Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức: Làm khoa học thì không “ăn xổi” được!

GS Nguyễn Đình Đức: “Làm KH thì không “ăn xổi” được, lại càng không thể chạy theo hư danh. Đã làm KH là phải dấn thân, đam mê, dám chấp nhận thiệt thòi, hy sinh”.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) được vinh danh trong nhóm 10 nghìn nhà khoa học có trích dẫn khoa học xuất sắc nhất, có tầm ảnh hưởng thế giới năm 2022.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức để hiểu hơn về những cố gắng và nỗ lực trong việc nghiên cứu khoa học của thầy và các đồng nghiệp.

_____

Phóng viên: Xin chúc mừng Giáo sư được vinh danh trong nhóm 10 nghìn nhà khoa học có trích dẫn khoa học xuất sắc nhất, có tầm ảnh hưởng thế giới năm 2022.

Là người liên tiếp có mặt trong nhóm 10 nghìn nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới trong 4 năm qua và đứng thứ 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering, Giáo sư có thể chia sẻ những yếu tố quan trọng nào giúp các công bố khoa học có sức ảnh hưởng vươn tầm thế giới?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Theo tôi, để công bố khoa học có sức ảnh hưởng vươn tầm thế giới, thì trước hết nhà khoa học phải có năng lực kiến thức, trình độ và phương pháp nghiên cứu thật tốt, thật bài bản và hiện đại để đủ sức giải quyết những vấn đề lớn, mới mẻ trong khoa học; đặc biệt là phải chọn được hướng nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, hội nhập với thế giới; mạnh dạn dấn thân nghiên cứu những vấn đề mà trước đó chưa có ai giải quyết hoặc chưa giải quyết được; và những kết quả nghiên cứu nhận được của nhà khoa học phải có đủ tầm, có phát hiện mới, đóng góp đáng kể thúc đẩy sự phát triển của khoa học và nhờ vậy mới nhận được sự quan tâm và trích dẫn của cộng đồng khoa học quốc tế; và để duy trì và phát huy được những yếu tố trên, nhà khoa học phải xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh.

Những nhà khoa học có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng mà tôi biết tên đều là các giáo sư nổi tiếng, là trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh, đã hoặc đang làm việc trong các trường đại học lớn, uy tín của thế giới.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức luôn nhiệt huyết truyền lại kiến thức cho học trò. Ảnh: NVCC

_____
Phóng viên: Thành công của Giáo sư và các đồng nghiệp là lời khẳng định về năng lực của các nhà khoa học nước ta. Giáo sư có nghĩ vậy không?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Năm 2020 có 22, năm 2021 có 28, năm nay có 34 nhà khoa học Việt Nam làm việc cơ hữu trong nước có tên trong danh sách xếp hạng 100.000 nhà khoa học. Liên tục đều có sự gia tăng theo các năm và năm nay tăng 6 người – hơn 20% so với năm ngoái. Trong đó có những nhà khoa học xếp hạng rất cao, top 100 thế giới trong lĩnh vực.

Chúng ta có thể thấy trong bảng xếp hạng này có những nhà khoa học trong nước có thứ hạng cao không hề thua kém so với các Giáo sư Việt kiều có tên tuổi đang làm việc tại các trường đại học lớn của nước ngoài, trong khi điều kiện vật chất cho nghiên cứu ở trong nước còn khó khăn và thiếu thốn hơn rất nhiều.

NĂM 2020 CÓ 22, NĂM 2021 CÓ 28, NĂM NAY CÓ 34 NHÀ KHOA HỌC VIỆT NAM LÀM VIỆC CƠ HỮU TRONG NƯỚC CÓ TÊN TRONG DANH SÁCH XẾP HẠNG 100.000 NHÀ KHOA HỌC

GS. Nguyễn Đình Đức

Trong hoàn cảnh đó, việc ngày càng có nhiều nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng của thế giới là rất đáng tự hào, là sự nỗ lực phi thường của nhà khoa học. Kết quả này khẳng định sự lớn mạnh của tầng lớp trí thức, của các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế. Và cũng là thành quả của sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học và khoa học công nghệ Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ với trình độ và các hướng nghiên cứu tiên tiến của thế giới.

Đối với những nhà khoa học lại cũng là nhà giáo như chúng tôi, sự ghi nhận này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở chỗ: thành công của thầy là niềm tự hào của các học trò, sẽ là sự động viên khích lệ các bạn trẻ vững bước trên con đường đã chọn với sự tự tin – miệt mài và cố gắng hết mình thì có thể đạt được đỉnh cao trong khoa học.

_____
Phóng viên: Giáo sư đánh giá như thế nào về môi trường nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực, là nền tảng phát triển kinh tế xã hội. Kinh nghiệm của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, Trung Quốc cho thấy họ đã đầu tư cho khoa học công nghệ rất mạnh, nhờ đó đã tận dụng và nắm bắt được những cơ hội và phát triển vượt bậc trong cách mạng công nghệ 3.0. Tôi cho rằng cách mạng công nghệ 4.0 là một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam cất cánh, và khoa học công nghệ cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chiếc đũa thần để dân tộc ta nắm bắt được những cơ hội của cuộc cách mạng này để bứt phá vươn lên.

TÔI CHO RẰNG CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ 4.0 LÀ MỘT CƠ HỘI TUYỆT VỜI ĐỂ VIỆT NAM CẤT CÁNH, VÀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CÙNG VỚI NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHÍNH LÀ CHIẾC ĐŨA THẦN ĐỂ DÂN TỘC TA NẮM BẮT ĐƯỢC NHỮNG CƠ HỘI CỦA CUỘC CÁCH MẠNG NÀY ĐỂ BỨT PHÁ VƯƠN LÊN

GS. Nguyễn Đình Đức

Hoạt động khoa học công nghệ thời gian qua ở Việt Nam ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi. Sự ra đời của Luật Khoa học Công nghệ, của các chương trình Khoa học công nghệ lớn, các Quỹ phát triển Khoa học công nghệ, cũng như các chính sách hỗ trợ nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu mạnh và mới đây nhất là Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã nhấn mạnh đến tự chủ đại học, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, nhờ vậy, hoạt động khoa học công nghệ đã có những bước phát triển đột phá rất đáng tự hào. Ví dụ công bố quốc tế của Việt Nam từ năm 2020 đã tăng vượt bậc. Nếu năm 2011, Việt Nam chỉ có gần 1.600 công bố khoa học trên các tạp chí ISI thì sau 10 năm, đến năm 2020, con số này đã tăng gần 8 lần, đứng thứ 49 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Hoạt động khoa học công nghệ nước ta cũng hướng tới thực tiễn nhiều hơn. Trước kia, nhiều đề tài nghiên cứu làm xong cất ngăn kéo nhưng giờ yêu cầu phải gắn liền với thực tiễn. Chính vì thế, đã có nhiều đề tài giải quyết thành công những yêu cầu của thực tiễn và doanh nghiệp như một số kết quả trong lĩnh vực chuyển đổi số, truyền thông (5G), nông nghiệp, dược phẩm, công nghệ sinh học… hoặc như trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe – chúng ta cũng đã có những thành công tuyệt vời về ghép tạng. Những thành tựu đó cho thấy Việt Nam có những kết quả nghiên cứu không thua kém so với thế giới.

Các chính sách về quản lý khoa học công nghệ cũng ngày càng được đổi mới, giảm thủ tục hành chính, tăng tính tự chủ và khoán từng phần, từ đó ngày càng thúc đẩy hiệu quả các hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những đổi mới, xung quanh hoạt động khoa học công nghệ cũng còn những tồn tại hạn chế. Tỷ lệ % GDP đầu tư cho Khoa học công nghệ ở Việt Nam còn thấp. Việc triển khai các chủ trương của Đảng còn chậm và nhiều chính sách đã ban hành chưa đi vào cuộc sống, thậm chí còn chưa thống nhất và chồng chéo giữa các bộ ngành. Đầu tư cho nghiên cứu và triển khai còn nhỏ giọt, cầm chừng. Chưa chú trọng và chưa đầu tư đúng mức cho các nhóm nghiên cứu mạnh để phát triển thành các nhóm nghiên cứu quốc tế. Chính sách đãi ngộ, thu hút và đầu tư cho những nhà khoa học tài năng, nhất là hỗ trợ các nhà khoa học trẻ còn chưa thỏa đáng, chưa có những đột phá trong chính sách về Khoa học công nghệ.

Vì vậy, để khoa học công nghệ Việt Nam phát triển đột phá trong thời gian tới, để có thêm nhiều trường đại học, nhiều nhà khoa học Việt Nam được xếp hạng trong các bảng xếp hạng có uy tín và hội nhập mạnh mẽ với thế giới, chúng ta cần chú trọng tạo những thông thoáng trong cơ chế chính sách, đầu tư cho khoa học công nghệ thỏa đáng, dài hơi. Đặc biệt chú trọng đầu tư cho con người, cho các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn, đầu tư xây dựng và phát triển các hướng nghiên cứu mới tiên tiến, và đặc biệt là đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh – tế bào trong hoạt động nghiên cứu và triển khai.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức trình bày báo cáo mời tại phiên toàn thể tại Hội thảo quốc tế, Đại học Yonsei, Hàn Quốc (7/2017). Ảnh: NVCC

Nhóm nghiên cứu mạnh cũng chính là “tổ ấm” – là môi trường để thu hút các nhà khoa học đầu ngành và các nhân tài trong và ngoài nước đến làm việc. Nhóm nghiên cứu có vai trò cực kỳ quan trọng từ triển khai nghiên cứu đến đào tạo, chế thử, kết nối nhà khoa học với Nhà nước, doanh nghiệp và là cái nôi thúc đẩy sự ra đời của các phát minh, sáng chế và sản phẩm mới, và còn là môi trường để thúc đẩy khởi nghiệp.

Vì vậy, một trong những giải pháp để phát triển tiềm lực, nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, để khoa học công nghệ thực sự là “chiếc đũa thần” đưa Việt Nam sánh vai với các nước năm châu, là phải chú trọng phát triển số lượng và nâng cao chất lượng tiềm lực khoa học công nghệ – xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh phải được xem như một trong những giải pháp đòn bẩy đột phá.

NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH CHÍNH LÀ “TỔ ẤM” – LÀ MÔI TRƯỜNG ĐỂ THU HÚT CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐẦU NGÀNH VÀ CÁC NHÂN TÀI TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC ĐẾN LÀM VIỆC

GS. Nguyễn Đình Đức

_____
Phóng viên: Theo Giáo sư, các cán bộ nghiên cứu trẻ có những ưu điểm và hạn chế gì? Thầy kỳ vọng gì ở thế hệ những nhà khoa học trẻ nước ta hiện nay?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Các cán bộ trẻ khoa học trẻ ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi so với thế hệ chúng tôi rất nhiều: được đào tạo bài bản, rất nhiều bạn trẻ đã có thời gian học tập hoặc tu nghiệp, bồi dưỡng ở nước ngoài; có trình độ chuyên môn vững vàng, ngoại ngữ tốt; điều kiện học liệu, cơ sở vật chất tốt; khả năng hội nhập cao.

Các cán bộ trẻ ngày nay, trong đó có các nhà khoa học trẻ đều rất năng động, nắm bắt và thích ứng nhanh với những đổi mới và tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Mặt khác, sống trong nền kinh tế thị trường mở cửa nên cũng “thực tế” hơn.

Cái mà tôi mong muốn ở các bạn trẻ là sự kiên trì và bền bỉ. Làm khoa học thì không “ăn xổi” được, lại càng không thể chạy theo hư danh. Đã làm khoa học là phải dấn thân và đam mê, dám chấp nhận thiệt thòi, hy sinh.

Tôi tin là các bạn trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ luôn giữ được hoài bão và khát vọng cống hiến, khát vọng chấn hưng đất nước; rèn đức luyện tài, nghiêm túc và cần cù trong công việc; hội nhập với các chuẩn mực và trình độ quốc tế; nắm bắt được những cơ hội của thời đại, của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để sáng tạo, khởi nghiệp, xứng đáng là lực lượng chủ lực xây dựng và kiến thiết đất nước, làm rạng danh cho Tổ quốc.

LÀM KHOA HỌC THÌ KHÔNG “ĂN XỔI” ĐƯỢC, LẠI CÀNG KHÔNG THỂ CHẠY THEO HƯ DANH. ĐÃ LÀM KHOA HỌC LÀ PHẢI DẤN THÂN VÀ ĐAM MÊ, DÁM CHẤP NHẬN THIỆT THÒI, HY SINH

GS. Nguyễn Đình Đức

_____
Phóng viên: Với kinh nghiệm gần 40 năm học tập bền bỉ và nghiên cứu khoa học, đặc biệt với nhiều nghiên cứu quan trọng mang tính tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về vật liệu mới và cơ học, vậy Giáo sư có thể chia sẻ thêm về lĩnh vực này?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Trọng tâm nghiên cứu chuyên sâu và thế mạnh của tôi và nhóm nghiên cứu là các lĩnh vực liên quan đến vật liệu và kết cấu composite tiên tiến: như composite polyme nhiều pha; vật liệu carbon-carbon siêu bền nhiệt; vật liệu chức năng thông minh có cơ lý tính biến đổi (FGM), vật liệu nano; vật liệu mới làm tăng hệ số chuyển đổi năng lượng trong các tấm pin mặt trời; vật liệu composite áp điện có cơ lý tính biến đổi; vật liệu auxetic (có hệ số Poisson âm và có khả năng giảm chấn, hấp thu sóng nổ); các vật liệu composite có tính năng cơ lý cao sử dụng trong các điều kiện khắc nghiệt và các công trình đặc biệt; các vật liệu tiên tiến nhất như penta-graphene đáp ứng yêu cầu lưu trữ thông tin lớn của cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và machine learning trong tối ưu hóa vật liệu và kết cấu composite,…

Đây đều là các hướng nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, lại vừa có tính ứng dụng thực tiễn cao. Vừa hội nhập với cộng đồng khoa học quốc tế, lại vừa đáp ứng yêu cầu định hướng phục vụ thực tiễn ở Việt Nam.

Để có được những thành công như ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua muôn vàn khó khăn thử thách, thiếu thốn trăm bề; nhưng nhờ có lòng kiên trì, nghị lực bền bỉ, cũng như sự ủng hộ của nhà trường, đồng nghiệp, tôi đã vượt qua được những khó khăn thử thách, xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh, xây dựng được phòng thí nghiệm mới, khoa mới, ngành mới: là phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Khoa Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng Giao thông ở Trường Đại học Công nghệ, ngành Civil Engineering ở Trường Đại học Việt Nhật, Ngành Tự động hóa và Tin học ở Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi giang, thành tài. Trải qua 40 năm bền bỉ với nghề, tôi đã xây dựng được trường phái khoa học về vật liệu composite tiên tiến, có uy tín ở Đại học Quốc gia Hà Nội, được biết đến trong cộng đồng khoa học trong và ngoài nước.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cùng học trò xuất sắc của mình – Trần Quốc Quân trong lễ bảo vệ luận án tiến sĩ. Ảnh: NVCC

_____
Phóng viên: Là nhà giáo tận tâm và có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục đào tạo, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Giáo sư có điều gì trăn trở về nền giáo dục Việt Nam?

“NGHỀ DẠY HỌC LÀ NGHỀ CAO QUÝ NHẤT TRONG CÁC NGHỀ CAO QUÝ” SỐ PHẬN ĐÃ RUN RỦI TÔI TRỞ THÀNH NHÀ GIÁO VÀ TÔI CẢM THẤY VINH DỰ VÀ TỰ HÀO VÌ ĐIỀU ĐÓ

GS. Nguyễn Đình Đức

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Số phận đã run rủi tôi trở thành nhà giáo và tôi cảm thấy vinh dự và tự hào vì điều đó. Nhân ngày 20/11, tôi xin gửi lời biết ơn chân thành và tri ân tới các thầy cô giáo đã dạy dỗ chúng tôi nên người, và cũng xin kính chúc các thầy cô giáo – các đồng nghiệp của tôi – mạnh khỏe, hạnh phúc, và luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết trong sự nghiệp trồng người.

Điều mà tôi luôn trăn trở là giáo dục Việt Nam hãy thực hiện thật tốt việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Mọi hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học phải thực chất, hội nhập với trình độ, chất lượng và chuẩn mực quốc tế. Nhà giáo phải có tâm và tận tụy với học trò, khơi dậy được tiềm năng của các học trò, thắp sáng lên được năng lực tư duy và sáng tạo của mỗi học sinh để các em thành công và thành tài trong cuộc đời. Và tôi nghĩ đó cũng là những nội hàm giản dị, chân thực nhất của triết lý và mục tiêu giáo dục mà tôi hằng ấp ủ.

_____
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức là chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Vật liệu – Kết cấu tiên tiến và Composite. Giáo sư Đức đã công bố hơn 300 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có gần 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín, tác giả của 2 bằng phát minh sáng chế. Giáo sư Đức cũng vinh dự đại diện cho các nhà khoa học Việt Nam được mời tham gia hội đồng biên tập quốc tế của 10 tạp chí ISI có uy tín của thế giới.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã từng là giáo sư nghiên cứu và thỉnh giảng của các trường đại học danh tiếng của thế giới như: Moscow State University; Mechanical Engineering Research Institute of Russian Academy of sciences (LB Nga); Japan Advanced Institute of Sciences and Technology (JAIST – Nhật Bản); University of Birmingham (Vương quốc Anh), Sejong University (Hàn Quốc).

Liên tục 4 năm liền, năm 2019, 2020, 2021, 2022 Giáo sư Nguyễn Đình Đức được Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ xếp hạng trong top 10.000 nhà khoa học có chỉ số trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới và đứng thứ 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering năm 2022.

Ông cũng là một trong số ít những nhà khoa học Việt Nam đã được Tạp chí này vinh danh trong danh sách 100.000 nhà khoa học được xếp hạng có trích dẫn khoa học ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời.

Doãn Nhàn

03 nhà giáo của ĐHQGHN được công nhận nhà giáo tiêu biểu 40 năm ngành giáo dục

Ngày 11/11/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tặng Bằng khen cho 400 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trong số đó, ĐHQGHN có 03 nhà giáo vinh dự được nhận Bằng khen này. Đó là: GS.TS Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN và GS.TS Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN.

GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐHQGHN, được công nhận chức danh giáo sư khoa học trái đất năm 1996, nhà giáo ưu tú năm 2008; đã từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý trường đại học thành viên của ĐHQGHN từ năm 1996 và giữ chức Giám đốc ĐHQGHN từ tháng 10/2007; Bí thư Đảng ủy ĐHQGHN từ tháng 9/2011. GS.TS Mai Trọng Nhuận đã có nhiều đóng góp trong đề xuất các chủ trương đổi mới và giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động, thực hiện được mục tiêu phát triển ĐHQGHN từng bước đạt chuẩn quốc tế. Trong đó có đổi mới quản trị đại học theo sản phẩm đầu ra; xây dựng, phát triển ngành và chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế; kiểm định chất lượng theo chuẩn khu vực và quốc tế… Với những cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học cho đất nước nói chung và ĐHQGHN nói riêng, GS.TS Mai Trọng Nhuận đã được nhận: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (1998), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2002), Huân chương lao động hạng Ba (2005), Giải thưởng Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Cộng hòa Pháp (2007), Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (2009, 2012), nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp và các danh hiệu cao quý khác.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Vật liệu – Kết cấu tiên tiến và Composite. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã công bố hơn 300 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có gần 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín, tác giả của 2 bằng phát minh sáng chế. GS. Nguyễn Đình Đức là thành viên Hội đồng biên tập quốc tế của 10 tạp chí ISI có uy tín của thế giới. Ông từng là giáo sư nghiên cứu và thỉnh giảng của các trường đại học danh tiếng của thế giới như: Moscow State University; Mechanical Engineering Research Institute of Russian Academy of sciences (Liên bang Nga); Japan Advanced Institute of Sciences and Technology (JAIST – Nhật Bản); University of Birmingham (Vương quốc Anh), Sejong University (Hàn Quốc). Ông là người đề xuất và mở chuyên ngành Vật liệu và Kết cấu tiên tiến của Cơ kỹ thuật; sáng lập Khoa Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông, Trường ĐH Công nghệ); Xây dựng đề án và mở ngành Kỹ thuật hạ tầng, Trường ĐH Việt Nhật; Mở ngành Tự động hóa và Tin học, Trường Quốc tế, ĐHQGHN. Ông đã kiên trì và bền bỉ góp phần tích cực và hiệu quả để thúc đẩy lĩnh vực Engineering của ĐHQGHN được xếp hạng 386 trong bảng xếp hạng thế giới, đào tạo nhiều TS trẻ tài năng trong lĩnh vực này ở ĐHQGHN và cho các trường đại học khác trên cả nước. Liên tục 4 năm liền, năm 2019, 2020, 2021, 2022, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức được Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ xếp hạng trong top 10.000 nhà khoa học có chỉ số trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới và đứng thứ 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering năm 2022. Ông cũng là một trong số ít những nhà khoa học Việt Nam đã được Tạp chí này vinh danh trong danh sách 100.000 nhà khoa học được xếp hạng có trích dẫn khoa học ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời. Năm 2022, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước.

GS.TS Lê Ngọc Thành hiện là Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN. Ông tốt nghiệp đại học ngành Bác sĩ đa khoa Ngoại Sản năm 1984; Thạc sĩ, BS Nội trú năm 1987; Tiến sĩ năm 2001 tại Trường ĐH Y Hà Nội. Ông được trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì năm 2013, được công nhận chức danh Giáo sư Y học năm 2015, phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 2017. GS.TS Lê Ngọc Thành đã từng trải qua các chức vụ lãnh đạo, quản lý như: Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức; Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam; Ủy viên BCH Hội Phẫu thuật viên Tim mạch châu Á; Tổng biên tập Tạp chí Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ Sự sống – một trong các Hội đồng chuyên môn của ĐHQGHN, Giám đốc Bệnh viện E kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện… Vừa qua, GS.TS Lê Ngọc Thành đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì những đóng góp to lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Nhà khoa học được xếp hạng trong nhóm 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới

Kết quả này vừa công bố ngày 10/10/2022. Tác giả của công bố này vẫn là nhóm Metrics của giáo sư John P.A. Ioannidis và các cộng sự của Đại học Stanford của Hoa Kỳ nghiên cứu và công bố trên tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ. Theo đó, tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến tháng 1/9/2022 trong hơn 7 triệu nhà khoa học và lọc ra nhóm 100 nghìn người có ảnh hưởng nhất. Theo đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông; Trưởng PTN Vật liệu và Kết cấu tiên tiến của Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) là một trong hai nhà khoa học được xếp hạng trong nhóm 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới.

   Như những năm trước, nghiên cứu không có sự thay đổi trong công cụ đo lường và đánh giá khi nhóm nghiên cứu cập nhật cơ sở dữ liệu của hơn 100 nghìn nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất (từ nguồn dữ liệu của Scopus) và xếp hạng của họ dựa vào các tiêu chí quan trọng như: chỉ số ảnh hưởng trong giới khoa học (composite score); tổng số trích dẫn (không bao gồm các tự trích dẫn); chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index; số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất (single author); số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính (tên đầu tiên – first author và tác giả liên hệ – corresponding author), và tác giả cuối cùng – last author.

Các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành).

Theo bảng xếp hạng mới nhất vừa được cập nhật công bố ngày 10/10/2022, trong số các nhà khoa học Việt Nam cơ hữu đang công tác thường xuyên trong nước, có 2 nhà khoa học có mặt trong bảng xếp hạng trong nhóm 10 nghìn thế giới và 34 nhà khoa học trong nhóm 100 nghìn nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2022. 2 nhà khoa học xếp hạng cao trong nhóm 10 nghìn thế giới là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và PGS.TS Lê Hoàng Sơn, đều từ Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, PGS.TS Lê Hoàng Sơn xếp hạng 5817 và vị trí 222 trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, xếp hạng 7455 và vị trí 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering.

Như vậy GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và PGS Lê Hoàng Sơn có mặt trong nhóm 10 nghìn nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp từ 2019 đến nay.

Những kết quả đáng tự hào này một lần nữa tiếp tục khẳng định sự lớn mạnh và vị thế của các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế. Và cũng là thành quả của sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học và khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với trình độ và các hương nghiên cứu tiên tiến của thế giới.

Nguồn, dựa trên công bố “Updated science-wide author databases of standardized citation indicators” ngày 10.10. 2022 của John P.A. Ioannidis và các cộng sự: https://elsevier.digitalcommonsdata.com/datasets/btchxktzyw/4?fbclid=IwAR2y3zLZLRQXi3HI5drOXdS5LqHR0SUclUvTrIObd76IGXlLFT-Ka4oXqI0

Điểm thi đại học cận ngưỡng tuyệt đối: Hết sức nguy hiểm!

(Dân trí) – Với việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển vào ĐH khi đề thi cực dễ như 3 năm vừa qua là hết sức nguy hiểm và có thể để lại những hệ lụy lâu dài, nguy hiểm với giáo dục đại học Việt Nam.

Tôi đã cất công tìm, xem lại các dữ liệu lưu trữ, năm 2015, khi ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chỉ sử dụng duy nhất kết quả đánh giá năng lực để tuyển sinh (điểm tối đa 150), điểm trúng tuyển một số ngành hot như sau: Công nghệ thông tin: 103; Quan hệ công chúng: 89,5; Quốc tế học: 89; Đông phương học: 95 (chưa có Hàn Quốc học); Báo chí: 90…

Năm 2014, khi còn thi 3 chung (điểm tối đa 30), điểm trúng tuyển các ngành này như sau: Công nghệ thông tin (khối A): 22,  Khối C (C00): Quan hệ công chúng: 22; Quốc tế học: 20,5; Đông Phương học: 22; Báo chí: 22…

Chênh nhau nửa điểm trong kỳ thi 3 chung, đã là tự hào, đã là một trời một vực.

Năm nay, điểm trúng tuyển vào những ngành hot lại tiếp tục cận ngưỡng gần như tuyệt đối ngành Công nghệ thông tin ĐHQGHN là 29,15; Quốc tế học: 29,95; Quan hệ công chúng 29.95; Hàn Quốc học: 29,95; Báo chí: 29.5 với tổ hợp C00.

Mừng không: nói thẳng là không! Điểm cao mà vẫn nóng hết cả mặt !

Điểm thi đại học cận ngưỡng tuyệt đối: Hết sức nguy hiểm! - 1
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Với điểm thi tốt nghiệp THPT như vậy, nên từ năm ngoái cho đến năm nay, việc nhiều trường đại học, nhất là các đại học lớn, uy tín, chỉ sử dụng một tỷ lệ nhất định chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, và buộc đã phải sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tuyển sinh, trong đó có các kỳ thi riêng, đánh giá năng lực (ĐGNL) là để tuyển các thí sinh có chất lượng vào đại học – vì sự phát triển sống còn của chính trường đại học.

Với nhà trường, phải có thầy giỏi, trò giỏi!

Đã thế, đề thi tốt nghiệp THPT lại chạy theo dư luận. Năm ngoái tiếng Anh điểm cao, mưa điểm giỏi, khoảng 20% từ điểm 8 trở lên, xã hội kêu, thì năm nay lại thít lại hơn 10%; Năm 2018, tỷ lệ này dưới 5%.

Môn Sử, điểm thấp, dư luận xã hội lên tiếng, đại biểu quốc hội lên tiếng, tốn bao là giấy bút, thế là chỉ từ 5,44% thí sinh điểm 8 trở lên, năm nay tỷ lệ này 18,1% (chả trách điểm khối C00 cao ngất).

Cứ thất thường và thiếu bản lĩnh như thế, thật khó lường cho thí sinh.

Với việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển vào ĐH khi đề thi cực dễ như những năm 2020, 2021, 2022, lại cộng thêm việc coi thi, chấm thi ở các địa phương khác nhau, có thể rất khác nhau, thậm chí là có vấn đề (năm ngoái, trường THPT nội trú số 2 Nghệ An, 36 em đạt điểm tuyệt đối 30 điểm – một kết quá khó tin và gần 20 em này đã trúng tuyển vào ngành Hàn Quốc học của Xã hội Nhân văn – 8 em trong số đó đã nhập học) – là hết sức nguy hiểm và có thể để lại những hệ lụy lâu dài và nguy hiểm với giáo dục đại học Việt Nam.

Điểm thi đại học cận ngưỡng tuyệt đối: Hết sức nguy hiểm! - 2
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức.

Bộ GD&ĐT vô can?

Theo định hướng của Bộ GD&ĐT, việc tuyển sinh dùng kết quả THPT như hiện nay cơ bản ổn định, kéo dài đến 2025.

Cũng theo Luật giáo dục đại học mới sửa đổi, tuyển sinh ĐH là việc của các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo là vô can. Với cách diễn đạt này trong Luật, Bộ giũ bỏ được trách nhiệm và áp lực lên Bộ về kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng trên thực tế hiện nay lại không phải như vậy.

Cũng cần phải hiểu cho đúng thế nào là tuyển sinh, là việc của các trường, giao cho các trường? Mạnh trường nào tổ chức thi riêng cho trường ấy cũng không ổn.

Thí sinh muốn thử sức vào nhiều trường, lại phải trải qua nhiều kỳ thi riêng khác nhau. Hơn nữa rất dễ nảy sinh tiêu cực khi chuyển trường, chuyển ngành ở những ngành hot. Phải có mặt bằng năng lực chung để đảm bảo khách quan và công bằng.

Cho nên không phải ngẫu nhiên ở Mỹ đại học thì có kỳ thi SAT, ACT, sau đại học có kỳ thi GMAT, GRE.

Trên cơ sở kết quả điểm thi ĐGNL này, tùy từng trường mới lại có chính sách tuyển sinh riêng và việc tuyển sinh là việc riêng của các trường được thực hiện trong mối ràng buộc đó.

Cho nên hiểu một cách đơn giản tuyển sinh trường nào, trường nấy tự lo mà không có sự cầm cân nảy mực về chất lượng chung là thiếu thực tế và không khả thi ở Việt Nam.

Một lần nữa, vấn đề đổi mới tuyển sinh đại học lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Bộ GD&ĐT không thể đứng ngoài cuộc. Các cơ quan nhà nước, quốc hội không thể đứng ngoài cuộc.

Và xem ra, nếu không học thật, thi thật, nhân tài thật; không đổi mới một cách bài bản, căn cốt để tuyển đầu vào có chất lượng, thực chất; cứ nhắm mắt buông xuôi chạy theo số lượng (dễ dãi đầu vào, tăng quy mô – để đủ kinh phí trang trải cho tự chủ), giáo dục đại học Việt Nam sẽ còn nhiều truân chuyên.

10 nhà khoa học Việt vào bảng xếp hạng thế giới

10 nhà khoa học làm việc trong nước được website Research.com xếp hạng ở 6 lĩnh vực vì “thành tích xuất sắc trong công bố khoa học”.

Website Research.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới, tháng này công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học.

Research.com phân chia thành 24 lĩnh vực để xếp hạng. 10 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước, trong đó có 4 nhà khoa học làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội, được xếp hạng ở 6 lĩnh vực: Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Máy tính, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật liệu, Cơ khí và Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng.

Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ là GS.TS KH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và vật liệu composite. Ông đã công bố trên 300 công trình khoa học, trong đó có 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Trong ba năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 ông lọt vào top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới.

GS.TS KH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

GS.TS KH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Lĩnh vực Khoa học Môi trường có GS.TS Phạm Hùng Việt và PGS.TS Từ Bình Minh, đều từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Việt hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh. Ông có hơn 100 công trình, bài báo công bố, sở hữu nhiều bằng sáng chế.

PGS.TS Từ Bình Minh là nhà khoa học trong lĩnh vực hóa học. Chỉ trong hai năm 2019, 2020, nhóm nghiên cứu của ông đã công bố trên 20 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc dÔng mục ISI uy tín, nhiều tạp chí trong số đó thuộc TOP 5% theo lĩnh vực chuyên sâu. Hướng nghiên cứu chính của nhóm là tập trung vào xây dựng các phương pháp phân tích chính xác đạt đến lượng vết (trace), siêu vết (super trace level) các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và các hợp chất hữu cơ gây rối loại nội tiết (Endocrine disrupting chemicals) trên các thiết bị phân tích hiện đại.

Cơ khí và Kỹ thuật hàng không vũ trụ gồm bốn nhà khoa học Việt Nam: GS Nguyễn Xuân Hùng và PGS Phùng Văn Phúc (Đại học Công nghệ TP HCM); PGS Nguyễn Thời Trung và PGS Thái Hoàng Chiến (Đại học Tôn Đức Thắng). Bảng xếp hạng còn có một người nước ngoài nhưng lấy tên địa chỉ Đại học Tôn Đức Thắng.

Y học cộng đồng có PGS Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội. Trần Xuân Bách trở thành Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 năm 2016. Ông có hơn 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế được đánh giá cao về khoa học sức khỏe toàn cầu.

PGS Trần Xuân Bách. Ảnh: Đại học Johns Hopkins

PGS Trần Xuân Bách. Ảnh: Đại học Johns Hopkins

Khoa học Vật liệu là GS Nguyễn Văn Hiếu, Đại học Phenikaa. Ông từng được biết đến là giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2015 và nhận được giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016. Ông là tác giả, đồng tác giả của hàng trăm công trình khoa học trên tạp chí ISI/Scopus, trong đó nhiều bài báo quốc tế giá trị với lượt trích dẫn cao. GS Hiếu cũng là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đứng top đầu trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu thế giới.

GS Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: Đại học Phenikaa

GS Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: Đại học Phenikaa

Khoa học máy tính có PGS.TS Lê Hoàng Sơn, Đại học Quốc gia Hà Nội. PGS Sơn công bố hơn 180 công trình, bài báo trên các tạp chí nước ngoài trong dÔng mục ISI. Ông lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc nhất của thế giới trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021.

Ngoài ra, lĩnh vực Hóa học là GS Nguyễn Văn Tuấn (Phiiippe Derreumaux), Việt kiều Australia, mang tên Đại học Tôn Đức Thắng.

Vị trí một nhà khoa học trong bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên chỉ số D-index, chỉ số đánh giá trên cơ sở các bài báo khoa học và giá trị trích dẫn trong một lĩnh vực cụ thể. Với đợt xếp hạng lần này, Research.com đã xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa học có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới.

Trước đó, tháng 10/2021, tạp chí PLoS Biology (Mỹ) công bố kết quả xếp hạng 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021. Theo thứ tự bảng xếp hạng, GS.TS KH Nguyễn Đình Đức và PGS.TS Lê Hoàng Sơn là hai trong số 5 nhà khoa học Việt Nam vào nhóm 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, ngoài GS.TS KH Nguyễn Đình Đức của Đại học Quốc gia Hà Nội còn có ba người nước ngoài đứng tên Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Duy Tân.

Ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, ngoài GS.TS KH Nguyễn Đình Đức của Đại học Quốc gia Hà Nội còn có ba người nước ngoài đứng tên Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Duy Tân.

Bình Minh – Phương Uyên – Như Quỳnh

Những nhà khoa học nào của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng thế giới?

(Dân trí) – Trong tháng 8/2022, website Research.com đã công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học.

Về phương pháp xếp hạng của Research.com (Thu thập dữ liệu công bố và trích dẫn của các nhà khoa học và xếp hạng các nhà khoa học trong danh sách các nhà khoa học có công bố và trích dẫn hàng top đầu của thế giới trong các lĩnh vực), hệ thống đánh giá dựa trên chỉ số D-index của nhà khoa học – đây là chỉ số H-index và số bài báo theo lĩnh vực của các nhà khoa học trên hệ thống cơ sở dữ liệu của IEEE, ACL, Springer, AAAI, USENIX, Elsevier, ACM và LIPIcs. Trong đó, với đợt xếp hạng lần này,  website Research.com đã xem xét dữ liệu của 166,880 nhà khoa học có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới.

Research.com phân chia thành 24 lĩnh vực để xếp hạng, đó là: Animail Science and Veterinary; Biology and Biochemistry; Business and Maanagement; Chemistry; Computer Science; Earth Science; Ecology and Evolution; Economics and Finance; Electronics and Electrical Engineering; Engineering and Technology; Environmental Sciences; Genetics and Molecular Biology; Immunology; Law and Political Science; Mathematics; Mechanical and Aerospace Engineering; Medicine; Microbiology and Neuroscience.

Trong 24 lĩnh vực này, các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận có tên trong các lĩnh vực, cụ thể như sau:

Lĩnh vực Hóa Học, có 1 người, là GS Nguyễn Văn Tuấn (Phiiippe Derreumaux), là Việt Kiều Úc, mang tên trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, có 1 người Việt Nam, là GS Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong lĩnh vực này lấy địa chỉ Việt Nam còn có 3 người nước ngoài, trong đó 2 người lấy địa chỉ trường ĐH Tôn Đức Thắng, 1 người đứng tên trường ĐH Duy Tân.

Lĩnh vực Khoa học Môi trường, Việt Nam có 2 người, đều của ĐH Quốc Gia Hà Nội, là GS Phạm Hùng Việt và PGS Từ Bình Minh.

Lĩnh vực Khoa học Máy tính, có 1 người, là PGS Lê Hoàng Sơn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Lĩnh vực Khoa học Vật liệu, có GS Nguyễn Văn Hiếu của trường ĐH Phenikaa.

Lĩnh vực Cơ khí và Kỹ thuật hàng không vũ trụ: người Việt Nam có 4 người, trong đó trường ĐH Công nghệ HCM có 2 người là GS Nguyễn Xuân Hùng và PGS Phùng Văn Phúc; Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 2 người là PGS Nguyễn Thời Trung và PGS Thái Hoàng Chiến.

Ngoài ra còn có 1 người nước ngoài nhưng lấy tên địa chỉ trường ĐH Tôn Đức Thắng, Việt Nam cũng có tên trong bảng xếp hạng.

Có 2 người trong lĩnh vực y học cộng đồng là GS Hoàng Văn Minh, trường ĐH Y tế Công cộng và PGS Trần Xuân Bách, trường ĐH Y Hà Nội .

Như vậy, trên thực tế, theo bảng xếp hạng này, thực lực các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước chỉ có mặt trong 6 lĩnh vực là: Kỹ thuật Công nghệ, Khoa học Máy Tính, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật Liệu, Cơ khí và Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng, và chỉ có 11 người được có tên trong bảng xếp hạng theo các lĩnh vực.

Điều thú vị là các nhà khoa học Việt Nam được xếp hạng đều từ các trường đại học, đều là trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội dẫn đầu, có nhà khoa học được thế giới xếp hạng trong cả 3 lĩnh vực: Kỹ thuật Công nghệ, Khoa học Môi trường, Khoa học máy tính.

Những con số thống kê trên phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới.

Đồng thời cũng cho thấy khoa học công nghệ Việt Nam phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa. Phải đầu tư hơn nữa cho các nhà khoa học, cho các nhóm nghiên cứu mạnh, cho các trường đại học và cho các mũi nhọn trọng điểm, để khoa học công nghệ Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực và trình độ quốc tế, hội nhập mạnh mẽ hơn với khoa học của thế giới.

   (Nguồn: https://research.com)   

GS.TSKH NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC VÀ KỶ NIỆM VỀ GS.VS NGUYỄN VĂN ĐẠO

GS.VS Nguyễn Văn Đạo là giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN, Chủ tịch Hội Cơ học VN, Giải thưởng HCM về KHCN.

Nhân 85 năm ngày sinh của cố GS: 10/8/1937 – 10/8/2022.

Tháng 2/2005, từ Phó Ban Đào tạo, tôi được bổ nhiệm làm Phó Ban rồi Trưởng Ban KHCN của ĐHQGHN, và được may mắn làm việc trực tiếp với GS Nguyễn Văn Đạo từ ngày ấy.

Ngày đó, GS Nguyễn Văn Đạo đã thôi Giám đốc. Giám đốc đương kim là GS Đào Trọng Thi và GS Nguyễn Văn Đạo làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo của ĐHQGHN (tôi làm Thư ký Hội đồng); GS Nguyễn Văn Đạo cũng còn làm Giám đốc Quỹ NCCB trong KHTN (tiền thân của NAFOSTED ngày nay), và Ban KHCN giúp Chủ tịch Quỹ trong việc điều hành, xét duyệt kinh phí và tài trợ cho các đề tài, cho các nhà khoa học đi dự HN, Hội thảo ở trong và ngoài nước.

Những lần GS Nguyễn Văn Đạo chủ trì Hội đồng KHĐT, các GS đều tham gia đông đủ, sôi nổi và khi GS phát biểu cả hội nghị im phăng phắc.

Tôi đã đóng quyển kết luận 10 phiên họp Hội đồng KHĐT do GS Nguyễn Văn Đạo chủ trì và còn lưu trữ đến ngày nay.

Những chủ đề của các phiên họp hội đồng KHĐT ngày ấy như xếp hạng đại học; Tiêu chí ĐH nghiên cứu; đào tạo Tài năng, CLC; Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu trong trường đại học; phát triển liên kết đào tạo quốc tế; xây dựng tiêu chí phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn,…đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Là Chủ tịch Hội Cơ học VN, GS đã thành lập ở ĐHQGHN Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng Cơ học để đào tạo đội ngũ giảng viên ngành cơ cho cả nước, lúc đầu chỉ có 2 biên chế. Khi thành lập trường, năm 2004, Trung tâm này về ĐHCN và đã phát triển thành Khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa. Tôi làm Chủ nhiệm Bộ môn – Trưởng PTN Vật liệu và Kết cấu tiên tiến của Khoa này. Sau đó năm 2018, tôi đã thành lập tiếp Khoa Xây dựng Giao thông trên nền tảng Cơ học. Và nay Khoa Cơ kỹ thuật và Tự động hóa và Khoa XDGT đã trở thành 2 Khoa hùng mạnh của ĐHQGHN với quy mô đào tạo lên hàng nghìn sinh viên mỗi năm. Ngành Cơ học nhờ đó tiếp tục phát triển và lớn mạnh và đến ngày nay ngành Cơ kỹ thuật lọt top 500, ngành Engineering của ĐHQGHN lọt top 386 trong bảng xếp hạng QS của thế giới – hương hồn GS có thể tự hào về ngành mình và thế hệ kế cận.

Không chỉ là nhà lãnh đạo có tầm và tài năng của ĐHQGHN, GS Nguyễn Văn Đạo là trí thức lớn, tiêu biểu của cả nước. Tôi vinh dự tham gia BCH TW MTTQVN khóa 5 cùng GS Nguyễn Văn Đạo (1999-2004) khi đó GS là Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc với người Việt Nam ở NN, cuộc họp nào với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, GS cũng được BTC trân trọng bố trí ngồi ngay cạnh các nguyên thủ QG, trong khi các Bộ trưởng còn ngồi cách khá xa. Đủ thấy tâm , tầm vóc và ảnh hưởng của GS với nước nhà và vị thế của ĐHQGHN.

Còn nhớ, tôi khi đó là Bí thư chi bộ Ban KHCN và Tạp chí Khoa học, và GS Nguyễn Văn Đạo là đảng viên của chi bộ, nhưng lần sinh hoạt nào, GS cũng tham dự rất đầy đủ và gương mẫu. Lần cuối trước khi mất, là GS bay từ HCM ra HN để dự cuộc họp thường kỳ của chi bộ vào thứ 3 tuần sau, thì chiều tối thứ 7, GS bị tai nạn và qua đời (khi tôi đến nhà riêng thắp hương cho GS, Giấy mời họp chi bộ do tôi ký vẫn còn trên bàn làm việc của GS như kỷ vật những ngày làm việc cuối cùng của thầy). Đóng góp quan trọng nhất của GS với tư cách trí thức cho các văn kiện của Đảng những năm ấy, là, theo GS Nguyễn Văn Đạo – Đảng phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam (thêm chữ dân tộc Việt Nam, không chỉ tiên phong của mỗi giai cấp công nhân) – câu này sau đó đã được sửa đổi và đưa vào điều lệ.

Với tôi, lúc đầu chưa hiểu, GS rất khắt khe, nhưng càng làm việc lâu, càng gần gũi, GS càng hiểu tôi, càng thương càng quý. GS là người công tâm, thẳng thắn, yêu và mến mộ nhân tài – “yêu ai như lửa cháy, ghét ai như bão giông”. Là Chủ tịch HĐ KH ĐT của ĐHQGHN và cũng là Chủ tịch Hội Cơ học VN – với tôi GS còn là đồng nghiệp. Đi công tác nước ngoài ở đâu về GS cũng chuyển cho tôi tài liệu để tôi lĩnh hội và lưu giữ – như muốn gửi gắm niềm tin và hy vọng. Chính GS là người ngay tại giữa Đại hội Đảng bộ 2005 đã đề xuất và giới thiệu tôi tham gia Đảng ủy ĐHQGHN (ngày đó Ban KHCN không có cơ cấu Đảng ủy; tất nhiên tôi đã cảm ơn và từ chối, nhưng tôi rất biết ơn GS vì điều đó).

Được gần gũi và làm việc gần GS Nguyễn Văn Đạo là một vinh dự và may mắn lớn với tôi. Tôi cũng may mắn là người duy nhất còn ở nhà điều hành VNU và làm việc đến nay với đủ 6 đời Giám đốc – cả một kho tư liệu sống về ĐHQGHN.

GS Nguyễn Văn Đạo luôn nói với chúng tôi, ĐHQGHN có tầm vóc xứng đáng hay không, là nhờ ở đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành. Theo GS kể lại, ngày mới thành lập ĐHQGHN không phải ai cũng hiểu và ủng hộ, trong đó có nguyên CTN TĐL chưa hiểu và chưa ủng hộ mô hình ĐHQG, nhưng GS Nguyễn Văn Đạo đã dẫn một đoàn 5 GS nổi tiếng như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng,…đến thẳng nhà riêng gặp CTN, và sau gần 3 giờ đàm đạo, CTN đã được thuyết phục. Ngày ĐHQGHN có dấu Quốc huy, GS và mọi người cầm dấu trên tay cảm động rưng rưng – dấu rơi xuống nền gạch, nên con dấu đồng đầu tiên của ĐHQGHN hơi méo chút là vì lẽ đó.

Về con người, GS Nguyễn Văn Đạo cũng là người nóng tính, rất yêu dân ca quan họ, yêu thế hệ trẻ và làm việc không biết mệt mỏi, tâm huyết với ĐHQGHN, với ngành Cơ học VN và đầy hoài bão. Còn nhớ năm 2005, tháp tùng GS đi Hàn Quốc, trên đường từ sân bay về , GS đã đến thẳng Bộ KHCN để bàn bạc về việc nghiên cứu chế tạo sản xuất máy bay tại VN.

Năm 2008, ĐHQGHN có tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 1 năm ngày mất của GS ở Hội trường Lê Văn Thiêm, 19 Lê Thánh Tông HN, tôi có vinh dự được chỉ định làm Trưởng Ban Tổ chức của Hội thảo này.

Nhân 85 năm ngày sinh GS Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN, Chủ tịch đầu tiên Hội Cơ học Việt Nam, xin viết lên đây mấy dòng này như một nén tâm hương tưởng nhớ đến Thầy – thế hệ trí thức vàng của Việt Nam.

Trong ảnh: Tôi và anh Hoàng Dũng (khi đó là Trưởng ban KHCN VNU HCM, chị Hà – nay là Vụ phó vụ KHTN-XH của Bộ KHCN) trong chuyến tháp tùng GS Nguyễn Văn Đạo sang Hàn Quốc năm 2005. Trong đó có ảnh GS Nguyễn Văn Đạo đang đàm đạo với President viện KIST và ảnh GS Nguyễn Văn Đạo đang đàm đạo với Mr. Kim, President Quỹ Nghiên cứu Phát triển của Hàn Quốc thời ấy).

Mới đó, mà đã 17 năm !

Nguyễn Đình Đức

GS Nguyễn Đình Đức: Những thách thức và bất cập trong tự chủ đại học

(Dân trí) – Cần sử dụng phương pháp đối sánh trong đánh giá chất lượng giáo dục đại học. Không thể xem giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục như phương pháp duy nhất đánh giá chất lượng giáo dục đại học.

Đó là khẳng định của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội khi nói về tự chủ đại học.

Sáng nay 4/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc và xác định những nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm trong thời gian tới.

Để hiểu rõ hơn về tự chủ đại học, Dân trí xin giới thiệu bài viết của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

Tự chủ đại học: Các trường quanh năm phục vụ việc khám sức khỏe - 1
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội.

Tự chủ đại học là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, để hiểu và vận dụng tự chủ đại học như thế nào để áp dụng khả thi cho các trường đại học ở Việt Nam hiện nay là vấn đề rất lớn và hệ trọng, không chỉ liên quan trực tiếp đến các trường đại học, đến hệ thống giáo dục đại học mà còn trực tiếp liên quan đến đội ngũ trí thức tinh hoa, đến giáo dục đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo – những lĩnh vực then chốt nhất và là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển.

Các trường đại học được cởi trói?

Không thể phủ nhận những thành tựu đổi mới của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018. Xuyên suốt Luật này, theo tôi có 3 điểm mới quan trọng nhất là: Tự chủ đại học; Kiểm định chất lượng giáo dục đại học và Khuyến khích nâng cấp các trường đại học thành đại học.

Về tự chủ đại học: Cảm giác đầu tiên là các trường đại học được cởi trói (nếu đáp ứng đủ các điều kiện tự chủ), được tự quyết nhiều hơn. Thành quả của chính sách này là các trường đại học phát huy và thu hút được tối đa các nguồn lực, có sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh, công bằng hơn giữa các trường công và tư.

Trước đây, các trường công lập dàn hàng ngang mà tiến, thì nay, tự chủ đại học đã giúp quá trình “chọn lọc tự nhiên” giữa các trường được diễn ra công bằng hơn. Trước đây chỉ có các trường lớn, công lập được nhắc đến và xếp hạng, nay các trường dân lập cũng đã có tên tuổi,….Đây là một điểm tích cực rất đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, ngay cả văn bản Luật và việc triển khai thực hiện Luật cũng đã bộc lộ nhiều nghịch lý, hạn chế, bất cập.

Về hội đồng trường: Việc thành lập hội đồng trường trong các đại học công lập, bên cạnh BGH và Đảng ủy, với các chức năng được quy định trong Luật, tưởng là rất lớn, nhưng lại rất hình thức. Thậm chí một số trường đã bắt đầu có sự mẫu thuẫn giữa Chủ tịch Hội đồng và Hiệu trưởng, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ.

Với các đại học, Điều 15 khoản 2 quy định các trường thành viên thực hiện tự chủ ở mức độ và trong mối quan hệ được quy định trong Quy chế tổ chức hoạt động của đại học. Như vậy, để tạo nên sức mạnh của đại học, chỉ cần hội đồng đại học là đủ.

Nhưng Luật lại quy định ở điều khoản khác, là tất cả các trường đại học thành viên đều phải thành lập hội đồng trường, thế là xảy ra 2 trường hợp – hoặc là hội đồng các trường thành viên chỉ là hình thức, hoặc hội đồng trường thành viên sẽ thực hiện đầy đủ quyền được Luật cho phép – và có thể có những quyết sách khác với chủ trương của đại học.

Như vậy, với tư duy logic và sự biện chứng, thì Luật này sẽ kéo theo hiện tượng tất cả các mũi tên đều quy về một hướng để tạo nên một hợp lực lớn ngày càng ít xảy ra. Thậm chí trường thành viên tự chủ có quyền quyết lớn hơn, mạnh hơn cả quyền của đại học.

Vì vậy Luật này thực chất lại đang làm suy yếu mô hình đại học 2 cấp – hệ thống đại học, nhất là 2 ĐH Quốc gia.

Vì vậy, cần xem lại, sửa lại cho rõ ràng và cụ thể hơn, thực tế hơn quy định về việc thành lập hội đồng trường của các đại học công lập trong Luật, cũng như quy định về tự chủ của các trường đại học trong hệ thống đại học.

Với 2 ĐH Quốc gia (ĐHQG): Vì theo Luật, trước hết cũng là đại học, nên không nằm ngoài xu hướng trên trong quá trình tự chủ theo quy định của Luật như hiện nay. Hơn nữa, Điều 8 của Luật quy định Đại học quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy, và hoạt động theo chức năng và quyền hạn do Chính phủ quy định.

Nhưng trên thực tế, có 2 quyền lớn nhất là Tổ chức cán bộ và Đào tạo thì không khác gì các trường đại học khác. Nhẽ ra với truyền thống, đội ngũ CSVC và con người hùng hậu và theo Luật, về mặt học thuật, ĐHQG phải được ban hành Quy chế riêng, có sự khác biệt với Quy chế của Bộ. Nhưng Bộ lại ban hành Quy chế áp cho tất cả các trường, trong đó các trường và ĐHQG phải thực hiện chỉ có cao hơn, không có sự khác biệt.

Như vậy thì trong trường hợp này, quyền của Bộ vô hình chung đã vô hiệu hóa quyền tự chủ cao về học thuật của ĐHQG.

Nói nôm na là “Thủ kho to hơn Thủ trưởng”- quyền của Bộ trưởng đã cao hơn quyền của Luật và Chính phủ cho phép 2 ĐHQG có quyền tự chủ cao.

Tưởng như nắn nót, nhưng vô hình chung đã vô hiệu hóa sự sáng tạo và tiên phong, dẫn dắt của ĐHQG trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam – điều mà Bộ Chính trị khi thành lập 2 ĐHQG đã kỳ vọng.

Do đó Điều 8 về ĐHQG cần được vi phân ra cụ thể và chi tiết hơn nữa tự chủ của 2 ĐHQG trong Luật, để tránh tình trạng chỉ oai trên giấy tờ mà không triển khai được hiểu quả trên thực tế. Luật cho phép nhưng không cụ thể và vì vậy, vẫn bị trói bởi các văn bản dưới Luật.

Quanh năm suốt tháng phục vụ việc “khám sức khỏe”

Về Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Đây là chủ trương đúng đắn. Nhưng không đúng ở chỗ trong quá trình triển khai quy định trong Nghị định 99 hướng dẫn thực hiện Luật và Nghị định 81 về học phí, xem việc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục (được xem như “Giấy khám chứng nhận sức khỏe”) là phương pháp duy nhất để đánh giá chất lượng giáo dục đại học, lấy đó làm tiêu chí để xác định được tự chủ, từ đó để được nâng học phí cao theo định mức kinh tế kỹ thuật là không hoàn toàn chính xác và không đầy đủ, và đang bị lạm dụng.

Do hiểu và quy định như vậy, nên các trường đua nhau kiểm định chương trình đào tạo, thành phong trào và có tính đối phó từ các trường. Các trung tâm kiểm định làm việc ngày đêm hết công suất cũng không đủ phục vụ.

Các trường cũng buông, thôi thì tổ chức kiểm định nào cũng được, miễn là mau mau có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng (KĐCL) để còn được thu học phí cao.

Và có một bất cập là: một trường nhỏ, mới, có ít chương trình đào tạo thì dễ đạt kiểm định xong 100% và xem như đủ sức khỏe, có thể được tự chủ. Trong khi các đại học lớn, như ĐHQGHN có đến 500 chương trình đào tạo các bậc ĐH, ThS, TS (riêng ĐH đã là 143 chương trình), mà mỗi năm tối đa cũng chỉ kiểm định được 15-20 chương trình, và sau đó vòng lặp cứ 5 năm phải kiểm định lại.

Như vậy quanh năm suốt tháng sẽ phục vụ việc “khám sức khỏe”, và khó mà khả thi khi trong 5 năm kiểm định hết tất cả từng ấy các chương trình.

Và sẽ xảy ra xu hướng sẽ ít mở ngành mới, nhóm lại các chuyên ngành, các ngành đã có, để giảm đi số lượng chương trình, từ đó mong sao kiểm định cho hết lượt các chương trình đào tạo.

Trong khi các trường nhỏ, mới, ít chương trình, được kiểm định hết mặc nhiên xem như đủ sức khỏe, đủ điều kiện tự chủ thì các trường lớn như 2 ĐHQG và các đại học được xếp hạng hàng đầu VN trong các bảng xếp hạng quốc tế , các trường đại học nghiên cứu (theo định nghĩa trong NĐ 99 ĐH nghiên cứu phải có 20% GS, PGS và tối thiểu 100 bài ISI/năm) thì lại không có chút lợi thế nào. Đây là chính sách bất cập và không khả thi trong điều kiện VN hiện nay.

Cần sử dụng phương pháp đối sánh trong đánh giá chất lượng giáo dục đại học. Nên có sự xem xét và điều chỉnh lại cho hợp lý. Không thể xem giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục như phương pháp duy nhất đánh giá chất lượng giáo dục đại học. Trong khi các chương trình đạt yêu cầu khi kiểm định chất lượng hiện nay có tỷ lệ cao như tỷ lệ đạt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đòn “chí mạng” vào mô hình đại học 2 cấp

Nguy hiểm hơn, Tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay được nhiều người hiểu là tự quyết, tự hạch toán thu-chi, nên càng nhiều trường tự chủ thì nhà nước càng giảm được đáng kể nguồn ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động của các trường đại học. Đương nhiên học phí các chương trình đào tạo cũng tăng lên đáng kể.

Thu nhập của cán bộ khoa học, cán bộ giảng dạy trong nhiều trường tự chủ nhờ đó mà đã được cải thiện và tăng lên mạnh. Thật nghịch lý là lương tiến sĩ ở trường tự chủ, có thể cao gấp 2-3 lần lương giáo sư hàng đầu ở một đại học công lập.

Về khuyến khích nâng cấp các trường đại học thành đại học: Xin miễn phân tích, chỉ có 1 đề nghị là nên bỏ đi câu này trong Luật giáo dục đại học sửa đổi. Vì theo Luật hiện tại thì là trường đại học tự chủ sướng hơn, nhiều quyền hơn là lên đại học.

Tự chủ của Luật 2018 đã giáng 1 đòn chí mạng vào mô hình đại học 2 cấp – hệ thống các đại học.

Nhiều điểm chồng chéo và chưa phù hợp

Như điều 8 của Luật được hiểu là có quyền tự chủ cao, Giám đốc 2 ĐHQG thực hiện quyền hạn của Chính phủ cho phép, được mở tất cả các ngành, kể cả các ngành khối sức khỏe, sư phạm, thì nay Luật mới điều 3 lại quy định những ngành này thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD &ĐT – thế là “tay này thì mở, tay kia thì trói”.

Hoặc như quy định phải mở chương trình đại học 2 khóa ra trường, kiểm định xong mới được mở chương trình thạc sỹ. Thạc sỹ ra trường lại kiểm định xong mới mở chương trình TS là những người làm luật và quy định không có thực tế. Ví dụ ĐH Việt Nhật khi ra đời mở trước 6 chương trình thạc sỹ, 5 năm sau mới mở chương trình đại học. Nhiều ngành khác cũng đào tạo thạc sỹ trước khi đào tạo cử nhân, nhất là trong các trường đại học nghiên cứu.

Lại nhất định phải nói một chút về tuyển sinh: Luật mới quy định việc tuyển sinh là các trường tự chủ – việc của các trường đại học. Với cách diễn đạt này trong Luật, Bộ giũ bỏ được trách nhiệm và áp lực lên Bộ về kỳ thi tuyển sinh đại học.

Nhưng trên thực tế lại không phải như vậy. Để giảm tốn kém các trường đại học vẫn phải sử dụng kết quả thi THPT như một phương thức để tuyển sinh (và Bộ vẫn cầm trịch trong kỳ thi này). Dẫn đến chất lượng tuyển sinh đầu vào đại học có vấn đề như những năm vừa qua và chưa hình dung hết được hệ lụy kéo theo những năm sau về chất lượng đào tạo đại học.

Và để nâng cao chất lượng vì sự phát triển và tồn tại của chính mình (trường ĐH cần phải có thầy giỏi và cả trò giỏi) nên năm nay nhiều trường đã có kỳ thi riêng, lại dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở.

Một thí sinh muốn apply vào nhiều trường, lại phải thi nhiều lần. Hơn nữa lại không có mặt bằng thang đánh giá chung khi tuyển sinh đầu vào, nên trong quá trình đào tạo dễ nảy sinh tiêu cực khi chuyển trường, chuyển ngành ở những ngành hot.

Chỉ với mấy điểm trên, thấy rằng Luật Giáo dục đại học đã sửa, đã có tiến bộ, nhưng phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện. Và đương nhiên, Nghị định 99 và NĐ 81, cũng nên có sự điều chỉnh theo.

Cần lắm tư duy đổi mới và hội nhập, hiểu giáo dục đại học, hiểu thực tế, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Giáo dục VN, trong đó có giáo dục đại học xem ra vẫn còn nhiều việc phải làm – cần học thật, thi thật, nhân tài thật – Cần thực chất về chất lượng và trình độ để chấn hưng đất nước, sánh vai với các nước năm châu.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 30/6/2022, trong cả hệ thống có 288 cơ sở giáo dục (cơ sở GDĐH và trường cao đẳng sư phạm) hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó, 266 cơ sở giáo dục hoàn thành chu kỳ 1 và 22 cơ sở giáo dục hoàn thành chu kỳ 2); 183 cơ sở giáo dục được các tổ chức KĐCLGD trong nước đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (172 cơ sở GDĐH và 11 trường CĐSP);

778 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận chất lượng, trong đó 470 chương trình được công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và 308 chương trình được công nhận theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Cả hệ thống có 07 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES) và ASEAN University Network – Quality Assurance (AUN-QA) 38; đồng thời, có 232 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi tổ chức kiểm định nước ngoài.