GS Nguyễn Đình Đức: Các chương trình đào tạo thí điểm – “đặc sản” trong đào tạo của ĐHQGHN

18.4.2014. Kể từ ngày thành lập đến nay, ĐHQGHN đã mở 25 ngành, chuyên ngành đào tạo thí điểm, trong đó có 4 chương trình đại học, 18 chương trình thạc sĩ và 3 chương trình tiến sĩ.  Ngày 18.4, ĐHQGHN đã tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá các chương trình đào tạo thí điểm. Nhân dịp này, phóng viên Website của ĐHQGHN đã trao đổi, phỏng vấn nhanh GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo của ĐHQGHN xung quanh chủ đề về các chương trình thí điểm và hoạt động đào tạo của ĐHQGHN.

Ảnh từ trái sang: GS. Ngô Bảo Châu, Phó Giám đốc ĐHQGHN  GS. Nguyễn Hữu Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Nguyễn Đình Đức tại ĐHQGHN (tháng 12/2013)

PV: Thưa GS, tại hội nghị tổng kết các chương trình đào tạo thí điểm, nhiều đại biểu đã đánh giá các chương trình đào tạo thí điểm như những “đặc sản” trong đào tạo của ĐHQGHN. GS đánh giá thế nào về nhận định này?

Các chương trình đào tạo thí điểm là các chương trình đào tạo chưa có trong danh mục đào tạo của Nhà nước. Theo Nghị định và Quy chế tổ chức hoạt động của ĐHQG, giám đốc 2 đại học quốc gia  được quyền mở ngành (bậc đào tạo đại học) và chuyên ngành (bậc đào tạo sau đại học) thí điểm. Hiện nay giám đốc các đại học vùng và hiệu trưởng một số đại học trọng điểm cũng đã được Bộ giáo dục và đào tạo cho phép quyết định mở các chuyên ngành thí điểm ở bậc sau đại học.

Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Tại hội nghị tổng kết, các số liệu cho thấy các chương trình thí điểm đều đã góp phần đáp ứng kịp thời, hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước. Có thể lấy ví dụ ngay từ năm 2006, ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trong cả nước đã mở ngành đào tạo thạc sỹ đo lường và đánh giá trong giáo dục và sau đó là chương trình tiến sỹ của chuyên ngành này. Đến nay, hầu hết cán bộ trong những lứa đầu tiên của ngành và địa phương trên toàn quốc liên quan đến khảo thí, đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đều được đào tạo từ những chương trình này. Hoặc như chương trình Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên của ĐH Giáo dục, chương trình thạc sỹ du lịch học của ĐH Xã hội và Nhân văn,… đều được xây dựng trên cơ sở nhu cầu lớn về nguồn nhân lực của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.Từ năm 1993 đến nay, ĐHQGHN đã mở đào tạo 25 ngành, chuyên ngành đào tạo thí điểm, trong đó có 4 chương trình đại học, 18 chương trình thạc sỹ và 3 chương trình tiến sỹ. Trong số đó có 3 chương trình bậc đại học (Hóa dược, Kinh tế phát triển, Luật kinh doanh), 2 chương trình thạc sỹ (Ngôn ngữ Nhật bản, Đo lường và đánh giá trong giáo dục) và 1 chương trình tiến sỹ (Đo lường và đánh giá trong giáo dục) đã được đưa bổ dung vào danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo của Nhà nước.

Hai là chất lượng của các chương trình đào tạo thí điểm được xã hội khẳng định. Ví dụ như chương trình thạc sĩ và tiến sĩ Vật liệu và linh kiện nano: các học viên, NCS trong quá trình đào tạo đều có công trình công bố tại các hội nghị khoa học chuyên ngành, các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc gia và quốc tế. Trung bình khoảng 1.5 công bố/học viên (bậc thạc sỹ). Số bài báo khoa học công bố trước khi bảo vệ luận án của NCS đạt từ 6 bài trở lên, đặc biệt, trong đó mỗi NCS đều có ít nhất 2 bài được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc hệ thống tạp chí ISI. Kết quả như vậy có thể khẳng định chất lượng của các tiến sỹ được đào tạo không hề thua kém chất lượng đào tạo tại những nước tiên tiến.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN

Những ví dụ đó cho thấy tính đặc sắc, độc đáo và chất lượng của các chương trình đào tạo thí điểm của ĐHQGHN. Những chương trình thí điểm khác như cử nhân Kế toán, phân tích và kiểm toán, thạc sỹ về pháp luật về quyền con người, thạc sỹ khoa học quản lý, thạc sỹ biến đổi khí hậu, thạc sỹ môi trường và phát triển bền vững,…đều là những ngành “hay”, có sức thu hút và nhu cầu xã hội cao. Chính vì vậy, nhận định các chương trình đào tạo thí điểm như những “đặc sản” trong đào tạo của ĐHQGHN là có cơ sở. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh là các chương trình đào tạo thí điểm chỉ là một trong những “đặc sản”, vì bên cạnh đó, ĐHQGHN còn có những  “đặc sản” khác trong đào tạo như hệ cử nhân khoa học tài năng, các chương trình nhiệm vụ chiến lược, hệ trung học phổ thông chuyên với truyền thống vẻ vang và mới đây là bằng kép. Trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực và có tính liên thông cao, thì bằng kép (trong vòng tối đa 6 năm, người học có thể học song song 2 chương trình để nhận được 2 bằng đại học chính quy nếu đáp ứng các điều kiện theo Quy chế) cũng là một cơ hội tốt cho người học. Hoặc những mô hình đào tạo mới như mô hình 3+1 (cử nhân của ĐH giáo dục), 3+2 (Khoa Y-Dược) cũng là những sáng tạo và thành công, những “đặc sản” trong đào tạo của ĐHQGHN.

PV: Thưa GS, để ĐHQGHN mở và triển khai thành công các chương trình đào tạo thí điểm, phải đáp ứng những điều kiện gì?

Trước hết, nhân tố quan trọng và căn bản nhất là ĐHQGHN phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến. Nghiên cứu khoa học luôn gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Đào tạo thông qua nghiên cứu và nghiên cứu khoa học để tiếp cận đỉnh cao của trí thức, từ đó quay trở lại đào tạo với chất lượng cao, trình độ cao. Khi nghiên cứu đã đủ mạnh, đủ tích lũy về nhân lực, về kết quả nghiên cứu, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác, mới có điều kiện đầy đủ để xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo mới có chất lượng. Vì vậy, các chương trình thí điểm vừa là thành quả, vừa là nhu cầu tất yếu trong quá trình vận động, phát triển và hội nhập của một đại học nghiên cứu.

Các trường đại học nghiên cứu cũng thường là nơi nảy sinh các tư tưởng, hệ tiên đề, từ đó thiết lập nên những nền móng căn bản của các ngành, chuyên ngành, trường phái khoa học. Chính vì vậy, các đại học nghiên cứu tiên tiến có vai trò nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học của mỗi quốc gia và tiên phong trong việc định hướng mở các chương trình đào tạo mới, hiện đại.

Hai là ĐHQGHN có thuận lợi là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có tính liên thông cao, có đầy đủ các ngành và lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, xã hội nhân văn, kinh tế, luật và ngoại ngữ trong ĐHQGHN. Không có sự thuận lợi này, ĐHQGHN khó có điều kiện triển khai nhiều chương trình thí điểm. Chẳng hạn như tham gia giảng dạy và đào tạo cho học viên trong chương trình biến đổi khí hậu có các chuyên gia về địa lý tự nhiên, địa chất của Đại học Khoa học Tự nhiên, về môi trường và đa dạng sinh học của Trung tâm nghiên cứu về Tài nguyên và Môi trường, về luật của các chuyên gia đến từ Khoa Luật, về khu vực học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,…

Sinh viên đang tra cứu tài liệu tại thư viện ĐHQGHN

Và tất nhiên, phải đáp ứng đầy đủ các quy định về mở ngành, chuyên ngành mới theo quy định của Bộ giáo dục Đào tạo và của ĐHQGHN, các điều kiện đảm chất lượng như số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cơ hữu, cơ sở vật chất, học liệu, các định hướng, đề tài nghiên cứu có thể hướng dẫn luận văn luận án,…

Bên cạnh đó, sứ mệnh của ĐHQGHN là tiên phong đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, vì vậy đứng trước nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ nghiên cứu, phục vụ quản lý và góp phần phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng và hội nhập, ĐHQGHN huy động tối đa lực lượng các nhà khoa học, chủ động nghiên cứu đề xuất những chương trình đào tạo mới, hiện đại. Những chương trình như Vật liệu và linh kiện nano, Khoa học quản lý, Biến đổi khí hậu, Quản trị An ninh phi truyền thống… là những chương trình như vậy.

PV: Thưa GS, GS đánh giá thế nào về triển vọng mở các ngành, chuyên ngành thí điểm của ĐHQGHN trong thời gian tới?

Một số ngành, chuyên ngành đào tạo thí điểm đã có kết quả và chất lượng đào tạo tốt, ổn định, ĐHQGHN đã có văn bản đề nghị và chắc chắn Bộ giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét đưa một số ngành, chuyên ngành thí điểm của ĐHQGHN vào danh mục đào tạo của Nhà nước, và ĐHQGHN hoàn thành sứ mệnh tiên phong của mình trong việc mở những ngành, chuyên ngành mới này.

Việc mở các ngành, chuyên ngành mới thí điểm vừa là sứ mệnh, vừa là nhu cầu tất yếu của những đại học nghiên cứu tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực như ĐHQGHN trong quá trình phát triển không ngừng và hội nhập. Mới đây, ĐHQGHN đã công bố quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo đến 2020. Theo đó đến năm 2020 danh mục các ngành , chuyên ngành đào tạo thí điểm của ĐHQGHN sẽ có thêm 9 ngành đào tạo đại học, 32 chuyên ngành thạc sỹ và 16 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ.

PV: Thưa GS, trong thời gian vừa qua ĐHQGHN đã triển khai những giải pháp cụ thể gì để không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo thí điểm nói riêng và chất lượng đào tạo nói chung?

Theo quy định, sau 2 khóa đào tạo thí điểm, các chương trình thí điểm đều phải tổ chức tổng kết đánh giá kết quả đã đạt được, rút ra những bài học và kinh nghiệm, hoàn thiện chương trình, rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng. Lần này là lần ĐHQGHN tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá tổng thể, toàn diện các chương trình thí điểm cấp ĐHQGHN.

ĐHQGHN là đại học nghiên cứu, nên muốn nâng cao chất lượng đào tạo, trước hết phải nâng cao chất lượng của đội ngũ. Hiện nay 45% đội ngũ giảng viên đã có trình độ tiến sỹ, 23% có học hàm GS, PGS. Nhiều đơn vị như trường ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Công nghệ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ đã trên 70%. ĐHQGHN đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, rà soát, đánh giá và phân loại cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và quản lý thông qua các tiêu chí, trên cơ sở đó quy hoạch và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

Sinh viên của ĐHQGHN

Năm 2012-2013, ĐHQGHN đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, chuyển đổi toàn bộ trên 300 chương trình đào tạo đại học, sau đại theo chuẩn đầu ra. Và tiếp theo đã chỉ đạo các đơn vị đang triển khai xây dựng chuẩn đầu ra của các môn học trong chương trình đào tạo (với số lượng chương trình đào tạo như vậy, số lượng các môn học lên đến hàng vài nghìn, một khối lượng công việc không nhỏ). Công việc này cũng sẽ được hoàn tất trước tháng 8.2014.

Muốn hội nhập phải kiểm định chất lượng. Hầu hết các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN đều đã được kiểm định và đánh giá chất lượng theo tiêu chí kiểm định của ĐHQGHN và thực hiện các quy định về kiểm định chất lượng của Bộ giáo dục và Đào tạo. Giám đốc ĐHQGHN cũng đã phê duyệt Kế hoạch kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo của ĐHQGHN, theo đó, ĐHQGHN đang từng bước kiểm định các chương trình đào tạo. Với các chương trình tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược đã và đang tiến hành kiểm định theo chuẩn AUN (kiểm định khu vực châu Á).

Cũng từ năm 2013 đến nay, Giám đốc ĐHQGHN đã phê duyệt đề án tăng cường kỷ cương, giám sát trong hoạt động đào tạo, tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các khâu từ tuyển sinh, quản lý tổ chức đào tạo cho đến cấp bằng, qua đó kịp thời phát hiện những thiếu sót trong thực hiện và trong các văn bản hướng dẫn, quy định, để kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành trong đào tạo. Trong 2013, ĐHQGHN ban hành các hướng dẫn về giảng dạy các môn học ngoại ngữ bậc sau đại học, sửa đổi quy định về đào tạo nhiệm vụ chiến lược (chuẩn quốc tế) và ban hành mới quy định về các hoạt động liên kết đào tạo quốc tế. Trọng tâm từ năm 2014 là đẩy mạnh và phát triển mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng và đặc biệt là nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo bậc sau đại học.

ĐHQGHN đã bắt đầu áp dụng thí điểm đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực thành công cho bậc sạu đại học từ năm 2011 (bậc thạc sỹ, thí điểm cho 3 chuyên ngành: Biến đổi khí hậu, Quản trị công nghệ và phát triển doanh nghiệp, Môi trường và phát triển bền vững) và hiện nay đang hoàn thiện bộ đề thi đánh giá năng lực để áp dụng cho các hệ đặc biệt ở bậc đại học (tuyển hệ tài năng, chất lượng cao, chương trình tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược sau khi đã thi kỳ thi 3 chung và trúng tuyển vào ĐHQGHN), và mở rộng áp dụng thí điểm cho bậc sau đại học ở tất cả các đơn vị (mỗi đơn vị tối thiểu thí điểm một chuyên ngành thạc sỹ). Ban Đào tạo cũng đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị để hoàn thành các hướng dẫn, các giải pháp kỹ thuật và triển khai xây dựng phần mềm phục vụ công tác đổi mới tuyển sinh trong năm 2014.

Bên cạnh đào tạo kiến thức, ĐHQGHN quan tâm đến đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng tin học và các kỹ năng mềm cho sinh viên. Từ năm 2012, sinh viên ĐHQGHN được đào tạo kỹ năng mềm. Khi ra trường tối thiểu có 5 kỹ năng mềm (do các em lựa chọn trong 100 kỹ năng được định dạng) được đào tạo, kiểm tra đánh giá. Tất cả được công bố trong chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, Giám đốc ĐHQGHN quan tâm đầu tư đến học liệu, cơ sở vật chất, các phòng thí ngiệm, triển khai dự án “E-book” (Thư viện ĐHQGHN) và Dự án sách chất lượng cao (Nhà Xuất bản ĐHQGHN); triển khai Đề án tăng cường khả năng có việc làm cho sinh viên tốt nghiệp (của Trung tâm phát triển nguồn nhân lực). Dự án này sẽ điều tra phản hồi của các nhà tuyển dụng, các cựu sinh viên, các nhà quản lý, doanh nghiệp,… để điều chỉnh chương trình đào tạo, tăng cường đào tạo kỹ năng và khả năng thực hành cho sinh viên, thiết lập hệ thống liên hệ với các cựu sinh viên, từ đó, nâng cao cơ hội có việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Không chỉ trang bị kiến thức, sự khác biệt trong đào tạo của ĐHQGHN là chú trọng phát triển tầm nhìn cho người học. Quan điểm xuyên suốt là đào tạo không chỉ để người học ra trường có việc làm, để khởi nghiệp, mà còn có đầy đủ kiến thức, năng lực, phẩm chất, phương pháp tư duy và bản lĩnh để sáng nghiệp.

Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, ĐHQGHN đã cấp bằng cho 12.334 thạc sỹ (và đang đào tạo trên 11.000 học viên cao học), 423 tiến sỹ (và đang đào tạo 1.180 NCS);  xuất bản bổ sung trên 500 sách chuyên khảo, giáo trình; đăng tải hơn 1.000 bài báo trên các tạp chí quốc tế, hơn 3.000 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước; 1.500 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế, 2.000 báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước; thực hiện trên 500 đề tài KH&CN các loạị. Việc gắn đào tạo với nghiên cứu vừa là truyền thống, vừa là nhân tố quan trọng đảm bảo chất lượng đào tạo ở ĐHQGHN.

Xin nhấn mạnh là theo thống kê từ năm 2012 đến nay, khoảng 50% số NCS của các ngành KHTN-CN của ĐHQGHN khi bảo vệ luận án tiến sỹ đều có bài đăng trên các tạp chí quốc tế. Cá biệt từ năm 2011 đến nay, liên tục năm nào cũng có sinh viên của ĐHQGHN có bài công bố trên các tạp chí quốc tế ISI. Không phải ngẫu nhiên từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, GS Ngô Bảo Châu,….cho đến Lê Anh Xuân, Nguyễn Văn Thạc,….và nhiều tên tuổi khác của Việt Nam đều nguyên là sinh viên các hệ đào tạo khác nhau, là cựu sinh viên của ĐH Tổng hợp Hà Nội trước kia và nay là ĐHQGHN. Tôi tin tưởng chắc chắn với những giải pháp cụ thể và đúng, trúng như vậy, chắc chắn hoạt động đào tạo của ĐHQGHN sẽ ngày càng được khẳng định và gặt hái được nhiều thành công và kết quả tốt đẹp hơn nữa.

4.2014 Theo VNU News

Posted in Tin tức and tagged , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , .