VOV viết về Nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Đình Đức: ĐHQG Hà Nội – “Vườn ươm” các nhà khoa học trẻ

VOV.VN -20 năm qua, ngọn lửa nghiên cứu khoa học đã được các thế hệ thầy trò ĐHQG Hà Nội nuôi dưỡng và thắp sáng.

Thỏa sức nghiên cứu khoa học khi có nhiệt huyết

Việc Phạm Hồng Công, sinh viên năm thứ 4 Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội có tới 5 bài báo đăng trên hệ thống tạp chí quốc tế ISI, trong đó có thời gian chưa đầy 5 tháng, Công đã liên tiếp có 2 bài báo quốc tế đã thực sự trở thành niềm tự hào không chỉ của thầy trò ĐHQG Hà Nội, mà còn là sự khẳng định sức sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Từ một học sinh có thế mạnh ở những môn tự nhiên với bảng thành tích đáng nể thời học THPT ở tỉnh Vĩnh Phúc, với niềm đam mê kỹ thuật, Công quyết định thi vào Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. Sức học khá cùng sự chăm chỉ của Công đã lọt vào “tầm ngắm” của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội – một giảng viên có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế.

dhqg ha noi: "vuon uom" cac nha khoa hoc tre hinh 1Phạm Hồng Công, sinh viên năm thứ 4 Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội

Vậy là từ khi học năm thứ 2, Công và hơn 10 bạn sinh viên khác chính thức được thầy Đức “dung nạp” vào nhóm nghiên cứu của thầy. Chính môi trường học tập ở ĐHQG, tấm gương và kết quả nghiên cứu khoa học của những sinh viên khóa trước, cùng sự tận tâm của các thầy đã thắp lên trong Công nhọn lửa của niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cho dù bước khởi đầu cũng rất gian nan.

Mới đầu, đọc tài liệu Công không hiểu, nhưng với sự hướng dẫn của thầy và của các anh chị đi trước, em dần hiểu vấn đề và từ đó phát triển theo ý tưởng của mình, từng bước hoàn thiện đề tài nghiên cứu.

Công trình nghiên cứu đầu tiên của Công là do sự gợi ý của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Từ sự gợi ý này, Công bắt tay vào nghiên cứu vật liệu biến đổi chức năng FGM, bởi đây là loại vật liệu đang phát triển, dùng nhiều trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ, điện nguyên tử… và được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu.

Đầu tiên, Công đọc những nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học, rồi làm phép thử để hiểu nội dung và kiểm chứng khả năng nghiên cứu của mình, sau đó mới đưa ra những ý tưởng trong những điều kiện, môi trường thực tế theo cách tính riêng mà em thấy tối ưu.

Các tính toán ban đầu không đến đích, nhưng em quyết tâm làm lại nhiều lần cho tới khi tìm ra kết quả. Kết quả đề tài nghiên cứu “Ổn định phi tuyến của tâm đối xứng làm bằng vật liệu biến đổi chức năng trên nền đàn hồi sử dụng lý thuyết tạm bậc cao” của Công, được công bố trên tạp chí quốc tế có danh mục ISI đã trở thành động lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên ĐHQG Hà Nội. Công mong muốn những đề tài nghiên cứu của nhóm sẽ sớm đi vào thực tiễn để đóng góp cho xã hội.

Cần tiếp thêm động lực

Nói đến sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ở ĐHQG Hà Nội, cái tên được các thầy và sinh viên nhắc đến nhiều nhất là Trần Quốc Quân, cựu sinh viên Đại học Công nghệ. Quân sinh năm 1990, quê ở Hà Tĩnh, vốn là cựu học sinh trường THPT Nghèn, huyện Can Lộc. Nhà nghèo lại ở xa trung tâm, Quân không có nhiều thông tin về các trường đại học, song do yêu thích ngành dầu khí nên em chọn thi vào Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội.

dhqg ha noi: "vuon uom" cac nha khoa hoc tre hinh 2
Trần Quốc Quân, cựu sinh viên Đại học Công nghệ

Quân cũng đến với việc nghiên cứu khoa học một cách tình cờ, nhưng với niềm đam mê và sự động viên của các thầy, Quân đã gặt hái thành công. Từ năm 2011 đến nay Quân đã có 7 bài báo quốc tế, trong đó có những công trình nghiên cứu được đánh giá rất cao.

Khác với Công, Quân nghiên cứu về kết cấu vỏ của vật liệu composite, loại được dùng phổ biến trong xây dựng và trong dân dụng. Nhà nghèo, vừa đi học Quân vừa đi làm gia sư, vì vậy để có thời gian nghiên cứu, Quân phải bố trí thời gian hợp lý để đọc tài liệu và làm các thí nghiệm.

Trần Quốc Quân chia sẻ: Việc nghiên cứu khoa học cần tâm huyết, đam mê thực sự, bởi sinh viên phải đọc rất nhiều tài liệu và cần có nhiều thời gian. Tỷ lệ nghiên cứu khoa học trong sinh viên hiện nay còn rất thấp, nguyên nhân có thể do các bạn chưa nhận thức được sự cần thiết của việc nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các bạn cần động lực để dành tâm huyết cho việc này.

Được “ươm mầm” từ khi bước chân vào giảng đường

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khẳng định, ĐHQG Hà Nội xây dựng theo mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến, cho nên thực hiện đào tạo kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu khoa học để tiếp cận với đỉnh cao tri thức và hội nhập quốc tế, trên cơ sở đó quay trở lại phục vụ đào tạo chất lượng cao, trình độ cao.

dhqg ha noi: "vuon uom" cac nha khoa hoc tre hinh 3
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức hướng dẫn nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: Ngay từ năm thứ nhất, thứ hai, những sinh viên có khả năng đã được những giáo sư đầu ngành có kinh nghiệm phát hiện và hướng dẫn, nhằm thắp lên ngọn lửa đam mê trong các em. Từng bước giao cho các em những bài báo, tính những công thức đơn giản để kiểm tra, tiếp cận những hướng nghiên cứu cơ bản cũng như hướng nghiên cứu của thế giới, mà thành quả được đánh giá trên những tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI. Sau đó, nghiên cứu theo hướng ứng dụng, đưa sinh viên vào những nhóm nghiên cứu cùng với các giáo sư, các giảng viên nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Việc có các bài báo, các công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI là vấn đề rất khó, ngay cả đối với các giảng viên. Chính vì vậy, khi thấy sinh viên của trường có bài đăng trên tạp chí thuộc hệ thống ISI đã thực sự tạo động lực, niềm tin để các em quyết tâm theo đuổi mục tiêu nghiên cứu khoa học; tự tin là  kiến thức mình được trang bị có thể tiếp cận với trình độ quốc tế.

Trước đây, việc nghiên cứu khoa học gần như được coi là lĩnh vực riêng của các thầy. Chính vì vậy, hướng thầy trò cùng nghiên cứu khoa học như cách làm của ĐHQG Hà Nội là điểm sáng cần nhân rộng. Từ đó có thể phát huy sức mạnh, sự sáng tạo của lớp trẻ và đây cũng là một trong hướng phát triển của mô hình đại học nghiên cứu, sáng tạo –  xu thế chung của giáo dục đại học ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển./.

Trong 20 năm qua, ngọn lửa nghiên cứu khoa học đã được các thế hệ thầy trò ĐHQG Hà Nội nuôi dưỡng và thắp sáng. Với số lượng các bài báo quốc tế trong hệ thống ISI tăng 20 lần, thành quả nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế đã góp phần khẳng định và nâng tầm vị thế của ĐHQG Hà Nội. Trên cơ sở này, từ năm 2012, bảng xếp hạng quốc tế QS đã ghi nhận và xếp ĐHQG Hà Nội vào nhóm 250 trường đại học nghiên cứu hàng đầu châu Á.
Theo VOV

Now exit winterboard, which will reboot your ios device.