GS Nguyễn Đình Đức: “Dùng bài thi đánh giá năng lực cho một kỳ thi chung”

26.8.2014. “Phương án tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội có thể sử dụng hiệu quả cho một kỳ thi quốc gia chung”, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định.

Nguyen-Dinh-Duc-6031-1408972528.jpg

GS Nguyễn Đình Đức, trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội.

– ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố phương án đổi mới tuyển sinh đại học, góp ý cho một kỳ thi quốc gia chung bằng các bài thi đánh giá năng lực. Vậy bài thi sẽ được thiết kế như thế nào, thưa ông?

– Sau khi nghiên cứu kỹ phương án tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới, ĐH Quốc gia Hà Nội lựa chọn đổi mới tuyển sinh theo hình thức tương tự Mỹ, có cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện đặc thù của Việt Nam. Cụ thể, thí sinh phải làm bài thi chuẩn hoá đánh giá năng lực chung và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (tương tự như bài thi SAT1 và SAT 2 của Mỹ).

Đề thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung (tương tự như SAT1) là đề thi trắc nghiệm với cấu trúc đầy đủ 4 hợp phần là: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Tổng số có 180 câu trắc nghiệm khách quan. Thời gian làm bài 215 phút (trong một buổi). Trọng số theo mức năng lực là 20% dễ, 60% trung bình và 20% khó. Nội dung các hợp phần bao phủ toàn diện 3 năm THPT, phần lớn ở lớp 12. Bài thi được chấm theo 4 đầu điểm riêng rẽ của 4 hợp phần.

Năm 2014, ĐH Quốc gia Hà Nội áp dụng bài thi này để tuyển các em đã trúng tuyển kỳ thi 3 chung vào học các chương trình chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế nên đề thi đánh giá năng lực được thiết kế giản dị hơn, gồm 3 hợp phần: 50 câu Toán học, 50 câu Ngữ văn và 40 câu tự chọn (Lý – Hóa – Sinh hoặc Sử – Địa – Giáo dục công dân), thời gian làm bài là 195 phút.

Sau khi có kết quả bài thi đánh giá năng lực chung, vào ĐH Quốc gia Hà Nội các em còn phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (tương tự như SAT 2 của Mỹ) nhằm đánh giá năng lực và kiến thức để tuyển chọn thí sinh vào học các ngành nghề cụ thể ở bậc đại học. Ví dụ những em thi vào khối các ngành KHTN – Công nghệ như Toán học, Cơ học, CNTT… có thể lựa chọn môn thi chuyên biệt là Toán, các em chọn các ngành về hóa học, sinh học có thể thi môn chuyên biệt là Hóa… Các môn thi chuyên biệt này do Hội đồng Khoa học và Đào tạo của từng trường xem xét, quyết định cho từng ngành, nhóm ngành, lĩnh vực. Các ứng viên chỉ thi một bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng và phát triển theo định hướng mô hình ĐH nghiên cứu tiên tiến nên việc thí sinh phải làm thêm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt là cần thiết. Các trường khác không nhất thiết áp dụng bài thi này, nhưng cũng có thể tổ chức thêm một bài thi đơn môn dạng tự luận, câu hỏi mở hoặc thi năng khiếu để có thêm thông tin đánh giá về thí sinh tuyển chọn vào các chương trình có những đòi hỏi đặc thù.

– Phương án đổi mới tuyển sinh nói trên được xây dựng trên cơ sở khoa học nào?

– Phương pháp thiết kế và chuẩn hóa các dạng trắc nghiệm để đo năng lực trong bài thi của ĐH Quốc gia Hà Nội dựa trên các lý thuyết tâm trắc học và khảo thí hiện đại. Ngoài ra, khi thiết kế phương án đổi mới tuyển sinh, trường còn mời các chuyên gia phát triển đề thi đánh giá năng lực quốc tế (đến từ Educational Testing Service – ETS) và cố vấn về chính sách tuyển sinh của Mỹ hỗ trợ.

Điểm quan trọng nhất để ĐH Quốc gia Hà Nội tự tin tuyển sinh theo phương án mới là chúng tôi đã có định hướng và từng bước chuẩn bị kỹ từ lâu. Năm 1997 khi tuyển chọn học sinh giỏi vào các hệ tài năng, sau đó là kết quả nghiên cứu từ Đề tài cấp Nhà nước về các công cụ để đánh giá tuyển chọn, phát hiện và quy trình đào tạo, bồi dưỡng tài năng từ năm 2004-2005, đến nay trường đã xây dựng được 4.000 câu hỏi nguồn và đào tạo được khoảng 50 cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt chuyên viết câu hỏi cho bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực.

Chúng tôi có thế mạnh là đại học đa ngành, đa lĩnh vực có đầy đủ chuyên gia nên đã chủ động xây dựng được các câu hỏi nguồn có chất lượng. Hơn nữa, trường cũng đã thành lập Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục, Trung tâm khảo thí hoạt động hiệu quả. Phần mềm dùng trong đổi mới tuyển sinh đánh giá năng lực cũng do các chuyên gia của ĐH Quốc gia Hà Nội  xây dựng.

Việc làm bài thi và chấm được thực hiện trực tiếp trên máy tính, nên đảm bảo tính khách quan, chính xác và công bằng trong quá trình làm bài và chấm thi. Đó là những cơ sở vững chắc và điều kiện thực tế thuận lợi, khả thi để ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai đổi mới tuyển sinh một cách hiệu quả, chắc chắn.

– Khả năng áp dụng phương thức tuyển sinh này đối với các trường đại học khác như thế nào, thưa ông?

– Năm 2015, chúng tôi áp dụng phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực đối với các ngành có chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Kỳ thi đánh giá năng lực chung và chuyên biệt sẽ được tổ chức trước kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung. Vì vậy, ứng viên dự tuyển vào các chương trình này, sau khi dự thi các bài thi đánh giá năng lực, vẫn có cơ hội tham gia kỳ thi 3 chung để thử sức vào các ngành khác đào tạo hệ chuẩn trong ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc các trường đại học khác tuyển sinh theo kỳ thi 3 chung của Bộ.

Trên cơ sở những kinh nghiệm đã triển khai, năm 2016 trường sẽ áp dụng đại trà tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho tất cả ngành đào tạo ĐH trước thời điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hình thức 3 chung.

Tuy nhiên, lộ trình trên sẽ được điều chỉnh phù hợp với những chủ trương và quyết sách về đổi mới tuyển sinh của Bộ Giáo dục. Nếu như bài thi đánh giá năng lực chung của ĐH Quốc gia Hà Nội được Bộ công nhận, dùng để thực hiện một kỳ thi quốc gia chung, vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả tuyển sinh vào đại học, chúng tôi sẽ đẩy nhanh lộ trình phù hợp với tình hình chung của ngành giáo dục, bổ sung nhiều câu hỏi nguồn, phối hợp với địa phương và các đơn vị khác để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc triển khai thi online bài thi đánh giá năng lực chung trên phạm vi toàn quốc.

Tôi cho rằng tự chủ về tuyển sinh không có nghĩa là mỗi trường có một bài thi tuyển sinh riêng biệt. Khi bỏ kỳ thi 3 chung, một em dự định thi vào 3 trường không thể cùng lúc ôn thi với 3 bài thi với các định hướng khác nhau, như vậy sẽ không khả thi. Một trong những thành công của kỳ thi 3 chung là định hướng được công tác tuyển sinh và sự chuẩn bị của thí sinh. Công tác đổi mới tuyển sinh muốn thành công cũng phải đáp ứng được tiêu chí này.

Phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội linh hoạt, các trường đại học có thể tuyển thí sinh vào trường mình với mức điểm khác nhau của bài thi đánh giá năng lực chung. Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt chỉ áp dụng cho một số trường đại học trọng điểm, có định hướng nghiên cứu, phù hợp với việc phân tầng các trường đại học Việt Nam trong tương lai.

Việc tổ chức thi nên giao cho những tổ chức, trung tâm lớn, có năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và kinh nghiệm thực hiện để công tác thi tuyển có chất lượng và có độ tin cậy cao. Bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung có thể tổ chức thường xuyên, nhiều lần trong năm. Thí sinh có thể chủ động đăng ký dự tuyển kỳ thi đánh giá năng lực vào thời điểm phù hợp và đương nhiên có thể thi trước kỳ thi 3 chung.

Từ phương thức tổ chức và triển khai tuyển sinh như vậy, cùng với việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ, tất yếu sẽ là tiền đề cho việc tuyển sinh và triệu tập nhập học vào đại học 2 lần trong năm như ở các nước tiên tiến, giảm bớt áp lực cho xã hội.

– Học sinh lớp 12 đang lo lắng với những thay đổi chưa được công bố về một kỳ thi chung. Lời khuyên của ông dành cho thí sinh là gì?

– Đổi mới phương thức tuyển sinh thực chất là thay đổi hình thức thi tuyển, đánh giá, còn bản chất vẫn là năng lực nhận thức, kiến thức và những năng lực khác mà học sinh đã được tiếp thu, đào tạo và tích lũy ở bậc phổ thông.

Bài thi đánh giá năng lực chung không khó, không nằm ngoài kiến thức phổ thông. Với bài thi đánh giá năng lực như SAT1, SAT2 của Mỹ, nội dung kiến thức bao hàm cả bậc THCS và THPT, trong khi bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn trọng tâm vào kiến thức lớp 12, chỉ có 20% kiến thức ở lớp 11 và 10% lớp 10.

Nếu Bộ Giáo dục chấp nhận, phương án này có thể sử dụng để thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi bài thi được làm trong nhiều đợt, đợt đầu nếu chưa có kết quả tốt có thể đăng ký thi lại để đạt hoặc cải thiện điểm cao hơn. Thi đánh giá năng lực sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh. Bên cạnh đó, vẫn có bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt để các em học sinh giỏi, học sinh năng khiếu có cơ hội thể hiện. Các em hoàn toàn yên tâm chuẩn bị thích nghi và làm quen với những đổi mới trong tuyển sinh theo phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội.

26.8.2014  Theo VnExpress

Messung und frderung eines basalen verstndnisses fr externe validitt bei kologischen experimenten abbau von angst und ekel gegenber spinnen im rahmen einer unterrichtseinheit in der grundschule bauernhfe als auerschulischer lernort doktorarbeit schreiben lassen preise im fokus.