2023- TRÒN 30 NĂM THÀNH LẬP ĐHQGHN

30 NĂM VỚI SỨ MỆNH TIÊN PHONG, ĐỔI MỚI, KIÊN TRÌ BỀN BỈ THẮP SÁNG CÁC TÀI NĂNG, ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG NHÂN TÀI

Năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ với sứ mạng là đại học trọng điểm quốc gia – một trung tâm đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế làm nòng cột và đầu tàu đổi mới cho hệ thống giáo dục nước nhà.

Mô hình Đại học quốc gia cũng là một đại học tự chủ. Thời điểm đó, đất nước vừa mới bước vào thời kỳ đổi mới. Những khái niệm về tự chủ đại học, chuẩn mực quốc tế còn chưa phổ biến với nền giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, với tầm nhìn xa trông rộng, Đảng và Nhà nước đã nhận ra những hạn chế của các đại học chuyên ngành đang hiện có vốn được xây dựng để phục vụ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa để thành lập ĐHQGHN với mục đích trở thành đại học hàng đầu của Việt Nam, hội nhập với nền giáo dục đại học hiện đại của thế giới.

Thấm thoắt từ đó đến nay đã 30 năm trôi qua.

Kể từ ngày thành lập đến nay, ĐHQGHN đã phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu lớn, luôn khẳng định là đại học hàng đầu của Việt Nam.

Năm 2012, các ĐHQG lần đầu tiên đã được đưa vào Luật giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hai Đại học Quốc gia phát triển.

Những thành công của ĐHQGHN trong lĩnh vực đào tạo cụ thể như sau:

Thứ nhất, trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực hùng mạnh cả về cơ cấu tổ chức và quy mô, phát huy thế mạnh liên thông, liên kết giữa các đơn vị trong VNU.

Khi mới thành lập, ĐHQGHN chỉ có 3 trường đại học thành viên là ĐH Tổng hợp, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm ngoại ngữ. Đến nay ĐHQGHN đã cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành đa lĩnh vực với 9 trường đại học thành viên, 5 viện nghiên cứu, 2 trường thuộc và 2 khoa trực thuộc. Các trường đại học gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Việt Nhật, Trường ĐH Y dược và Trường ĐH Luật (mới được nâng cấp từ Khoa Luật lên thành trường đại học Luật năm 2022). Các viện nghiên cứu gồm có: Viện Công nghệ Thông tin, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Trần Nhân Tông, Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục. Trường thuộc có Trường Quốc tế, Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB); Khoa đào tạo trực thuộc ĐHQGHN gồm: Khoa Liên ngành và mới đây nhất là Khoa quốc tế pháp ngữ (IFI).

Quy mô đào tạo những năm đầu chỉ khoảng 20.000 sinh viên chính quy và 100 NCS, sau 30 năm, Quy mô đào tạo của ĐHQGHN đã tăng gấp 3 lần, khoảng 60.000 sinh viên chính quy và quy mô đào tạo NCS đã lên tới 1.100.

Từ chỗ chỉ có hơn 50 ngành đào tạo, đến nay, năm ĐHQGHN dự kiến tuyển sinh với 141 ngành trình độ đại học, trong đó có 6 ngành mới trong năm 2023.

Với cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực như trên, ĐHQGHN có thế mạnh lớn để tham gia giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ trọng điểm, của đất nước trong tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực khó và quan trọng như: Hàng không vũ trụ, Tự động hóa và Tin học, Trí tuệ nhân tạo, Xây dựng – giao thông, Công nghệ nano, An ninh phi truyền thống,…

Thứ hai, ĐHQG đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước.

ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đào tạo từ THCS, trung học phổ thông đến tiến sĩ. Ngoài các trường chuyên được thành lập lâu đời với bề dày thành tích được cả nước biết đến như: Trường THPT chuyên KHTN (thuộc trường Đại học KHTN) và Trường THPT chuyên ngoại ngữ (thuộc trường ĐH Ngoại ngữ), mới đâyTrường THPT Khoa học Giáo dục (thuộc Trường ĐH Giáo dục) đã được thành lập. Đặc biệt, Trường THPT chuyên KHTN đã đạt được nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế và châu lục, đứng đầu về huy chương vàng quốc tế ở Việt Nam.

Bên các chương trình đào tạo hệ chuẩn, ĐHQGHN đã xây dựng các chương trình đặc biệt để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Lần đầu tiên ở Việt Nam, năm 1997, ĐHQGHN đã xây dựng và triển khai dự án “Đào tạo cử nhân khoa học tài năng” và từ năm 2001, là Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”. Bên cạnh truyền thống đào tạo nhân tài ở bậc trung học phổ thông chuyên (với 2 trường chuyên ĐHKHTN và ĐHNN), ĐHQGHN là trường đại học đầu tiên của Việt Nam thực hiện một cách chính quy công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài ở bậc đại học. Mục tiêu của Dự án năm 2001 là khai thác tiềm lực và thế mạnh của ĐHQGHN về cơ sở vật chất và đội ngũ khoa học đầu ngành để tham gia đào tạo các nhà khoa học giỏi thuộc các ngành khoa học cơ bản cốt lõi, các ngành công nghệ cao và kinh tế xã hội mũi nhọn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là đội ngũ giảng viên các khoa học cơ bản tại các trường đại học, cao đẳng cũng như các nghiên cứu viên, nhà quản lý, chuyển giao công nghệ tài năng tại các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị trong toàn quốc, với đầu vào hệ cử nhân khoa học tài năng là các em đoạt các giải olympic quốc tế, quốc gia và có điểm thi đại học đầu vào xuất sắc.

Năm 2005, ĐHQGHN đã tiến hành tổng kết Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”. Với những thành công và bài học kinh nghiệm sau gần 10 năm thí điểm, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá cao sự mô hình đào tạo tài năng bậc đại học của ĐHQGHN, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chế độ chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển và mở rộng mô hình bồi dưỡng và đào tạo tài năng, chất lượng cao của ĐHQGHN cho toàn ngành. Đào tạo cử nhân khoa học tài năng tiếp tục được ĐHQGHN duy trì đào tạo đến ngày nay.

Từ năm 2006 trở đi, để tăng cường hội nhập các chuẩn mực quốc tế, trong khi quy mô đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao còn nhỏ, mức độ “quốc tế hoá” về chương trình, phương pháp đào tạo, ngoại ngữ sử dụng chưa đủ cao, ĐHQGHN bắt đầu triển khai đào tạo các chương trình tiên tiến. Chương trình đào tạo tiên tiến là các chương trình đào tạo bậc đại học, sử dụng toàn bộ chương trình, giáo trình của một đại học nước ngoài, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và cấp kinh phí triển khai thực hiện. Đội ngũ giảng viên của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài. Chương trình này chỉ đảm nhận việc phát triển quốc tế hóa một chương trình đào tạo, chưa nhằm mục tiêu phát triển được cả ngành, đơn vị cấp Khoa đạt chuẩn quốc tế.

Chính vì vậy, tiếp sau chương trình tiên tiến, năm 2007, ĐHQGHN bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, còn gọi là chương trình nhiệm vụ chiến lược (ban đầu được gọi là chương trình 16-23, vì tập trung lựa chọn được 16 ngành đại học và 23 chuyên ngành sau đại học tham gia Đề án). Mục tiêu của chương trình này là xây dựng và phát triển cả ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế, từ chương trình đào tạo đến đội ngũ, cơ sở vật chất, học liệu, nguồn nhân lực theo các tiêu chí đánh giá xếp hạng nhằm tạo tiền đề và điều kiện để phát triển từng bước từ bộ môn, khoa đến trường đại học thành viên đạt chuẩn quốc tế và được đầu tư, phê duyệt theo từng đề án cho từng ngành/chuyên ngành. Đây là mục tiêu và sách lược quan trọng của ĐHQGHN trong quá trình phát triển, nhằm chọn lọc vun cao, từng bước khả thi nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và sức cạnh tranh, thương hiệu của ĐHQGHN, góp phần đổi mới cơ bản giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực và chất lượng quốc tế.

Các chương trình đào tạo của ĐHQGHN theo Quy chế mới nhất ban hành năm 2022 được quy lại gọn gàng gồm: Chương trình đào tạo tài năng, Chương trình chất lượng cao (bao gồm các chương trình tiên tiến, chuẩn quốc tế – đào tạo theo nội dung, chương trình của các đại học danh tiếng trên thế giới) và các chương trình chuẩn.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN còn có cơ chế liên thông và sử dụng chung cán bộ cơ hữu trong toàn đại học. Do đó, các chương trình đạo tạo cũng rất phong phú và đa dạng. Năm 1993, ĐHQGHN chỉ có vài chục chương trình đào tạo, đến nay đã có 141 chương trình đào tạo đại học, gần 200 chương trình đào tạo thạc sĩ và 180 chương trình đào tạo tiến sĩ.

Đứng trước những yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. ĐHQGHN đã triển khai Đề án đổi mới đào tạo trình độ tiến sĩ tại ĐHQGHN và đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới (2017, 2022). Đây là những bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo. Quy chế mới yêu cầu nâng cao chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ của NCS. Hiện nay, chỉ còn ĐHQGHN là cơ sở GDĐH duy nhất trong cả nước yêu cầu NCS phải có công bố quốc tế. Quy chế của ĐHQGHN cũng nâng cao chuẩn về công bố quốc tế và chất lượng của đội ngũ giảng viên hướng dẫn NCS cũng như đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, giảng dạy bậc tiến sĩ; yêu cầu gắn hoạt động làm luận án của NCS với hoạt động của bộ môn/PTN; với việc tham gia các đề tài nghiên cứu; hướng dẫn thực hành, thực tập; hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp và các seminar khoa học của đơn vị chuyên môn; trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao nhất cho cán bộ hướng dẫn và bộ môn trong quá trình đào tạo NCS. Đồng thời, Quy chế cũng đặc cách bỏ quy quy trình phản biện kín với các NCS có thành tích nghiên cứu xuất sắc, công bố được nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Với Quy chế này, ĐHQGHN thực hiện đào tạo tiến sĩ với yêu cầu về chuẩn đầu ra, cũng như theo quy trình và chuẩn mực tổ chức và quản lý đào tạo như của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. ĐHQGHN thực sự là “máy cái” – góp phần quan trọng và hiệu quả đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ cao cho các trường đại học trên phạm vị toàn quốc.

Thứ ba, ĐHQGHN luôn đi tiên phong đổi mới nhiều lĩnh vực trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Không chỉ tiên phong trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài thông qua các chương trình đào tạo đặc biệt như đã nói tới ở trên, ĐHQGHN cũng tiên phong trong cả nước xác định phát triển theo mô hình đại học định hướng nghiên cứu, gắn đào tạo với nghiên cứu, với việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.

Với triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu để đảm bảo chất lượng và nghiên cứu để tiếp cận trình độ của thế giới, đào tạo trình độ cao, năm 2004, tại phiên họp lần thứ X Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐHQGHN đã xác định các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu, như chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu; tỷ lệ sinh viên/giảng viên; tỷ lệ đào tạo sau đại học/đại học; số lượng, chất lượng và lượt trích dẫn của các công bố quốc tế; các phát minh, sang chế; giải thưởng KHCN,….và từ đó định hướng cho các hoạt động của nhà trường. Việc tiên phong mở rộng quy mô đào tạo, theo hướng nâng cao tỷ lệ đào tạo sau đại học/đại học cũng như đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu chính là hai trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược này.

ĐHQGHN cũng tiên phong mở các ngành mới, ngành/chuyên ngành thí điểm chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo của Nhà nước, như an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ hàng không vũ trụ, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu,…Đến nay một số chương trình thí điểm của ĐHQGHN đã được đưa vào danh mục đào tạo của Nhà nước như các chương trình đào tạo ngành Hóa dược, Kinh tế phát triển, Luật kinh doanh (bậc đại học), Ngôn ngữ Nhật (bậc thạc sĩ), Đo lường Đánh giá trong giáo dục (bậc thạc sĩ và tiến sĩ),….Hiện nay ĐHQGHN đang đào tạo gần 50 chương trình mới thí điểm (từ các bậc cử nhân, kỹ sư, đến thạc sĩ và tiến sĩ). Đây là những đặc sản trong đào tạo của ĐHQGHN.

Với tầm nhìn xa, tổng hợp, bao quát, , ngay từ năm 1995, lãnh đạo ĐHQGHN đã thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục (tiền thân của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm khảo thí và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của ĐHQGHN ngày nay). Những đóng góp của Trung tâm này về các tiêu chí đảm bảo chất lượng giáo dục, về xếp hạng đại học, các năng lực phẩm chất cần có để dự tuyển vào đại học để xây dựng bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực, cũng như mở ngành và đào tạo đầu tiên trong cả nước thạc sĩ và tiến sĩ về đo lường đánh giá trong giáo dục. Những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua trong lĩnh vực khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục của Viện ĐBCL Giáo dục và Trung tâm kiểm định của ĐHQGHN một lần nữa chứng minh quyết định hết sức đúng đắn của lãnh đạo ĐHQGHN và khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong đo lường đánh giá, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam, tiến dần ra khu vực và thế giới.

Năm 2012, Ban Đào tạo đã xây dựng Đề án đổi mới tuyển sinh theo ĐGNL và suốt trong 3 năm 2012-2014 là đơn vị trực tiếp triển khai xây dựng đề thi cũng như các quy chế, quy trình, phần mềm phục vụ ĐGNL, áp dụng trước tiên cho hệ TN và CLC và làm tiền đề cho việc thành lập Trung tâm Khảo thí – đơn vị chuyên trách tổ chức thi ĐGNL ở ĐHQGHN. Năm 2016, ĐHQGHN đã đi đầu trong đổi mới tuyển sinh đại học theo đánh giá năng lực cho tất cả các chương trình đào tạo; tiên phong trong việc xây dựng bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực và cũng tiên phong áp dụng thành công việc triển khai đổi mới tuyển sinh theo hình thức sử dụng bài thi đánh giá năng lực ở ĐHQGHN. Với phổ kiến thức vừa rộng lại vừa sâu, phong phú, kết quả thi nhanh, việc chấm thi tự động bằng máy khách quan, trung thực, và có thể tổ chức cho thí sinh chủ động đăng ký thi nhiều lần trong năm, đã được dự luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao. Tuyển sinh theo Đánh giá năng lực của ĐHQGHN như luồng gió mới làm mát dịu những căng thẳng của các kỳ thi đại học theo 3 chung cứ mỗi năm vào hè tháng 6. Nhiều trường đại học khác đã tin cậy và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN để tuyển sinh.

ĐHQGHN cũng là một trong những đơn vị tiên phong triển khai đào tạo theo tín chỉ thành công ở Việt nam. Sau một số năm nghiên cứu, tìm hiểu phương thức tổ chức và quản lý đào tạo theo mô hình tín chỉ của nước ngoài, từ năm 2006, ĐHQGHN bắt đầu triển khai áp dụng các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ, đó là: chuyển đổi chương trình; xây dựng đề cương môn học; áp dụng phương pháp dạy – học và kiểm tra đánh giá theo tín chỉ và từ 2010; đến nay đã áp dụng hoàn toàn và triệt để phương thức đào tạo theo tín chỉ. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn đầu ra, với các khối kiến thức chung được giảng dạy thống nhất trong toàn ĐHQGHN. Thành công này đã tạo điều kiện cho việc phát huy thế mạnh liên thông, liên kết trong ĐHQGHN, mô hình a+b (như mô hình đào tạo cử nhân sư phạm, bác sỹ đa khoa,…), đặc biệt là trong việc xây dựng các chương trình đào tạo mới liên ngành, liên đơn vị; trong việc triển khai tổ chức giảng dạy bằng kép (song bằng) thành công. Bên cạnh đó, cũng nhờ tích lũy tín chỉ, sinh viên có thể chủ động lựa chọn tích lũy các học phần theo kế hoạch và thời gian của cá nhân, nhờ vậy đến nay đã có gần 8000 sinh viên được cấp bằng kép (bằng chính quy thứ 2 trong thời gian học tập tại ĐHQGHN) và hơn 500 em tốt nghiệp đại học sớm so với quy định từ 1 đến 2 học kỳ.

Một sáng kiến và quyết sách đổi mới không thể không nhắc đến là: để lựa chọn được nhiều học sinh ưu tú vào học theo chương trình đại học, ngay từ năm 2014, ĐHQGHN đã tiên phong nghiên cứu và ban hành quy chế đặc thù cho học sinh chuyên trong ĐHQGHN (và năm 2022 ban hành quy chế đặc thù sửa đổi áp dụng cho cả học sinh các trường chuyên trên toàn quốc) – ban hành các tiêu chí và quy định xét tuyển thẳng vào các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc của ĐHQGHN những học sinh xuất sắc. Cũng từ năm 2022 đã tổ chức kỳ thi Olympic cấp ĐHQGHN tuyển chọn HSG – nhân tài từ các trường THPT trên cả nước. Dó đó, đã thu hút được nguồn học sinh giỏi vào học các ngành khoa học cơ bản để nối tiếp truyền thống và phát huy thế mạnh của ĐHQGHN.

ĐHQGHN cũng là đơn vị tiên phong trong các cơ sở giáo dục đào tạo xây dựng mô hình đào tạo tài năng, chất lượng cao, chuẩn quốc tế; tiên phong trong cả nước tiến hành rà soát và nghiên cứu, xây dựng bản quy hoạch các ngành nghề đào tạo (2014, 2021) và phân tầng các chương trình đào tạo (2015). Đây là kim chỉ nam, là kế hoạch và chiến lược hết sức quan trọng định hướng cho hoạt động đào tạo của ĐHQGHN và các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN trong từng giai đoạn.

Thứ tư, ĐHQG kiên trì và giữ vững chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, hội nhập với quốc tế:

Các chương trình đào tạo của ĐHQGHN được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. ĐHQGHN thực hiện triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu (NNC) mạnh để vươn tới đỉnh cao tri thức; rồi từ nghiên cứu đỉnh cao lại thúc đẩy đào tạo trình độ cao và phát triển tiềm lực KHCN. Đến nay, ở ĐHQGHN có hàng trăm NNC lớn nhỏ, trong đó có khoảng 30 NNC đã được Giám đốc ĐHQGHN công nhận là NNC mạnh cấp ĐHQGHN. Các NNC này đã đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo tài năng theo cá thể hóa, cũng như trong việc mở các ngành/chuyên ngành đào tạo mới, các bộ môn/PTN mới của ĐHQGHN trong những năm qua.

Cũng nhờ đào tạo thông qua nghiên cứu, các em sinh viên, học viên cao học, NCS được tham gia hoạt động trong môi trường các NNC mạnh và nhờ vậy được thắp sáng tài năng. Đến nay, không ít sinh viên năm cuối và trên trên 90% NCS trong lĩnh vực KHTN – Công nghệ của ĐHQGHN có công bố trên các tạp chí quốc tế ISI. Không ít NCS của ĐHQGHN – được đào tạo trong nước, nhưng có kết quả nghiên cứu, có số lượng và chất lượng các công bố quốc tế cao hơn so với các NCS được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài.

Nhiều em sinh viên, NCS vào ĐHQGHN đã được sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình, tâm huyết của các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành, những người thầy tâm huyết, có môi trường nghiên cứu, học tập tốt và đã được phát huy năng lực và tỏa sáng, đạt được thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu. Năm 2022, ĐHQGHN đã cấp học bổng cho các NCS xuất sắc lên đến 120 triệu/năm và lần đầu tiên cấp học bổng post-doc cho các TS trẻ xuất sắc lên đến 150 triệu/năm, và triển khai chính sách cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc ngành KH cơ bản ở mức hỗ trợ toàn bộ học phí, cấp sinh hoạt phí và chỗ ở miễn phí trong KTX.

Nhiều cựu sinh viên ưu tú của ĐHQGHN đã trở thành các nhà lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp, nhà khoa học, quản lý có tên tuổi. ĐHQGHN đã góp phần hiệu quả vào sự nghiệp đào tạo nhân tài chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước.

Thứ năm, ĐHQG tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0:

Việc phát triển các ngành mới có tính liên ngành, mũi nhọn những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ mà xã hội có nhu cầu cao về nguồn nhân lực, cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 đang được ĐHQGHN chú trọng đặc biệt và có sự đột phá, trong đó phải kể đến các chương trình đào tạo mới, tiên phong như KHMT; Cơ điện tử; Điện tử -tin học; Kĩ thuật năng lượng, Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật hạ tầng, Công nghệ nano, Công nghệ kỹ thuật Xây dựng – Giao thông; Công nghệ hàng không vũ trụ, Robotic; An toàn thông tin, Trí tuệ Nhân tạo, Khoa học dữ liệu; Tự động hóa và Tin học; Quản trị các tổ chức tài chính; Kinh tế biển; Biến đổi khí hậu,…

Với trên 500 chương trình đào tạo ở các bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, từ lúc chỉ hoàn toàn các ngành khoa học cơ bản, sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay ĐHQGHN đã đạt cơ cấu ngành nghề đào tạo như sau: khoa học tự nhiên, y dược 25%; khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, ngoại ngữ, luật, giáo dục 40%; công nghệ – kỹ thuật 20%; liên ngành và thí điểm 15%.

ĐHQGHN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề từ KHCB sang gắn với kỹ thuật, công nghệ và thực tiễn. Nhờ vậy, ngành nghề đào tạo của ĐHQGHN nhanh chóng tiếp cận hội nhập với thế giới, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp và doanh nghiệp, cũng như tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngày càng cao.

Tóm lại, hoạt động đào tạo đã có những đóng góp quan trọng và xứng đáng vào sự phát triển và lớn mạnh của ĐHQGHN, đóng góp tich cực và hiệu quả vào những đổi mới của ngành giáo dục đại học như đào tạo tài năng, chất lượng cao; tổ chức quản lý đào tạo theo tín chỉ; phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện đào tạo qua nghiên cứu và chú trọng xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường đại học; đảm bảo chất lượng giáo dục; kiểm định, phân tầng và quy hoạch chương trình đào tạo; đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực; tiên phong mở các chương trình đào tạo mới thí điểm và hiện đại, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, và thực hiện hội nhập với nền giáo dục đại học của thế giới.

Thứ sáu, ĐHQGHN đã vươn lên trong top 800 thế giới theo bảng xếp hảng QS và có tên tuổi và thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng khác của quốc tế như THE, ARWU.

Điểm nhấn rất quan trọng, đó là sau 30 năm thành lập, từ chỗ chưa có tên trên bản đồ xếp hạng, năm 2022 ĐHQGHN đã vươn lên trong top 800 thế giới theo bảng xếp hảng QS và có tên tuổi và thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng khác của quốc tế như THE, ARWU. Cũng trong năm 2022, 6 lĩnh vực của ĐHQGHN đã lọt top 400-600 thế giới trong bảng xếp hạng QS: Toán học (351-400), Vật lý (401-500), 3 lĩnh vực Cơ kỹ thuật và Kỹ thuật điện – Điện tử, Kinh doanh và Khoa học Quản lý top 401-500, Khoa học Máy tính và hệ thống thông tin (501-600).

Lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ đi sau về trước, đã vươn lên ngoạn mục, xếp hạng 386 thế giới trong bảng xếp hạng QS năm 2022.

Chỉ riêng 2 ĐHQG đã chiếm khoảng gần 25% công bố quốc tế ISI của cả nước.

ĐHQGHN có những nhà khoa học được thế giới xếp hạng cao, trong top các nhà khoa học có trích dẫn và ảnh hưởng hàng đầu của thế giới, của Việt Nam. Đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn, đội ngũ cán bộ trí thức – nguồn nhân lực trình độ cao chính là tiềm lực mạnh nhất, là vốn quý nhất làm nên thương hiệu và những giá trị cốt lõi của ĐHQGHN.

2022, sau nhiều năm ấp ủ, lần đầu tiên ĐHQGHN đưa sinh viên lên Hòa Lạc học tập thành công.

Và điểm nhấn sau cùng, là năm 2022, sau nhiều năm ấp ủ, lần đầu tiên ĐHQGHN đưa sinh viên lên Hòa Lạc học tập thành công. Ban Đào tạo và đội ngũ những người làm công tác đào tạo lại xắn tay vào triển khai kế hoạch tuyển sinh và tổ chức học tập, giảng dạy trên Hòa Lạc; xây dựng những ngành mới, mô hình đào tạo mới (như giáo dục toàn diện), để biến Hòa lạc thành lợi thế và tài nguyên cho sự phát triển của ĐHQGHN trong giai đoạn tới.

Năm 2022 đã có 2000 sinh viên ĐHQGHN học toàn thời gian trên Hòa Lạc, và dự kiến năm 2023 sẽ có 7000 sinh viên trên Hòa Lạc, trong đó sẽ có cả học sinh của trường THPT Khoa học giáo dục (HES).

Những thành tựu đó chứng minh sự đúng đắn và thành công của mô hình Đại học Quốc Gia, thực sự xứng đáng là “tập đoàn quân chủ lực”, là trụ cột của hệ thống giáo dục đại học của nước nhà.

Tự hào về những thành tựu mà các thế hệ lãnh đạo, các thế hệ thầy và trò, các thế hệ cán bộ khoa học, giảng viên tài năng và tâm huyết, các GS, PGS, TSKH, TS – những trí thức ưu tú của ĐHQGHN và của nước nhà; các thế hệ cán bộ, viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầy trách nhiệm và nhiệt huyết của ĐHQGHN qua các thời kỳ đã đóng góp và đạt được trong 30 năm qua, đồng thời cũng nhận thức đầy đủ những cơ hội, cũng như những thách thức trong tình hình và bối cảnh mới.

Giáo dục đại học, trong đó có ĐHQG đang đứng trước những thách thức về tự chủ, về mô hình phát triển đại học, trường đại học (và mô hình trường đại học trong đại học, của chính 2 ĐHQG) trong bối cảnh mới.

Thách thức về sự phát triển vượt bậc và quy mô và chất lượng, CSVC; về công ăn việc làm của người học sau khi tốt nghiệp; về chất lượng đào tạo và nghiên cứu, chất lượng đội ngũ; sự hội nhập với trình độ và chuẩn mực của quốc tế.

Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đang có những chỉ đạo quyết liệt và giải pháp hữu hiệu để đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học Việt nam và phát triển 2 ĐHQG lên tầm cao mới.

Đảng ủy và Ban Giám đốc ĐHQGHN đã chỉ đạo trong thời gian tới tập trung hoàn thiện mô hình tự chủ đại học, trong hoạt động đào tạo tập trung vào nâng cao và mở rộng quy mô đào tạo các chương trình tài năng, chất lượng cao và các chương trình thuộc lĩnh vực kỹ thuật -công nghệ; triển khai mô hình giáo dục toàn diện cho sinh viên trên Hòa Lạc; triển khai đề án ” Thu hút và Đào tạo học sinh, sinh viên Miền Nam tại ĐHQGHN”; ưu tiên và tập trung nguồn lực cho đào tạo NCS và tiến sĩ trẻ, thu hút nhân tài; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh tầm quốc gia, quốc tế; chăm lo bồi dưỡng, đào tạo các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn để tạo nguồn nhân lực kế cận; thúc đẩy công bố quốc tế và chuyển giao công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; nâng cao ranking trong các bảng xếp hạng đại học; phát huy thế mạnh thống nhất và liên thông liên kết trong toàn ĐHQGHN; nâng cao khả năng thực hành, thực tập, thực tế, năng lực ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cho sinh viên và qua đó nâng cao chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm cho người học.

Nhân dịp 30 năm thành lập ĐHQGHN (1993-2023), nhìn lại một chặng đường.

Chúc ĐHQGHN ngày càng phát triển và hội nhập ngày càng mạnh mẽ với thế giới – được tự chủ cao và mạnh hơn nữa – luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện cao nhất của Đảng, Nhà nước, của Bộ giáo dục Đào tạo và các bộ ngành và toàn xã hội để phát huy tối đa nội lực và thu hút tối đa các nguồn lực, luôn xứng đáng là đầu tàu đổi mới, là đại học hàng đầu, nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, đáp ứng mong mỏi của xã hội và nhân dân cả nước.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN

Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN

13 nhà khoa học Việt vào bảng xếp hạng thế giới

Trong số 13 nhà khoa học Việt có mặt trong danh sách xếp hạng của Research.com năm nay, lần đầu tiên có một cá nhân ở lĩnh vực xã hội nhân văn.

Website Research.com hôm 9/3 cập nhật kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố nghiên cứu. Việc xếp hạng các nhà khoa học hàng đầu trong nghiên cứu được Research.com thực hiện hàng năm, ở 24 lĩnh vực.

Năm nay 13 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước được xếp hạng ở 7 lĩnh vực: Khoa học máy tính, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật liệu, Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng và Khoa học xã hội và nhân văn.

Danh sách năm nay tăng thêm 3 (năm 2022 có 10 nhà khoa học) và mở rộng thêm lĩnh vực xếp hạng. Trong số này GS.TS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng là nhà khoa học đầu tiên ở lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Y tế công cộng) vào bảng xếp hạng.

GS.TS Hoàng Văn Minh có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và kinh tế y tế. Ông là chuyên gia về lĩnh vực kinh tế y tế, phương pháp nghiên cứu khoa học và thống kê y học. Ông từng chủ nhiệm hơn 20 dự án nghiên cứu khoa học quốc gia hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu của Mỹ, Anh, Thụy Điển, Thụy Sỹ…

GS Minh công bố hơn 160 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có phản biện quốc tế trong đó nhiều công trình nghiên cứu đã áp dụng thành công vào thực tế, được Bộ Y tế đánh giá cao về tính hữu dụng cho sự phát triển của ngành.

GS.TS Hoàng Văn Minh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Lĩnh vực Khoa học máy tính có PGS.TS Lê Hoàng Sơn, Đại học Quốc gia Hà Nội, được biết đến là nhà khoa học trẻ tài năng với những công trình nghiên cứu ứng dụng cao, được các công ty công nghệ trong và ngoài nước đón nhận. Trong số này có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng ở các nước đi đầu về khoa học công nghệ như Mỹ, Italy, Đức…

PGS Sơn công bố hơn 180 công trình, bài báo trên các tạp chí nước ngoài trong danh mục ISI. Trong bảng xếp hạng này, ông là gương mặt lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc của thế giới 4 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021, 2022, đồng thời được gắn huy hiệu “Rising Star” – ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới năm 2022.

TS Hoàng Nhật Đức, trường Đại học Duy Tân, công bố hơn 140 công trình, bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó nhiều công trình thuộc danh mục ISI. TS Đức nhiều năm liền có mặt trong danh sách top 10.000 nhà khoa học xuất sắc của thế giới năm 2021, 2022. Bảng xếp hạng còn có một người nước ngoài lấy tên địa chỉ trường ĐH Duy Tân.

Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ tiếp tục ghi danh GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và vật liệu composite. Ông đã công bố trên 300 công trình khoa học, trong đó có 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Bốn năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 và 2022 ông lọt vào top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. 3 nhà khoa học nước ngoài khác từ ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân cũng có mặt trong xếp hạng lĩnh vực này.

GS Nguyễn Đình Đức là nhà khoa học trong top 100 thế giới trong lĩnh vực Engineering năm ngoái 2022.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh:VNU

Lĩnh vực Khoa học Môi trường có GS.TS Phạm Hùng Việt và PGS.TS Từ Bình Minh, đều từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Việt hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh. Ông có hơn 100 công trình, bài báo công bố, sở hữu nhiều bằng sáng chế.

PGS.TS Từ Bình Minh là nhà khoa học trong lĩnh vực hóa học. Chỉ trong hai năm 2019, 2020, nhóm nghiên cứu của ông đã công bố trên 20 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín, nhiều tạp chí trong số đó thuộc TOP 5% theo lĩnh vực chuyên sâu. Năm 2022, PGS Minh cũng vào top nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới.

Khoa học vật liệu có duy nhất GS Nguyễn Văn Hiếu, trường Đại học Phenikaa góp mặt trong danh sách. GS Hiếu sở hữu 165 công trình công bố trên tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó nhiều bài báo quốc tế giá trị với lượt trích dẫn cao. Ông là gương mặt quen thuộc trong các bảng xếp hạng nhà khoa học có ảnh hưởng thế giới trong nhiều năm và cũng là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đứng top đầu trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu thế giới. Ông là giáo sư trẻ nhất ngành Vật lý Việt Nam (năm 2015) và sở hữu giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016.

GS Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: NVCC

Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ có 5 nhà khoa học Việt được vinh danh, gồm: GS.TS Nguyễn Xuân Hùng và TS Phùng Văn Phúc (Đại học Công nghệ TP HCM); PGS Nguyễn Thời Trung (Đại học Văn Lang), PGS Thái Hoàng Chiến (Đại học Tôn Đức Thắng), và PGS Bùi Quốc Tính (Đại học Công nghệ Tokyo, Nhật Bản).

Trong đó, PGS Bùi Quốc Tính là gương mặt mới vào danh sách năm nay. Anh được biết đến là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng JACM 2018 của Hiệp hội Cơ học tính toán Nhật Bản, vinh danh nhà khoa học tuổi không quá 40 có nhiều đóng góp và thành tích nghiên cứu xuất sắc. PGS Bùi Quốc Tính là tác giả và đồng tác giả của 117 công trình khoa học đăng trên tạp chí uy tín quốc tế thuộc hệ thống ISI. TS Tính bảo vệ luận án tiến sĩ kỹ thuật tại Đại học Công nghệ Vienna, Áo năm 2009, từng nhiều năm công tác tại Bỉ, Áo, Pháp và Đức. Anh giảng dạy tại Nhật Bản từ năm 2014 và vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Y học cộng đồng có PGS Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội. Anh trở thành Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 năm 2016. PGS Bách có hơn 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế được đánh giá cao về khoa học sức khỏe toàn cầu. Năm 2022, PGS Bách là nhà khoa học của Việt Nam duy nhất có mặt trong top 10 nhà khoa học đầu bảng (xếp hạng 3), được gắn huy hiệu “Rising Star” – ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới.

Với đợt xếp hạng lần này, Research.com đã xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa học có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới. Vị trí một nhà khoa học trong bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên chỉ số D-index, chỉ số đánh giá trên cơ sở các bài báo khoa học và giá trị trích dẫn trong một lĩnh vực cụ thể, tỷ lệ đóng góp trong lĩnh vực nhất định, bên cạnh các giải thưởng và thành tựu của họ.

Research.com cho biết, họ cũng đối chiếu chéo và kiểm định từng nhà khoa học thông qua một số tiêu chí phụ khác như số lượng bài báo tại các tạp chí lớn, kỷ yếu hội nghị để xem xét các đóng góp của họ trong một số chuyên ngành nhất định. Bảng xếp hạng không mang ý nghĩa thước đo thứ hạng/vị trí nhà khoa học, qua đó để thấy tầm ảnh hưởng và đóng góp trong lĩnh vực họ đang theo đuổi.

Research.com là cổng thông tin điện tử dành cho các nhà khoa học thế giới, được điều phối chính bởi GS Imed Bouchrika, một nhà khoa học dữ liệu. Research.com nghiên cứu về các xếp hạng trong cộng đồng học thuật, với nhiều bảng xếp hạng khác nhau như nhà khoa học xuất sắc, hội nghị, tạp chí tốt nhất và trường đại học hàng đầu.

GS Nguyễn Đình Đức đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì

Ngày 11/01/2023, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2023 để đánh giá những kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện kế hoạch năm vừa qua.

Trong khuôn khổ hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo của ĐHQGHN đã được trao Huân chương Lao động hạng nhì. Đây là minh chứng cho sự tận tâm, nỗ lực và đóng góp của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhiều thế hệ sinh viên, học viên, NCS. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng là một trong những nhà khoa học Việt được vinh danh trên thế giới với những nghiên cứu có tính cải tiến và sáng tạo. Huân chương này là sự ghi nhận cho những đóng góp của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trong giai đoạn qua.

GS Nguyễn Đình Đức: Tạo đà, tạo sức bật để giáo dục đại học bứt phá

GD&TĐ – Năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng – là năm bản lề trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của giai đoạn 5 năm 2020-2025.

GS.TS Nguyễn Đình Đức: giáo dục đại học phải luôn lấy chất lượng làm yếu tố then chốt nhất.

Việt Nam đang chuyển mình và đổi mới mạnh mẽ với thế và lực ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế, trong đó có giáo dục đại học. Báo GD&TĐ phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội về những nỗ lực của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam vươn ra biển lớn.

Bước tạo đà

Giáo dục đại học có vai trò then chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho đất nước. Xin giáo sư cho biết vấn đề đặt ra đối với GDĐH Việt Nam?

Trước hết là vấn đề chất lượng: Giáo dục, trong đó có giáo dục đại học phải luôn lấy chất lượng làm yếu tố then chốt nhất. Mà trong yếu tố chất lượng thì chất lượng đội ngũ là yếu tố quan trọng nhất. Do đó vấn đề đặt ra với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trước hết phải đặc biệt quan tâm và chú trọng tới việc xây dựng đội ngũ và phát triển tiềm lực KHCN.

Chúng ta cũng cần tiếp tục đẩy nhanh, mạnh hơn nữa tiến độ kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, đẩy nhanh quá trình hội nhập với các chuẩn mực và trình độ quốc tế. Để có nguồn lực cho sự phát triển, năm 2023, các cơ sở GDĐH cần hoàn thành sớm việc xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật cho tất cả các chương trình đào tạo, đồng thời đẩy nhanh tự chủ đại học.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức luôn nỗ lực thúc đẩy nâng cao chất lượng GDĐH.

Bên cạnh đó, như các bạn đã biết, Luật GDĐH ban hành từ 2012, sửa đổi cuối năm 2018 đã có rất nhiều điểm tích cực và đột phá, tuy nhiên trong quá trình triển khai trên thực tế đã bộc lộ còn có những điểm chưa thật sự phù hợp (như mô hình và vai trò Hội đồng trường trong các trường đại học công lập).

Chúng ta cũng cần phải thấy rằng tư duy và triết lý về đại học – trường đại học. Trong đó vai trò dẫn dắt của 2 đại học quốc gia và các đại học nghiên cứu là ý nghĩa. Hoặc hiện nay, chứng nhận kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo được xem như căn cứ duy nhất để xác định mức thu học phí,…) và vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi trong thời gian tới.

Vậy theo giáo sư, mô hình và xu thế phát triển của các trường đại học trong tương lai nên thế nào?

Song hành với hoạt động đào tạo, mô hình và xu thế phát triển của một trường đại học trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có 3 trụ cột chính quan trọng nhất là: Nghiên cứu (để chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học và tri thức) – Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số.

Đây là những định hướng quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học bám sát xây dựng định hướng cho chiến lược phát triển của mình trong quá trình hội nhập quốc tế, trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Bứt phá

Từ thực tế GDĐH Việt Nam năm vừa qua, GS có tin rằng các trường đại học sẽ phát huy thế mạnh và mang lại những luồng gió mới, nguồn lực mới, điểm đến cho những nhà khoa học nhiều hoài bão và tài năng như mong muốn?

Tự chủ đại học và những chính sách cởi mở và đổi mới của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây, cũng như sự hội nhập mạnh mẽ với các chuẩn mực và trình độ quốc tế chính trong giáo dục đại học là những luồng gió mới, là cơ sở để đem lại những nguồn lực mới cho sự phát triển.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cùng các sinh viên ĐHQG Hà Nội.

Thực tế cho thấy kể từ khi thực hiện tự chủ đại học, các trường đại học đã nhanh chóng thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước hơn cho sự phát triển. Trường nào tự chủ càng nhanh thì càng có điều kiện để thu hút được nhiều nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước đến làm việc. Và từ đó nhà trường mạnh hơn, đóng góp ngày càng nhanh và nhiều hơn, tốt hơn cho tiềm lực KHCN của nước nhà.

Với chế độ đãi ngộ khá tốt, môi trường làm việc thuận lợi trong các nhóm nghiên cứu mạnh, hiện nay, một số trường đại học lớn, có uy tín của Việt Nam như 2 ĐHQG, ĐH Bách Khoa Hà Nội và một số trường đại học khác của Việt Nam thực sự đã là địa chỉ tin cậy thu hút ngày càng nhiều nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước đến làm việc.

Vậy năm 2023 này, GS có kỳ vọng giáo dục đại học Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước phát triển đột phá và ngoạn mục về chất lượng theo yêu cầu đổi mới đặt ra?

Giáo dục đại học Việt Nam trong những năm gần đây luôn có những bước phát triển nhanh và mạnh theo từng năm trên nhiều lĩnh vực.

Một ví dụ, theo công bố trên tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ công bố năm 2022, có 34 nhà khoa học cơ hữu trong nước lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới. Đối chiếu lại các số liệu từng năm, chúng ta thấy năm 2022 tăng thêm 6 người so với năm 2021, và năm 2021 lại tăng hơn 6 người so với năm 2020.

Giảng đường ĐHQG Hà Nội, nơi ươm mầm những nhà khoa học trẻ.

Với các lĩnh vực của ĐHQGHN, nếu như năm 2021 chỉ có 5 lĩnh vực trong top 500 trong bảng xếp hạng QS thế giới, thì năm 2022, đã có 6 lĩnh vực lọt top xếp hạng 500. Toán học và Vật lý từ 500 tăng hạng lên 400 trong năm 2022. Và lần đầu tiên, trong năm 2022, lĩnh vực Engineering đã xếp hạng 386 thế giới.

Với đà như vậy, tôi kỳ vọng, và rất tin tưởng giáo dục đại học Việt Nam sẽ có những bước phát triển đột phá mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tới.

Để GDĐH đóng góp ngày càng to lớn và thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời hội nhập ngày càng nhanh và mạnh mẽ với các chuẩn mực và trình độ quốc tế, theo ông các cấp quản lý cần có sự điểu chỉnh thế nào?

Giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực từ trình độ cử nhân đến tiến sỹ, và cả bậc sau tiến sỹ. Các trường đại học chính là nơi đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và tinh hoa nhất cho đất nước.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số bài báo quốc tế ISI/Scopus của Việt nam trong năm 2022 là 17625 bài, trong số đó các công bố của các trường đại học đã chiếm đến 90%.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy: giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và tiềm lực KHCN chính là chìa khóa, là chiếc đũa thần để đưa dân tộc ta nắm bắt những vận hội và bứt phá vươn lên, sánh vai với các nước năm châu.

Các trường đại học chính là nơi đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và tinh hoa nhất cho đất nước.

Để GDĐH tiếp tục phát triển mạnh mẽ xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh CMCN 4.0 (trên thế giới, Nhật Bản còn đề ra mục tiêu và đang triển khai xây dựng Xã hội 5.0), theo tôi, có một số điểm các cấp quản lý cần đặc biệt chú trọng quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trước hết, các cấp quản lý cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình và hoàn thiện mô hình tự chủ đại học, đi đôi với rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các chương trình đào tạo trong các trường. Không thực hiện tốt tự chủ đại học, không có động lực và nguồn lực cho sự phát triển các trường đại học.

Cần đẩy nhanh quá trình thực hiện Đề án quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam, chuẩn hóa các chương trình đào tạo theo khung tham chiếu năng lực khu vực và quốc tế.

Từng cơ sở giáo dục đại học cần chủ động rà soát hoạt động quản trị đại học, đẩy mạnh chuyển đổi số và tin học hóa quy trình quản lý trong các trường đại học cũng như áp dụng các công nghệ giảng dạy mới, tiên tiến trong tổ chức đào tạo.

Và cuối cùng, như tôi đã phân tích ở trên, vẫn phải nghiên cứu và tiếp tục sửa đổi Luật GDĐH. Với những giải pháp then chốt chủ yếu như vậy, nếu thực hiện tốt, tôi tin là trong thời gian tới sẽ tạo nên những bước phát triển đột phá trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Các bộ ngành cũng như các trường đại học cần nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị định 109/NĐ-CP của Chính Phủ mới ban hành ngày 30/12/2022 về Hoạt động KHCN trong các trường đại học, trong đó chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động KHCN và các nhóm nghiên cứu mạnh tầm quốc gia, quốc tế đi đôi với tăng đầu tư trực tiếp cho con người, thu hút nhân tài để thúc đẩy mạnh mẽ và tạo ra những đột phá trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong quá trình vươn ra biển lớn. – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Xin cám ơn Giáo sư!

GS Nguyễn Đình Đức nhận Giải thưởng IMG – Vì sự nghiệp giáo dục trị giá 300 triệu đồng

Ngày 11/01/2023, trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã trao Giải thưởng Nhà giáo của năm và các giải thưởng về đổi mới giảng dạy tại ĐHQGHN, Giải thưởng IMG – Vì sự nghiệp giáo dục do Công ty Cổ phần Đầu tư IMG tài trợ.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN và TS Ma Thị Châu – Giảng viên Trường Đại học Công nghệ.

Trong số 10 nhà giáo được nhận Giải thưởng Nhà giáo của năm, ĐHQGHN đã tiến hành lựa chọn và trao Giải thưởng IMG – Vì sự nghiệp giáo dục cho 2 cá nhân (GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN giành giải Nhất trị giá 300 triệu đồng và TS Ma Thị Châu – Giảng viên Trường Đại học Công nghệ giành giải Nhì trị giá 100 triệu đồng).

Quy chế Giải thưởng Nhà giáo của năm và các giải thưởng về đổi mới giảng dạy tại ĐHQGHN được ban hành kèm theo quyết định số 3645/QĐ-ĐHQGHN ngày 21/10/2022 làm cơ sở cho việc tổ chức xét chọn các danh hiệu và ghi nhận những đóng góp nổi bật của các nhà giáo đối với hoạt động giáo dục tại ĐHQGHN. Năm 2022, ĐHQGHN đã bình xét và lựa chọn được 10 nhà giáo đạt danh hiệu Nhà giáo ĐHQGHN của năm, bao gồm: (1) GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN; (2) GS.TS Nguyễn Ngọc Minh – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; (3) PGS.TS Nguyễn Mạnh Khải – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; (4) PGS.TS Vũ Trọng Lưỡng – Trường Đại học Giáo dục; (5) PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Sơn – Trường Đại học Luật; (6) PGS.TS Nguyễn An Thịnh – Trường Đại học Kinh tế; (7) PGS.TS Lưu Quốc Đạt – Trường Đại học Kinh tế; (8) TS Nguyễn Đình Lâm – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; (9) TS Ma Thị Châu – Trường Đại học Công nghệ; (10) TS Chu Đình Tới – Trường Quốc tế.

Song Minh

Prof. Nguyen Dinh Duc, Director of Civil Engineering program, continued to be one of 10,000 most-cited researchers globally

We are pleased to announce that a distinguished member of VJU, Professor, Doctor of Science Nguyen Dinh Duc, the director of Civil Engineering program (undergraduate and graduate level) has been named in the 2022 List of the World’s Top 100,000 Scientists with the most citation and this is the fourth consecutive year, he is named in this list. In 2022, Prof. Nguyen Dinh Duc ranked the 7454th in the top 10,000 and the 94th in the field of Engineering.

There is also Associate Professor Le Hoang Son from Vietnam National University, Hanoi who ranked the 5816th in the top 10,000 and the 222nd in the field of Information & Communication Technologies, included in the list. 

There are many new faces in the list such as Assoc.Prof.Dr. Tran Quang Trung (VNU-HCM, ranked 47,614), Dr. Dao Van Duong (Phenikaa University, 61,711th , Dr. Vuong Quan Hoang  Phenikaa University, 61,452nd), Dr. Chu Dinh Toi (International School, VNU-HN 66,906th).

This list was compiled by Professor John Ioannidis of Stanford University, USA, in collaboration with Elsevier BV. This ranking, widely regarded as the most prestigious global ranking of researchers, is based on bibliometric data from the Scopus database. The authors have created a publicly available database of top-cited scientists that provides standardized information on citations, h-index, co-authorship adjusted hm-index, citations to papers in different authorship positions and a composite indicator (c-score). Separate data are shown for career-long and, separately, for single recent year impact. Metrics with and without self-citations and ratio of citations to citing papers are given. Scientists are classified into 22 scientific fields and 176 sub-fields. Field- and subfield-specific percentiles are also provided for all scientists with at least 5 papers. Career-long data are updated to end-of-2021 and single recent year data pertain to citations received during calendar year 2021. The selection is based on the top 100,000 scientists by c-score (with and without self-citations) or a percentile rank of 2% or above in the sub-field, updated to end of citation year 2021. This work uses Scopus data provided by Elsevier through ICSR Lab (https://www.elsevier.com/icsr/icsrlab).

Source: Elsevier

Nên phát triển “trường đại học” đa ngành, đa lĩnh vực một cách thực chất thay vì phát triển “đại học”

Với hoàn cảnh đội ngũ, cơ sở vật chất và tiềm lực khoa học công nghệ của Việt Nam như hiện nay thì không nên thành lập thêm nhiều đại học mà hãy phát triển thành các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực một cách thực chất và hiệu quả, đẩy mạnh tự chủ đại học để giáo dục đại học Việt Nam nhanh chóng hội nhập với chuẩn mực và trình độ, chất lượng quốc tế…

Vừa qua, dư luận xã hội rộ lên và xôn xao về việc “trường Đại học Bách Khoa Hà Nội” nâng cấp và đổi tên thành “Đại học Bách Khoa Hà Nội”. Là người gắn bó nhiều năm và trưởng thành từ Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức có những chia sẻ về mô hình này.

Nên phát triển nhiều “trường đại học” đa ngành, đa lĩnh vực thực chất thay vì phát triển “đại học” -0
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội

Mong tiếp tục đổi mới Luật Giáo dục đại học

Năm 1993, từ tâm huyết và tầm nhìn xa trông rộng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và chủ trương cũng như quyết tâm của Bộ chính trị, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập với mục tiêu thành một Đại học có quyền tự chủ cao nhất, đa ngành, đa lĩnh vực, có sứ mệnh làm nòng cột, tiên phong và đầu tàu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học của nước nhà.

Đại học Quốc gia Hà nội (ĐHQGHN) được thành lập trên cơ sở từ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (ban đầu có cả trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng sau đó đã lại tách ra). ĐHQGHN là Vietnam National University Hanoi, và các trường thành viên là các College. Giám đốc được quy định dịch ra tiếng Anh là President, hiệu trưởng các trường thành viên quy định dịch ra tiếng Anh là Rector.

Lưu ý là ĐHQGHN và Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (ĐHQG TPHCM) vận hành theo mô hình khác nhau. ĐHQG TPHCM theo mô hình tổ hợp một cách cơ học các trường đại học thành viên gộp lại mà thành. ĐHQGHN có sự cơ cấu lại, sử dụng chung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, với cơ chế liên thông liên kết giữa các đơn vị, mô hình a +b (một trường này tồn tại và phát triển có sự đóng góp liên thông và hỗ trợ của các trường khác), và nhờ vận hành theo mô hình “one VNU” này, ĐHQGHN đã phát huy được sức mạnh của các đơn vị thành viên, phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Đặc biệt bên cạnh các ngành khoa học cơ bản, lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và y dược của ĐHQGHN đã được xây dựng, khẳng định và phát triển vượt bậc. Năm 2022, lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ của ĐHQGHN đã vươn lên xếp hạng thứ 386 thế giới trong bảng xếp hạng QS.

Năm 2012, Luật giáo dục Đại học (GDĐH) ra đời. Một điểm mới là lần đầu tiên đã đưa khái niệm Đại học Quốc Gia và Đại học vùng vào Luật – được quy định là để các đại học này thực hiện sứ mệnh của quốc gia và của vùng.

Quy chế tổ chức hoạt động của Đại học Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quy định. Còn quy chế tổ chức và hoạt động của các Đại học vùng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Riêng về vai trò, sứ mệnh và vị trí của 2 Đại học Quốc gia còn được ghi nhận thành hẳn 1 Điều trong Luật.

Nhưng trong Luật GDĐH 2012 cũng lần đầu tiên quy định rằng trong Đại học có các trường đại học thành viên. Cả Đại học và trường đại học đều do Thủ tướng ký quyết định thành lập.

Từ đó, chính thức ở nước ta có mô hình được nước ngoài hiểu nôm na là “trường đại học trong trường đại học”. Giám đốc Đại học là President. Hiệu trưởng các trường thành viên cũng thành President. Và đã có lần trong Hội nghị quốc tế, Phó Giám đốc ĐHQG là Vice-President được Ban tổ chức xếp ngồi hang dưới các Hiệu trưởng – President.

Luật GDĐH 2018 lại “mạnh dạn” đổi mới hơn nữa. Ngoài khái niệm Đại học Quốc gia và các Đại học vùng, còn đưa vào Luật việc có thể thành lập thêm nhiều Đại học khác (nếu đáp ứng một số điều kiện).

Theo Luật là trường đại học là cơ sở giáo dục đại học có nhiều ngành, còn đại học là có nhiều lĩnh vực. Riêng định nghĩa này cũng đã là việc phải bàn lại. Vì như trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, bao gồm nhiều khoa, với các lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Xã hội Nhân văn, Kinh tế, Luật – đâu cần có nhiều trường thành viên – rõ ràng đã là một Đại học.

Và hệ quả là, từ Luật GDĐH sửa đổi 2018, mới đây trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Và một số trường đại học khác cũng hăng hái tuyên bố tiếp tục sẽ trở thành các Đại học. Với những người quản lý giáo dục thì hiểu sự khác nhau giữa Đại học và trường đại học, còn tuyệt đại đa số xã hội thấy bất ngờ và ngạc nhiên.

Đại học Bách khoa Hà Nội

Mâu thuẫn sẽ tồn tại trong sự thống nhất

Từ trước đến nay, khái niệm trường đại học và Đại học được nhân dân và ngôn ngữ tiếng Việt đã hiểu và đồng hóa làm một, ở một khía cạnh nào đó, đều là “trường đại học” cả. Diễn đạt trong Luật tưởng như rành mạch về định nghĩa, nhưng lại sử dụng từ trùng lặp đã có trước đó và tồn tại hiện hữu trong dân gian, gây ra sự khó hiểu trong xã hội và Luật rõ ràng chưa tính đến điều này.

Hơn nữa, một điểm mới trong Luật 2018 là đưa vào khái niệm Tự chủ đại học. Và đối chiếu với các quy định để tự chủ như hiện nay, thì các trường đại học thành viên dễ thành cơ sở giáo dục đại học tự chủ hơn là đại học – và khi đó sẽ có nhiều quyền hơn cả đại học.

Nếu không cẩn thận, mâu thuẫn sẽ tồn tại trong sự thống nhất. Tự chủ các trường thành viên càng mạnh thì mâu thuẫn này càng lớn. Các đại học, trong đó kể cả 2 Đại học Quốc gia, nếu không tập hợp và tập trung được lực lượng để chỉ đạo điều hành thống nhất, sẽ không còn sức mạnh tập trung.

Với mô hình đại học 2 cấp, cái rất cần thiết là tăng quyền tự chủ mạnh hơn nữa cho Đại học. Việc áp dụng các mô hình và kinh nghiệm của nước ngoài là cần thiết, nhưng không có nghĩa ở nước ngoài có là áp dụng ngay ở Việt Nam. Cần có nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp và hiệu quả, có cơ sở khoa học, và nhất và cơ sở thực tiễn. 

Chỉ 2 điều trên đây, đủ thấy giáo dục đại học của chúng ta đã có biết bao nỗ lực để đổi mới, và đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn vô cùng lúng túng, đôi khi thiếu thực tiễn và thiếu tư duy hệ thống.

Nếu cứ để như thế này sẽ chỉ thấy có thêm nhiều “đại học”, thêm nhiều “trường đại học” mới, và kéo theo sẽ có thêm nhiều vị có chức danh Giám đốc đại học, Hiệu trưởng các trường đại học – nhưng giáo dục đại học của chúng ta vẫn không tiến lên phía trước.

Năm 2022, không có đại học lớn nào của Việt Nam tăng hạng. Thậm chí một số đại học lớn đã bắt đầu tụt hạng.

Cho nên việc Đại học Bách Khoa Hà Nội vừa rồi tuyên bố không thành lập các trường đại học thành viên là một quyết định khôn ngoan và sáng suốt.

Xem ra mô hình ban đầu như các bậc tiền bối thành lập Đại học Quốc Gia: University và các College là chuẩn nhất và có tính hệ thống, phù hợp nhất.

Với hoàn cảnh đội ngũ, cơ sở vật chất và tiềm lực KHCN của Việt Nam như hiện nay, cá nhân tôi không ủng hộ và cổ súy cho việc thành lập thêm nhiều đại học. Mà hãy phát triển thành các trường đại học đa ngành đa lĩnh vực một cách thực chất và hiệu quả, đẩy mạnh tự chủ đại học để giáo dục đại học Việt Nam nhanh chóng hội nhập với chuẩn mực và trình độ, chất lượng quốc tế – đây mới là triết lý bất di bất dịch và là những nội dung cấp thiết nhất của đổi mới giáo dục đại học hiện nay.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc Gia Hà N

Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN thành lập Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông

Ngày 02/12/2022, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ đã ký quyết định số 1204/QĐ-TCCB về việc thành lập Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông trực thuộc Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

   Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông được thành lập vào năm 2018 theo sáng kiến và đề xuất của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Trước đó vào năm 2017, Nhà trường đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành kỹ sư Công nghệ kỹ thuật – xây dựng. Trải qua 5 năm xây dựng, Bộ môn đã phát triển về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Về công tác đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh khóa I từ 60 sinh viên tăng lên 120 sinh viên, quy mô đào tạo hiện nay hơn 450 sinh viên, hoàn chỉnh các bậc đào tạo từ kỹ sư đến thạc sỹ và tiến sỹ. Điểm đầu vào ngành kỹ thuật xây dựng của Bộ môn luôn có điểm trúng tuyển cao nhất cả nước trong khối ngành xây dựng – giao thông. Đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ cao với tỷ lệ công bố quốc tế ISI/scopus đạt trung bình 2 bài/1 giảng viên/năm. Phát huy thế mạnh của Trường ĐH Công nghệ về công nghệ thông tin, điện tử – vi cơ điện tử, cơ học kỹ thuật, từ những ngày đầu thành lập, Bộ môn đã xây dựng và cập nhật những môn học hiện đại như công nghệ mới trong xây dựng – giao thông, thiết kế hệ thống, phát triển bền vững,… gần đây nhất là Bộ môn đã bổ sung thêm các môn học như: các công nghệ xây dựng hiện đại, BIM, trí tuệ nhân tạo trong Xây dựng Giao thông, phát triển bền vững,… góp phần tạo đà và nền tảng thành lập Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông có đặc sắc như hiện nay.

Lãnh đạo ĐHQGHN, lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ và GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức tại lễ trao Quyết định thành lập Bộ môn năm 2018

   Với những môn học hiện đại, nghiên cứu khoa học chất lượng, Bộ môn đã tăng cường hợp tác phát triển đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, giúp sinh viên tăng cường trải nghiệm thực tiễn và hỗ trợ hướng nghiệp, việc làm trong tương lai, đồng thời Bộ môn còn hợp tác triển khai các hướng nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực xây dựng – giao thông với Viện Khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam; Tổng Công ty CONICO; FACON; Tập đoàn Trường Thành, Đào Cả, Công ty Shimizu (Nhật Bản),…Với sự hiện diện của ngành đào tạo và Bộ môn, năm 2021, trường ĐH Công nghệ đã tham gia và là thành viên của Câu lạc bộ khối các trường đào tạo ngành xây dựng và kiến trúc.

GS Nguyễn Đình Đức tại lễ ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ khối các trường đào tạo ngành xây dựng và kiến trúc năm 2021

   Trong 5 năm qua ,Bộ môn cũng đã triển khai hợp tác hiệu quả với trường đại học lớn của thế giới như ĐH Tổng hợp Melbourne (Úc), ĐH Tổng hợp Birmingham (Vương Quốc Anh); ĐH Tokyo, ĐH Tsukuba (Nhật Bản); ĐH Yonsei và ĐH Sejong của Hàn Quốc, chương trình ERAMUS+ của Pháp và cộng đồng châu Âu,…

Bộ môn có nhiều hợp tác về đào tạo, nghiên cứu đối với Tổng Công ty CONICO

Sinh viên Bộ môn được trải nghiệm thực tế, hỗ trợ hướng nghiệp và việc làm trong tương lai

   Sự nỗ lực trong suốt 5 năm qua của giảng viên và sinh viên Bộ môn đã được ghi dấu ấn khi nhóm sinh viên Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào vòng chung kết và đạt giải thưởng tại cuộc thi quốc tế về thiết kế sử dụng phần mềm BIM được tổ chức bởi công ty FORUM 8, diễn ra tại Nhật Bản năm 2022.

   Đến nay với sự phát triển về đào tạo và nghiên cứu của Bộ môn, việc thành lập Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông trên cơ sở Bộ môn trực thuộc trường đã chin muồi và là điều thiết yếu. Từ đó, Khoa sẽ giúp Trường triển khai vận hành chương trình đào tạo công nghệ xây dựng – giao thông theo mô hình hiện đại đáp ứng yêu cầu và sứ mệnh đào tạo nhân tài, đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, theo phương châm đổi mới sáng tạo, học gắn với nghiên cứu, với thực tiễn và khởi nghiệp.

   Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông được thành lập sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh nghiên cứu  phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật xây dựng – giao thông, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình, giao thông theo hướng hiện đại – phát triển xanh – thông minh – bền vững, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của đất nước trong xu thế cuộc CMCN 4.0. Trên bản đồ thế giới trong lĩnh vực Civil Engineering từ nay có tên của Trường ĐH Công nghệ và ĐHQGHN.

   Với mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2025 “Trở thành đơn vị mạnh về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ xây dựng, giao thông, đô thị dựa trên thế mạnh về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, cơ học kỹ thuật và tự động hóa, vật lý kỹ thuật, công nghệ nano, công nghệ sinh học của Trường ĐH Công nghệ và các thế mạnh liên ngành, liên lĩnh vực của ĐHQGHN”, Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông ra đời là sự kiện và dấu ấn quan trọng của trường ĐH Công nghệ và ĐHQGHN.

 (UET-News)

ĐHQGHN THÀNH LẬP KHOA CÔNG NGHỆ XÂY DỰNG-GIAO THÔNG

Ngày hôm nay, 02-12-2022, đúng ngày khai mạc Hội nghị Cơ học Toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Hội Cơ học Việt Nam, kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Cơ học Việt Nam (1982-2022) và 85 năm ngày sinh GS.VS Nguyễn Văn Đạo, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ đã ký quyết định số 1204/QĐ-TCCB về việc thành lập Khoa Công nghệ Xây dựng-Giao thông trực thuộc trường ĐH Công nghệ.

Vậy là mơ ước và công sức bao nhiêu năm nay, tôi ấp ủ từ 2008 khi còn làm Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghệ đã thành hiện thực. 

GS. TSKH. Nguyễn Đình Đức

Ngành Cơ học là nền tảng của Kỹ thuật Công nghệ, nhưng làm gì có Bộ cơ? Khoa học muốn phát triển, ngành Cơ muốn phát triển phải gắn với thực tiễn, gắn với các bộ ngành cụ thể, phải giải quyết được các vấn đề của Khoa học và Thực tiễn đề ra. Với tên gọi Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông (tiếng anh ngắn gọn là Civil Engineering), các lĩnh vực nghiên cứu sẽ định hướng gắn chặt với 2 ngành lớn nhất của đất nước là Xây dựng và Giao thông. Sự kiện này mở ra một con đường thênh thang cho sự phát triển của lĩnh vực, phục vụ tốt nhu cầu của thực tiễn.

School of Civil Engineering là một trong những khoa của ĐH Đông Dương, tiền thân của ĐHQGHN ngày nay.

Mặc dù được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Bộ môn trực thuộc trường lên Khoa, nhưng qua 5 năm phát triển, đến nay đã có quy mô đào tạo 500 sinh viên/năm (chỉ tiêu tuyên sinh 100 kỹ sư/năm), hoàn chỉnh các bậc đào tạo ThS, TS; và là đơn vị công bố quốc tế mạnh nhất trường ĐHCN cả về số lượng và chất lượng. Khoa cũng đã xây dựng được PTN hiện đại trên Hòa Lạc, là cơ sở để thực hành, nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao. Ngay từ khi thành lập ĐH Đông Dương năm 1906, tiền thân của ĐHQGHN ngày nay, lúc đó đã có 5 Khoa, trong đó có School of Civil Engineering.

Dạt dào cảm xúc và biết bao xúc động là cảm xúc chung của Thầy và Trò Khoa Công nghệ Xây dựng-Giao thông trực thuộc trường ĐH Công nghệ. Xin cảm ơn Lãnh đạo ĐHQGHN, lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ đã ủng hộ, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho ra đời Khoa mới này.

Tin tưởng một điều chắc chắn với vị thế mới, Khoa sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xứng đáng và hiệu quả trong sự nghiệp đào tạo nhân lực CLC, trình độ cao trong lĩnh vực Civil Engineering cho đất nước và cho ngành Xây dựng và Giao thông; đóng góp xứng đáng vào sự lớn mạnh và phát triển của ĐH Công nghệ cũng như của ĐHQGHN, và của cả ngành Cơ học của Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức: Làm khoa học thì không “ăn xổi” được!

GS Nguyễn Đình Đức: “Làm KH thì không “ăn xổi” được, lại càng không thể chạy theo hư danh. Đã làm KH là phải dấn thân, đam mê, dám chấp nhận thiệt thòi, hy sinh”.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) được vinh danh trong nhóm 10 nghìn nhà khoa học có trích dẫn khoa học xuất sắc nhất, có tầm ảnh hưởng thế giới năm 2022.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức để hiểu hơn về những cố gắng và nỗ lực trong việc nghiên cứu khoa học của thầy và các đồng nghiệp.

_____

Phóng viên: Xin chúc mừng Giáo sư được vinh danh trong nhóm 10 nghìn nhà khoa học có trích dẫn khoa học xuất sắc nhất, có tầm ảnh hưởng thế giới năm 2022.

Là người liên tiếp có mặt trong nhóm 10 nghìn nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới trong 4 năm qua và đứng thứ 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering, Giáo sư có thể chia sẻ những yếu tố quan trọng nào giúp các công bố khoa học có sức ảnh hưởng vươn tầm thế giới?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Theo tôi, để công bố khoa học có sức ảnh hưởng vươn tầm thế giới, thì trước hết nhà khoa học phải có năng lực kiến thức, trình độ và phương pháp nghiên cứu thật tốt, thật bài bản và hiện đại để đủ sức giải quyết những vấn đề lớn, mới mẻ trong khoa học; đặc biệt là phải chọn được hướng nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, hội nhập với thế giới; mạnh dạn dấn thân nghiên cứu những vấn đề mà trước đó chưa có ai giải quyết hoặc chưa giải quyết được; và những kết quả nghiên cứu nhận được của nhà khoa học phải có đủ tầm, có phát hiện mới, đóng góp đáng kể thúc đẩy sự phát triển của khoa học và nhờ vậy mới nhận được sự quan tâm và trích dẫn của cộng đồng khoa học quốc tế; và để duy trì và phát huy được những yếu tố trên, nhà khoa học phải xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh.

Những nhà khoa học có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng mà tôi biết tên đều là các giáo sư nổi tiếng, là trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh, đã hoặc đang làm việc trong các trường đại học lớn, uy tín của thế giới.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức luôn nhiệt huyết truyền lại kiến thức cho học trò. Ảnh: NVCC

_____
Phóng viên: Thành công của Giáo sư và các đồng nghiệp là lời khẳng định về năng lực của các nhà khoa học nước ta. Giáo sư có nghĩ vậy không?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Năm 2020 có 22, năm 2021 có 28, năm nay có 34 nhà khoa học Việt Nam làm việc cơ hữu trong nước có tên trong danh sách xếp hạng 100.000 nhà khoa học. Liên tục đều có sự gia tăng theo các năm và năm nay tăng 6 người – hơn 20% so với năm ngoái. Trong đó có những nhà khoa học xếp hạng rất cao, top 100 thế giới trong lĩnh vực.

Chúng ta có thể thấy trong bảng xếp hạng này có những nhà khoa học trong nước có thứ hạng cao không hề thua kém so với các Giáo sư Việt kiều có tên tuổi đang làm việc tại các trường đại học lớn của nước ngoài, trong khi điều kiện vật chất cho nghiên cứu ở trong nước còn khó khăn và thiếu thốn hơn rất nhiều.

NĂM 2020 CÓ 22, NĂM 2021 CÓ 28, NĂM NAY CÓ 34 NHÀ KHOA HỌC VIỆT NAM LÀM VIỆC CƠ HỮU TRONG NƯỚC CÓ TÊN TRONG DANH SÁCH XẾP HẠNG 100.000 NHÀ KHOA HỌC

GS. Nguyễn Đình Đức

Trong hoàn cảnh đó, việc ngày càng có nhiều nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng của thế giới là rất đáng tự hào, là sự nỗ lực phi thường của nhà khoa học. Kết quả này khẳng định sự lớn mạnh của tầng lớp trí thức, của các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế. Và cũng là thành quả của sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học và khoa học công nghệ Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ với trình độ và các hướng nghiên cứu tiên tiến của thế giới.

Đối với những nhà khoa học lại cũng là nhà giáo như chúng tôi, sự ghi nhận này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở chỗ: thành công của thầy là niềm tự hào của các học trò, sẽ là sự động viên khích lệ các bạn trẻ vững bước trên con đường đã chọn với sự tự tin – miệt mài và cố gắng hết mình thì có thể đạt được đỉnh cao trong khoa học.

_____
Phóng viên: Giáo sư đánh giá như thế nào về môi trường nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực, là nền tảng phát triển kinh tế xã hội. Kinh nghiệm của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, Trung Quốc cho thấy họ đã đầu tư cho khoa học công nghệ rất mạnh, nhờ đó đã tận dụng và nắm bắt được những cơ hội và phát triển vượt bậc trong cách mạng công nghệ 3.0. Tôi cho rằng cách mạng công nghệ 4.0 là một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam cất cánh, và khoa học công nghệ cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chiếc đũa thần để dân tộc ta nắm bắt được những cơ hội của cuộc cách mạng này để bứt phá vươn lên.

TÔI CHO RẰNG CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ 4.0 LÀ MỘT CƠ HỘI TUYỆT VỜI ĐỂ VIỆT NAM CẤT CÁNH, VÀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CÙNG VỚI NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHÍNH LÀ CHIẾC ĐŨA THẦN ĐỂ DÂN TỘC TA NẮM BẮT ĐƯỢC NHỮNG CƠ HỘI CỦA CUỘC CÁCH MẠNG NÀY ĐỂ BỨT PHÁ VƯƠN LÊN

GS. Nguyễn Đình Đức

Hoạt động khoa học công nghệ thời gian qua ở Việt Nam ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi. Sự ra đời của Luật Khoa học Công nghệ, của các chương trình Khoa học công nghệ lớn, các Quỹ phát triển Khoa học công nghệ, cũng như các chính sách hỗ trợ nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu mạnh và mới đây nhất là Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã nhấn mạnh đến tự chủ đại học, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, nhờ vậy, hoạt động khoa học công nghệ đã có những bước phát triển đột phá rất đáng tự hào. Ví dụ công bố quốc tế của Việt Nam từ năm 2020 đã tăng vượt bậc. Nếu năm 2011, Việt Nam chỉ có gần 1.600 công bố khoa học trên các tạp chí ISI thì sau 10 năm, đến năm 2020, con số này đã tăng gần 8 lần, đứng thứ 49 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Hoạt động khoa học công nghệ nước ta cũng hướng tới thực tiễn nhiều hơn. Trước kia, nhiều đề tài nghiên cứu làm xong cất ngăn kéo nhưng giờ yêu cầu phải gắn liền với thực tiễn. Chính vì thế, đã có nhiều đề tài giải quyết thành công những yêu cầu của thực tiễn và doanh nghiệp như một số kết quả trong lĩnh vực chuyển đổi số, truyền thông (5G), nông nghiệp, dược phẩm, công nghệ sinh học… hoặc như trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe – chúng ta cũng đã có những thành công tuyệt vời về ghép tạng. Những thành tựu đó cho thấy Việt Nam có những kết quả nghiên cứu không thua kém so với thế giới.

Các chính sách về quản lý khoa học công nghệ cũng ngày càng được đổi mới, giảm thủ tục hành chính, tăng tính tự chủ và khoán từng phần, từ đó ngày càng thúc đẩy hiệu quả các hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những đổi mới, xung quanh hoạt động khoa học công nghệ cũng còn những tồn tại hạn chế. Tỷ lệ % GDP đầu tư cho Khoa học công nghệ ở Việt Nam còn thấp. Việc triển khai các chủ trương của Đảng còn chậm và nhiều chính sách đã ban hành chưa đi vào cuộc sống, thậm chí còn chưa thống nhất và chồng chéo giữa các bộ ngành. Đầu tư cho nghiên cứu và triển khai còn nhỏ giọt, cầm chừng. Chưa chú trọng và chưa đầu tư đúng mức cho các nhóm nghiên cứu mạnh để phát triển thành các nhóm nghiên cứu quốc tế. Chính sách đãi ngộ, thu hút và đầu tư cho những nhà khoa học tài năng, nhất là hỗ trợ các nhà khoa học trẻ còn chưa thỏa đáng, chưa có những đột phá trong chính sách về Khoa học công nghệ.

Vì vậy, để khoa học công nghệ Việt Nam phát triển đột phá trong thời gian tới, để có thêm nhiều trường đại học, nhiều nhà khoa học Việt Nam được xếp hạng trong các bảng xếp hạng có uy tín và hội nhập mạnh mẽ với thế giới, chúng ta cần chú trọng tạo những thông thoáng trong cơ chế chính sách, đầu tư cho khoa học công nghệ thỏa đáng, dài hơi. Đặc biệt chú trọng đầu tư cho con người, cho các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn, đầu tư xây dựng và phát triển các hướng nghiên cứu mới tiên tiến, và đặc biệt là đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh – tế bào trong hoạt động nghiên cứu và triển khai.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức trình bày báo cáo mời tại phiên toàn thể tại Hội thảo quốc tế, Đại học Yonsei, Hàn Quốc (7/2017). Ảnh: NVCC

Nhóm nghiên cứu mạnh cũng chính là “tổ ấm” – là môi trường để thu hút các nhà khoa học đầu ngành và các nhân tài trong và ngoài nước đến làm việc. Nhóm nghiên cứu có vai trò cực kỳ quan trọng từ triển khai nghiên cứu đến đào tạo, chế thử, kết nối nhà khoa học với Nhà nước, doanh nghiệp và là cái nôi thúc đẩy sự ra đời của các phát minh, sáng chế và sản phẩm mới, và còn là môi trường để thúc đẩy khởi nghiệp.

Vì vậy, một trong những giải pháp để phát triển tiềm lực, nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, để khoa học công nghệ thực sự là “chiếc đũa thần” đưa Việt Nam sánh vai với các nước năm châu, là phải chú trọng phát triển số lượng và nâng cao chất lượng tiềm lực khoa học công nghệ – xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh phải được xem như một trong những giải pháp đòn bẩy đột phá.

NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH CHÍNH LÀ “TỔ ẤM” – LÀ MÔI TRƯỜNG ĐỂ THU HÚT CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐẦU NGÀNH VÀ CÁC NHÂN TÀI TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC ĐẾN LÀM VIỆC

GS. Nguyễn Đình Đức

_____
Phóng viên: Theo Giáo sư, các cán bộ nghiên cứu trẻ có những ưu điểm và hạn chế gì? Thầy kỳ vọng gì ở thế hệ những nhà khoa học trẻ nước ta hiện nay?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Các cán bộ trẻ khoa học trẻ ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi so với thế hệ chúng tôi rất nhiều: được đào tạo bài bản, rất nhiều bạn trẻ đã có thời gian học tập hoặc tu nghiệp, bồi dưỡng ở nước ngoài; có trình độ chuyên môn vững vàng, ngoại ngữ tốt; điều kiện học liệu, cơ sở vật chất tốt; khả năng hội nhập cao.

Các cán bộ trẻ ngày nay, trong đó có các nhà khoa học trẻ đều rất năng động, nắm bắt và thích ứng nhanh với những đổi mới và tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Mặt khác, sống trong nền kinh tế thị trường mở cửa nên cũng “thực tế” hơn.

Cái mà tôi mong muốn ở các bạn trẻ là sự kiên trì và bền bỉ. Làm khoa học thì không “ăn xổi” được, lại càng không thể chạy theo hư danh. Đã làm khoa học là phải dấn thân và đam mê, dám chấp nhận thiệt thòi, hy sinh.

Tôi tin là các bạn trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ luôn giữ được hoài bão và khát vọng cống hiến, khát vọng chấn hưng đất nước; rèn đức luyện tài, nghiêm túc và cần cù trong công việc; hội nhập với các chuẩn mực và trình độ quốc tế; nắm bắt được những cơ hội của thời đại, của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để sáng tạo, khởi nghiệp, xứng đáng là lực lượng chủ lực xây dựng và kiến thiết đất nước, làm rạng danh cho Tổ quốc.

LÀM KHOA HỌC THÌ KHÔNG “ĂN XỔI” ĐƯỢC, LẠI CÀNG KHÔNG THỂ CHẠY THEO HƯ DANH. ĐÃ LÀM KHOA HỌC LÀ PHẢI DẤN THÂN VÀ ĐAM MÊ, DÁM CHẤP NHẬN THIỆT THÒI, HY SINH

GS. Nguyễn Đình Đức

_____
Phóng viên: Với kinh nghiệm gần 40 năm học tập bền bỉ và nghiên cứu khoa học, đặc biệt với nhiều nghiên cứu quan trọng mang tính tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về vật liệu mới và cơ học, vậy Giáo sư có thể chia sẻ thêm về lĩnh vực này?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Trọng tâm nghiên cứu chuyên sâu và thế mạnh của tôi và nhóm nghiên cứu là các lĩnh vực liên quan đến vật liệu và kết cấu composite tiên tiến: như composite polyme nhiều pha; vật liệu carbon-carbon siêu bền nhiệt; vật liệu chức năng thông minh có cơ lý tính biến đổi (FGM), vật liệu nano; vật liệu mới làm tăng hệ số chuyển đổi năng lượng trong các tấm pin mặt trời; vật liệu composite áp điện có cơ lý tính biến đổi; vật liệu auxetic (có hệ số Poisson âm và có khả năng giảm chấn, hấp thu sóng nổ); các vật liệu composite có tính năng cơ lý cao sử dụng trong các điều kiện khắc nghiệt và các công trình đặc biệt; các vật liệu tiên tiến nhất như penta-graphene đáp ứng yêu cầu lưu trữ thông tin lớn của cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và machine learning trong tối ưu hóa vật liệu và kết cấu composite,…

Đây đều là các hướng nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, lại vừa có tính ứng dụng thực tiễn cao. Vừa hội nhập với cộng đồng khoa học quốc tế, lại vừa đáp ứng yêu cầu định hướng phục vụ thực tiễn ở Việt Nam.

Để có được những thành công như ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua muôn vàn khó khăn thử thách, thiếu thốn trăm bề; nhưng nhờ có lòng kiên trì, nghị lực bền bỉ, cũng như sự ủng hộ của nhà trường, đồng nghiệp, tôi đã vượt qua được những khó khăn thử thách, xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh, xây dựng được phòng thí nghiệm mới, khoa mới, ngành mới: là phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Khoa Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng Giao thông ở Trường Đại học Công nghệ, ngành Civil Engineering ở Trường Đại học Việt Nhật, Ngành Tự động hóa và Tin học ở Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi giang, thành tài. Trải qua 40 năm bền bỉ với nghề, tôi đã xây dựng được trường phái khoa học về vật liệu composite tiên tiến, có uy tín ở Đại học Quốc gia Hà Nội, được biết đến trong cộng đồng khoa học trong và ngoài nước.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cùng học trò xuất sắc của mình – Trần Quốc Quân trong lễ bảo vệ luận án tiến sĩ. Ảnh: NVCC

_____
Phóng viên: Là nhà giáo tận tâm và có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục đào tạo, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Giáo sư có điều gì trăn trở về nền giáo dục Việt Nam?

“NGHỀ DẠY HỌC LÀ NGHỀ CAO QUÝ NHẤT TRONG CÁC NGHỀ CAO QUÝ” SỐ PHẬN ĐÃ RUN RỦI TÔI TRỞ THÀNH NHÀ GIÁO VÀ TÔI CẢM THẤY VINH DỰ VÀ TỰ HÀO VÌ ĐIỀU ĐÓ

GS. Nguyễn Đình Đức

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Số phận đã run rủi tôi trở thành nhà giáo và tôi cảm thấy vinh dự và tự hào vì điều đó. Nhân ngày 20/11, tôi xin gửi lời biết ơn chân thành và tri ân tới các thầy cô giáo đã dạy dỗ chúng tôi nên người, và cũng xin kính chúc các thầy cô giáo – các đồng nghiệp của tôi – mạnh khỏe, hạnh phúc, và luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết trong sự nghiệp trồng người.

Điều mà tôi luôn trăn trở là giáo dục Việt Nam hãy thực hiện thật tốt việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Mọi hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học phải thực chất, hội nhập với trình độ, chất lượng và chuẩn mực quốc tế. Nhà giáo phải có tâm và tận tụy với học trò, khơi dậy được tiềm năng của các học trò, thắp sáng lên được năng lực tư duy và sáng tạo của mỗi học sinh để các em thành công và thành tài trong cuộc đời. Và tôi nghĩ đó cũng là những nội hàm giản dị, chân thực nhất của triết lý và mục tiêu giáo dục mà tôi hằng ấp ủ.

_____
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức là chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Vật liệu – Kết cấu tiên tiến và Composite. Giáo sư Đức đã công bố hơn 300 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có gần 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín, tác giả của 2 bằng phát minh sáng chế. Giáo sư Đức cũng vinh dự đại diện cho các nhà khoa học Việt Nam được mời tham gia hội đồng biên tập quốc tế của 10 tạp chí ISI có uy tín của thế giới.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã từng là giáo sư nghiên cứu và thỉnh giảng của các trường đại học danh tiếng của thế giới như: Moscow State University; Mechanical Engineering Research Institute of Russian Academy of sciences (LB Nga); Japan Advanced Institute of Sciences and Technology (JAIST – Nhật Bản); University of Birmingham (Vương quốc Anh), Sejong University (Hàn Quốc).

Liên tục 4 năm liền, năm 2019, 2020, 2021, 2022 Giáo sư Nguyễn Đình Đức được Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ xếp hạng trong top 10.000 nhà khoa học có chỉ số trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới và đứng thứ 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering năm 2022.

Ông cũng là một trong số ít những nhà khoa học Việt Nam đã được Tạp chí này vinh danh trong danh sách 100.000 nhà khoa học được xếp hạng có trích dẫn khoa học ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời.

Doãn Nhàn