06.4.2014. Là sinh viên năm cuối hệ kỹ sư K.55H Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, trường ĐH Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đến nay, Phạm Toàn Thắng (SN 1991) đã có 3 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI (Institute for Scientific Information – tổ chức xếp các tạp chí khoa học có uy tín, hệ số tham khảo cao)– một thành tích hiếm có. Thắng không chỉ là niềm tự hào của các thầy cô mà còn là tấm gương đối với các bạn sinh viên ĐHQGHN về nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống, học tập và nghiên cứu khoa học.
Tự học, đào sâu suy nghĩ – bí quyết thành công
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nhưng có truyền thống hiếu học tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, vùng đất nổi tiếng với di tích lịch sử thành Cổ Loa nằm ở ngoại thành thủ đô Hà Nội. Với khát khao được học tập và nghiên cứu khoa học, sau khi tốt nghiệp THPT, Thắng đã mạnh dạn làm hồ sơ đăng ký và thi đỗ vào khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa của ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.
Phạm Toàn Thắng trong một chuyến tham gia công tác tình nguyện
Từ những ngày tháng đầu bước chân vào giảng đường đại học, với lòng quyết tâm và sự kỳ vọng của gia đình, Thắng đã không ngừng học hỏi từ các thầy cô, bạn bè và các anh chị khóa trên về phương pháp học tập và rèn luyện. Em đã nhanh chóng thích ứng và trở thành một sinh viên ưu tú của lớp.
Thắng cho biết: “Trong những năm học vừa qua, em luôn đặt ra kế hoạch học tập cho mình một cách cụ thể, khoa học. Đặc biệt, em luôn chú trọng đến việc tự học, tự nghiên cứu, đào sâu suy nghĩ và đó chính là phương pháp quyết định thành công trong học tập và nghiên cứu của em. Dù học trên giảng đường hay học ở nhà, em đều chăm chú, tập trung và tìm cho mình cách tiếp cận kiến thức riêng và hiệu quả nhất”.
Với những nỗ lực của bản thân, Thắng đã có 7 kỳ nhận được học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên đạt loại giỏi và xuất sắc của ĐH Công nghệ. Năm 2013, Thắng đã vinh dự được trao học bổng Odon Vallet và với thành tích học tập và nghiên cứu khoa học xuất sắc. Năm học 2012 – 2013, Thắng còn được được nhận học bổng Minh Đức.
Nơi khơi gợi đam mê nghiên cứu khoa học
Thắng cho biết: Ngay từ khi học năm thứ 2, em đã được học môn Cơ học môi trường liên tục và Cơ học vật rắn biến dạng của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Chính từ những bài giảng của thầy đã thắp sáng cho em niềm đam mê học tập và khát khao hiểu biết, cho em hiểu đằng sau những định lý và công thức, phương trình tưởng như khô khan, là độ bền các công trình, kết cấu, vật liệu mới mà muốn trở thành người kỹ sư giỏi, em phải làm chủ được những kiến thức này.
Sự tận tâm của các thầy ở ĐH Công nghệ đã khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong Thắng. Ban đầu khi tham gia vào nhóm nghiên cứu của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, em gặp rất nhiều khó khăn. Với vốn kiến thức còn hạn hẹp và nhiều tài liệu nghiên cứu và tham khảo đều bằng tiếng Anh, nhiều lúc em thấy nản và tưởng chừng không vượt qua nổi. Tuy nhiên, em đã được Giáo sư chỉ bảo ân cần từng ly từng tý, giảng giải cho từng công thức, phương trình và cách tính toán dựa trên các nguyên tắc cơ bản để có thể đi đến kết quả mong đợi. Bên cạnh đó, em cũng được các anh chị – những người đi trước trong nhóm nghiên cứu tận tình giúp đỡ và luôn động viên.
Từ những bài tập đầu tiên tính toán lại cho đúng với những kết quả của thầy đã nhận được, rèn luyện cho mình thành thạo kiến thức và kỹ năng, cuối năm thứ 2, em đã được thầy mạnh dạn giao cho tìm hiểu và giải quyết một số vấn đề khoa học mới. Đề tài nghiên cứu mà em theo đuổi là: “Ổn định tĩnh và động kết cấu vỏ trụ tròn làm từ vật liệu composite chức năng có cơ tính biến đổi FGM”.
Sau rất nhiều vất vả tưởng chừng có lúc bỏ cuộc, nhưng với lòng say mê khoa học và tinh thần vượt khó, sự kiên trì và động viên, khích lệ và hướng dẫn chỉ bảo của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Thắng đã thành công. Là sinh viên năm cuối, cùng với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Thắng đã có 3 bài báo khoa học công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, trong đó có 2 bài trên các tạp chí thuộc danh mục SCIE và 1 bài báo trên các tạp chí quốc tế trong dạnh mục SCI. Đây là một thành tích hiếm có và đáng tự hào với một sinh viên “nội”.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cùng các sinh viên nghiên cứu khoa học
Từ những tấm gương thành công của các anh chị khóa trước trong nhóm nghiên cứu như Trần Quốc Quân, K.53H, được chuyển tiếp nghiên cứu sinh từ năm 2013, đến nay đã có 8 bài báo quốc tế ISI; anh Phạm Hồng Công, sinh viên K.54H, trước Thắng một khóa, đã có 4 bài báo quốc tế ISI là những tấm gương và giúp Thắng tự tin trên con đường nghiên cứu khoa học của mình.
Sự nỗ lực cố gắng không ngừng của bản thân, sự động viên của gia đình, bạn bè và đặc biệt là tấm gương của những người thầy như GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, đã giúp Thắng giữ vững được ngọn lửa nhiệt huyết và niềm đam mê nghiên cứu khoa học và đi đến những thành công.
Không chỉ nghiên cứu khoa học, ngoài giờ học, Thắng còn tham gia các hoạt động Đoàn, hội, các tổ chức từ thiện; là một trong các thành viên sáng lập CLB Vì Cộng đồng, là thành viên CLB Niềm tin và Hy vọng… Cuộc sống xa gia đình thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn, tranh thủ thời gian, cũng như các bạn sinh viên khác, Thắng cũng làm gia sư để kiếm thêm thu nhập nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và trang trải cho cuộc sống của mình.
Gặp gỡ và trò chuyện với Thắng, sự nhiệt thành của tuổi trẻ và niềm đam mê khoa học của cậu sinh viên giỏi làm tôi cảm nhận được rõ hơn trí tuệ và sức mạnh của tuổi trẻ Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đại học Việt Nam cần bắt đầu từ chính từ những điều giản dị, kiên trì và bền bỉ từ những người thầy, những người trò đang âm thầm, cần mẫn học tập và nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học./.
Nghiên cứu khoa học là truyền thống và cũng là hướng phát triển bền vững của ĐHQGHN. Chỉ tính riêng nhóm nghiên cứu của GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, từ 2010 đến nay đã và đang đào tạo 5 nghiên cứu sinh, công bố trên 50 bài báo, báo cáo khoa học trong và ngoài nước, trong đó có 31 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI.
Thành công của những sinh viên như Phạm Hồng Công, Trần Quốc Quân và Phạm Toàn Thắng đã phần nào minh chứng cho chất lượng đào tạo tiếp cận và hội nhập với các chuẩn mực quốc tế và chiến lược phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu của trường ĐH Công nghệ nói riêng, và ĐHQGHN nói chung.
Là một trong những cơ sở Đại học đầu ngành cả nước trong lĩnh vực khoa học cơ bản, ĐHQGHN có truyền thống đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, đào tạo thông qua nghiên cứu, và nghiên cứu khoa học để tiếp cận đỉnh cao của tri thức, từ đó đổi mới và cập nhật nội dung, chương trình để quay trở lại phục vụ đào tạo chất lượng cao, trình độ cao.
26.4.2014 Theo VOV