còn chưa được chú trọng và chưa được tôn trọng thỏa đáng. Đây chính là những bất cập lớn nhất với đội ngũ trí thức có trình độ cao trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.

Muốn GS, PGS Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, để từ đó giáo dục đại học Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, chúng ta phải có những bước đột phá trọng việc sử dụng và đãi ngộ, học tập như quốc tế đã tạo điều kiện cho các GS, PGS của họ.

 PV: V iệc phong và bổ nhiệm chức danh GS và PGS có liên quan gì đến vấn đề tự chủ đại học không, thưa GS?

GS. Nguyễn Đình Đức: Vấn đề trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học là xu thế phát triển và là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Nhưng qua sự việc ĐH Tôn Đức Thắng hiểu là tự chủ cũng có nghĩa là có thể tự bổ nhiệm GS và PGS – bỏ qua các quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ và những dư luận ý kiến xung quanh sự việc này, tôi thấy nổi lên vấn đề rất lớn về việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học là trao cho ai? Trao như thế nào?

Bên cạnh đó, cần giám sát quyền thực hiện tự chủ ra sao để đảm bảo mục đích cuối cùng của “tự chủ đại học” là phát huy cao nhất nội lực và cơ chế, các nguồn lực để phát triển nhà trường, nhưng phải đạt được nâng cao hiệu quả và chất lượng của giáo dục đại học, đảm bảo được công bằng xã hội.

Trên thực tế, kể từ năm 2012, khi Thủ tướng ban hành Quyết định 20, cơ sở giáo dục có quyền tự chủ rất lớn trong việc phong và bổ nhiệm GS, PGS và thực tế là hiện nay ở Việt Nam, mỗi GS, PGS đều đã gắn với một cơ sở giáo dục đại học. Có thể đánh giá việc xét công nhận đạt chuẩn cũng như bổ nhiệm GS, PGS của Việt Nam hiện nay đang từng bước đổi mới, với các tiêu chí ngày càng cao hơn, phân quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học lớn hơn; đang tiếp cận các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Điều mà các cơ sở giáo dục của ta, mặc dù quyền tự chủ đại học đã cho phép, nhưng chưa làm được là vì còn nể nang, dễ dãi khi xem xét ở cấp cơ sở. Khi bổ nhiệm GS, PGS chưa mạnh dạn đề ra các tiêu chí cao hơn so với chuẩn của Hội đồng chức danh GS Nhà nước; cũng chưa thực hiện quy định việc đánh giá định kỳ với các chức danh GS và PGS để có thể bổ nhiệm lại hoặc miễn nhiệm.

Qua vấn đề tự chủ của ĐH Tôn Đức Thắng vừa qua nổi lên một bất cập là các trường được tự chủ đều là các đại học mới, đội ngũ mỏng, nhưng lại được thu học phí cao, do vậy có thể chi trả cho đội ngũ GS, PGS, giảng viên cao. Trong khi các trường công lập có bề dày kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu, đội ngũ mạnh thì lại thu học phí theo mức kinh phí do Chính phủ quy định (còn quá thấp), trong khi kinh phí đầu tư của Nhà nước có hạn.

PV: Trên diễn đàn, GS Ngô Bảo Châu có nhận xét là “GS ở Việt Nam là một học hàm, là sự công nhận của Nhà nước đối với nhà khoa học, rất danh dự”,  ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

GS. Nguyễn Đình Đức: Đúng vậy, một mặt chính vì lương và sự đãi ngộ về vật chất với các GS, PGS ở Việt Nam còn thấp, chưa thỏa đáng; mặt khác, Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, nên việc phong và bổ nhiệm chức danh này ở Việt Nam còn thể hiện sự tôn vinh. Đây được xem như sự đãi ngộ chính đáng về tinh thần, có yếu tố của truyền thống và văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Chúng ta phải khách quan ghi nhận sự nỗ lực và những đóng góp to lớn của đội ngũ các nhà giáo, trong đó có các GS, PGS đã đào tạo hàng vạn nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Một bộ phận không nhỏ TS đào tạo tại Việt Nam có thành tích nghiên cứu khoa học rất xuất sắc, được mời làm việc và thực tập sau tiến sỹ tại các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín  trên quốc tế.

Nhiều GS, PGS Việt Nam được mời làm việc và giảng dạy tại các viện nghiên cứu, các trường đại học có danh tiếng ở nước ngoài. Rất nhiều đề tài, dự án của các nhà khoa học Việt Nam đã đi vào cuộc sống… Những đóng góp đó chẳng phải là có sự đóng góp to lớn của đội ngũ GS, PGS Việt Nam hay sao?  Chính vì vậy, GS, PGS từ trước đến nay vừa là chức danh cao quý, vừa là vinh dự thiêng liêng của các nhà giáo Việt Nam.

Việc phong GS, PGS là chuyện không hề nhỏ vì ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ hoạt động, chuẩn mực và chất lượng của nền giáo dục đại học Việt Nam. Hy vọng Đảng và Nhà nước sẽ sáng suốt có những quyết định đúng đắn và kịp thời về vấn đề này.

PV : Xin cảm ơn GS!./.

30.9.2015  Hà Linh/VOV.VN (thực hiện)

In the invite people who can do my homework in domyhomework.guru box, type the full names or email addresses of the people you want to give edit access to.