Cuối tháng 6-2017, Đoàn công tác của chương trình Kỹ thuật hạ tầng – ĐH Việt Nhật do GS Nguyễn Đình Đức (ĐHQGHN, Giám đốc chương trình), GS Hironori Kato (Đồng giám đốc chương trình) dẫn đầu và TS Phan Lê Bình (JICA) đã đưa các học viên khóa 1 – Kỹ thuật hạ tầng của Đại học Việt Nhật đến thực tế tại các công trình kỹ thuật lớn của Nhật Bản đang thi công tại Việt Nam.
Công trình thứ nhất mà Đoàn đi thực tế là cầu Bình Khánh – là cây cầu dây văng nằm trong dự án trọng điểm quốc gia Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc tuyến Đường cao tốc Bắc – Nam – được biết đến là dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam, tương lai khi đi vào hoạt động tuyến đường này sẽ giúp kết nối các địa bàn trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Long An và Đồng Nai từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng vốn đầu tư và mở rộng du lịch vùng. Cầu Bình Khánh có tổng chiều dài 2.764 m, rộng 21,75 m với bốn làn xe lưu thông. Nhịp chính cầu dài 375 m, hai trụ cầu cao 155 m, tĩnh không 55 m. Nhà thầu trúng thầu là Liên doanh Shimizu Corporation – Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật Vinaconex (liên doanh Shimizu – Vinaconex E&C) với giá trúng thầu tương ứng hơn 4 tỷ JPY và hơn 3.000 tỷ VNĐ. Cầu Bình Khánh sẽ là một trong những cây cầu có khổ tĩnh không thông thuyền lớn nhất Việt Nam, được xây dựng từ tháng 8 năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 7 năm 2019.
Công nghệ tiêu biểu của công trình cầu này là : đây là cầu dây văng bê tông dư ứng lực và móng vòng vây cọc ống thép SPSP ( Steel Pipe Sheet Pile). Ưu điểm của cầu dây văng là một trong những hệ kết cấu phù hợp với cầu có chiều dài nhịp lớn, tối ưu hóa khả năng làm việc của tháp, cáp văng và dầm. Cầu dây văng được áp dụng cho nhịp có chiều dài từ 200 đến 1100 mét; có thể thi công bằng cách đúc hẫng ra từ tháp, biện pháp này không cần đà giáo từ mặt đất; cáp dây văng không chỉ nâng đỡ dầm trong quá trình khai thác mà cả trong giai đoạn thi công; đồng thời cầu dây văng còn có ưu điểm là tạo ra công trình và cảnh quan mang tính biểu tượng (như cầu Nhật Tân, Cầu Bính, Cầu Bãi Cháy,..). Còn hệ móng vòng vây cọc ống thép SPSP sử dụng giải pháp hệ móng cọc ống thép. Cọc ống thép và ống nối được đóng thành giếng, trụ cầu được thi công trong giếng. Cọc ống thép được sử dụng như là vòng vây ngăn nước trong quá trình thi công và cũng là hệ móng chịu lực trong quá trình khai thác.
Thầy và trò ngành kỹ thuật hạ tầng – ĐH Việt Nhật tại công trường cầu dây văng Bình Khánh
Công trình thứ 2 mà Đoàn đi thực tế là Dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên (hay còn gọi là tuyến số 1) là một trong chuỗi dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản cho vay với hình thức ODA, được khởi công tháng 8/2012. Tuyến có tổng chiều dài là 19,7 km, bao gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao và là tuyến Metro đầu tiên – 1 trong 7 tuyến Metro được quy hoạch xây dựng của TP Hồ Chí Minh trong tương lai. Dự án được cho là cải thiện tình hình giao thông đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh vốn được coi là nơi xảy ra nhiều vấn đề về tắc nghẽn giao thông nhất Việt Nam, ngoài ra, theo đánh giá dự án còn giúp nâng cao chất lượng không khí, tiết kiệm năng lượng, nâng giá trị đất và các tác động kinh tế- xã hội khác do tiết kiệm thời gian vận chuyển. Theo dự kiến đến 2020 tuyến đường sắt đô thị Metro Bến Thành – Suối Tiên sẽ được đưa vào hoạt động. Nhà thầu chính của dự án là Shimizu – Maeda, trong đó CTCP FECON là nhà thầu Việt Nam đã được liên doanh nhà thầu Shimizu – Maeda chính thức lựa chọn để tham gia vận hành trực tiếp thiết bị khoan đào cho công tác đào hầm metro. Công nghệ tiêu biểu nhất là đào hầm bằng thiết bị khoan đào – TBM (Tunnel Boring Machine). Thiết bị đào ngầm bằng robot TBM từ Nhật Bản có tổng chiều dài 70 mét, nặng 300 tấn, với bán kính khoan đường hầm 6,79 m (hiện nay ở Nhật Bản đang thi công đường vành đai 3 ở Tokyo ở chiều sâu 60 m dưới lòng đất và sử dụng robot TBM khoan đào với bán kính khủng, lớn nhất thế giới, tới 16,5m). Công nghệ khoan đào bằng máy TBM có nhiều ưu điểm và tiện lợi hơn hẳn so với hầm đào hở. Máy TBM sử dụng phương pháp cân bằng áp lực đất, và kích đẩy, từ đó có thể giảm nguy cơ sụt lún mặt đất cho khu vực thực hiện dự án đào hầm ngầm và cho phép đào đến đâu lắp vách tường bê tông bao quanh mặt trong hầm ngay đến đó. Việc khoan này được thực hiên dưới độ sâu 15 – 30m, cho nên trong quá trình xây dựng tuyến hầm sẽ không cần di dời, giải tỏa các công trình trên mặt đất, vì vậy không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân. Công tác trộn bê tông được thực hiện ngay tại nhà xưởng sau đó mới đưa vào hệ thống chứa bê tông của máy TBM. Vì vậy, Ban quản lý dự án có thể kiểm tra được chất lượng của bê tông, kiểm soát có hiệu quả tiến độ thi công công trình. Trung bình 1 ngày, robot TBM có thể khoan 12m đường hầm. Sau mỗi lần khoan được 1,2m sẽ lắp đặt 6 tấm bê tông làm vách hầm xong mới khoan tiếp. Các tấm bê tông này được đúc sẵn, kết nối với nhau bằng các đoạn thép vít và lớp cao su vĩnh cửu để ngăn thấm nước – tất cả được sản xuất chế tạo từ Nhật Bản.
Thầy và trò ngành kỹ thuật hạ tầng của ĐH Việt Nhật tại hầm Metro , TP Hồ Chí Minh
Công trình thứ 3 mà Đoàn khảo sát là hiện trường thi công của Dự án cải thiện môi trường nước Tp Hồ Chí Minh giai đoạn 2. Dự án cải thiện môi trường nước Tp Hồ Chí Mình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương phê duyệt vào năm 2006, sau khi thiết kế dự toán và tuyển chọn nhà thầu, dự án được khởi động thi công lần lượt các gói thầu từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Mục tiêu chính của dự án là tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, góp phần giảm ngập cho lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ theo quy hoạch tổng thể thoát nước của TP.HCM, cùng với đó chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường nước, khắc phục tình trạng ô nhiễm nước trên tuyến kênh này thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Tổng mức đầu tư của Dự án là 11.282 tỷ VND (trong đó, vốn ODA: 85,625 tỷ JPY tương đương 9.832 tỷ VNĐ chiếm 87% tổng mức đầu tư). Các hạng mục công trình của Dự án sẽ được triển khai, xây dựng trên địa bàn 7 quận/ huyện của TP.HCM, gồm Quận 4, 5, 6, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh với tổng diện tích lưu vực 2150 ha. Tại gói thầu G: Xây dựng hệ thống cống bao gom xử lý nước thải với tổng cộng 33.768m cống bao thu gom nước thải, được thực hiện bởi liên doanh công ty Yasuda-Kolon -và là nhà thầu chính trong gói thầu này. Công nghệ tiêu biểu là khoan kích ống, điểm khác biệt so với công nghệ khoan hầm Metro là sau khi đẩy mũi khoan đi sâu vào lòng đất thì những đốt ống dài khoảng 2,5m được kích đẩy tiến lên theo để tạo thành đường ống liên tục . Ngoài công nghệ khoan, công nghệ trắc đạc tiên tiến được áp dụng vào đây để giúp điều chỉnh hướng mũi khoan được chính xác, có thể uốn lượn trong lòng đất trong quá trình khoan chứ không chỉ khoan theo đường thẳng. Phương pháp mới này sẽ thay thế phương pháp đào, lấp thông thường, đồng thời giảm thời gian thi công cũng như giảm những tác động tiêu cực đến bộ mặt đô thị. Hiện nay các dự án cung cấp xử lý đường ống cấp thoát hầu hết được thi công bằng phương pháp đào mở nên dù hình thức đơn giản, chi phí thấp nhưng khó quản lý. Trong khi đó việc thi công lại kéo dài, gây mất mỹ quan đô thị, để lại hậu quả là những con đường chắp vá. Hạn chế lớn nhất của phương pháp đào mở là chỉ phù hợp cho việc thi công ở độ sâu ngắn, nằm ngay gần mặt đất. Khoan kích ống ngầm là phương pháp thực hiện thiết lập cửa hầm đầu và cửa hầm cuối của đoạn đường cống ngầm cần lắp đặt. Dùng kích đẩy máy đào từ cửa hầm đầu hướng về cửa hầm cuối, sau đó đặt các đoạn ống (bê tông) đã được làm sẵn nối tiếp sau máy đào và kích đẩy dần các đoạn ống này nối tiếp theo máy đào cho đến khi đầu mối chạm đến cửa hầm cuối tạo thành một đường cống ngầm dài xuyên suốt. Công nghệ kích đẩy bằng định vị điều khiển tự động nên không cần sử dụng con người. Nếu dùng nhân công sẽ nguy hiểm và tiến độ rất chậm. Các ưu điểm của công nghệ này có thể liệt kê: Về mặt kỹ thuật, có thể thi công ở những độ sâu khác nhau. Thông thường chiều sâu kinh tế để áp dụng phương pháp kích ống khi độ sâu chôn ống ≥ 6m. Ở những độ sâu thấp hơn, phương pháp kích ống được xem xét trong mối quan hệ với nhiều yếu tố khác như tài chính, môi trường; tiếp đó công nghệ này ngăn sự thâm nhập của nước ngầm bằng các gioăng kín nước; Rủi ro sụt lún thấp; Xáo động tối thiểu trên mặt đất; Giảm thiểu khối lượng công tác đào đắp, công tác tái lập; Ít ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Về mặt môi trường so với phương pháp đào hở truyền thống là sẽ giảm được khối lượng vật tư “đến” và “đi” cùng với việc giảm được công tác đổ đất và công tác san lấp tái lập lại mặt bằng. Trong nhiều trường hợp việc sử dụng kỹ thuật kích ống thay vì đào hở sẽ đem lại ảnh hưởng tích cực đến an toàn tại nơi làm việc, đến đời sống người dân quanh khu vực thi công, đến môi trường tại địa phương.
Có thể đánh giá Nhật Bản là quốc gia có công nghệ kỹ thuật hạ tầng hiện đại và tiên tiến nhất thế giới và những công nghệ hiện đại đó đang được triển khai tại Việt Nam. Nguồn vốn ODA của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam dành tỷ lệ rất lớn cho cơ sở hạ tầng. Chỉ riêng trong khoảng thời gian từ 1992-2011, Nhật Bản đã dành 19,7 tỷ USD nguồn vốn ODA cho Việt Nam, kết quả đã mở thêm 3309 km đường, xây dựng được 287 cây cầu các loại và tăng thêm sản lượng 4500 MW điện, và nguồn ODA này vẫn đang tiếp tục được đầu tư ngày càng lớn và hiệu quả cho Việt Nam.
Chính vì vậy, việc thành lập và đào tạo ngành kỹ thuật hạ tầng có mục tiêu trước hết là tận dụng thế mạnh về khoa học công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp quản và chuyển giao những công nghệ tiên tiến của Nhật bản cho Việt Nam, đồng thời cũng đào tạo nguồn nhất lực chất lượng cao có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu. Cần nhấn mạnh là khái niệm về kỹ thuật hạ tầng của Việt Nam và khái niệm về kỹ thuật hạ tầng của Nhật Bản và thế giới đang có sự khác biệt rất lớn. Ở Việt Nam, nói đến kỹ thuật hạ tầng, làm người ta hiểu đó là kỹ thuật các công trình hạ tầng cấp thoát nước giao thông, đô thị, các công trình thủy lợi. Theo nội hàm và nội dung đào tạo của Nhật Bản cũng như thế giới, thì kỹ thuật hạ tầng ( Infrastructure Engineering) là khái niệm rất rộng, thực chất là công nghệ kỹ thuật trong xây dựng, giao thông, thủy lợi.
Chương trình đào tạo thạc sỹ kỹ thuật hạ tầng của Đại học Việt Nhật được xây dựng trên cơ sở hợp tác với đối tác chính là Đại học Tokyo (Đại học hàng đầu của Nhật Bản và là một trong những đại học lớn hàng đầu của thế giới), và khoảng 10 trường đại học khác của Nhật Bản tham gia. Chương trình bao gồm khối kiến thức chung, kiến thức cơ bản và cụ thể. Các môn học với kiến thức chung sẽ giúp học viên có kiến thức bao quát về khoa học bền vững, xã hội và môi trường. Trong khi đó, các khóa học cơ bản, cụ thể giúp họ tích lũy kiến thức và kỹ năng cốt lõi liên quan đến 7 lĩnh vực chủ yếu là (1) xây dựng dân dụng và công nghiệp, (2) công trình giao thông, thủy lợi (3) xây dựng cầu và đường, (4) quy hoạch (lãnh thổ, vùng và đô thị), (5) công nghệ vật liệu mới trong xây dựng và giao thông, kết cấu hạ tầng (6) duy tu, bảo trì công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi và (7) quản lý các dự án.
Từ những nền tảng kiến thức, sinh viên có thể thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực nêu trên với các giảng viên Việt Nam và Nhật Bản. Hơn 50% giảng viên của chương trình kỹ thuật hạ tầng đến từ trường Đại học Tokyo và các trường đại học uy tín khác ở Nhật Bản. Chương trình này cũng góp phần nâng cao kỹ năng thực hành cho học viên thông qua thực thành tại các phòng thí nghiệm hiện đại, qua các kỳ thực tế tại các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này (và những chuyến đi thực tế như vừa rồi tại các công trình của Nhật Bản đang thi công ở Việt Nam là một ví dụ – toàn bộ chi phí do JICA và Đại học Việt Nhật tài trợ), cũng như ba tháng thực tập tại các phòng thí nghiệm và các doanh nghiệp tại Nhật Bản (chi phí cho chuyến đi của học viên được tài trợ 100% bới chính phủ Nhật Bản).
Bên cạnh đó, trường Đại học Việt Nhật xác định là trường đại học nghiên cứu tiên tiến. Trong 1 năm đi vào hoạt động, chỉ riêng các giảng viên của ngành kỹ thuật hạ tầng đã công bố khoảng 20 bài báo quốc tế ISI có tên của Đại học Việt Nhật. Trong số các học viên của chương trình, cũng đã có em có kết quả nghiên cứu tốt, được báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế. Các PTN về kỹ thuật hạ tầng, Công nghệ nano và Kỹ thuật môi trường được Nhà nước đầu tư cũng chuẩn bị đi vào hoạt động vào cuối năm 2017. Bên cạnh đó, trường còn có chính sách học bổng rất tốt: 100% học viên khóa 1 được cấp học bổng của JICA hoặc của các doanh nghiệp Nhật Bản. Các em tốt nghiệp chương trình thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
Có thể đánh giá đây là ngôi trường đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, được Chính phủ và nhân dân 2 nước gửi gắm niềm tin và hy vọng. Với sự quan tâm của Chính phủ 2 nước, sự nhiệt tình và tâm huyết của các giảng viên Nhật Bản và Việt Nam, chất lượng của đội ngũ học viên và các điều kiện tốt đảm bảo cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu, chắc chắn Trường Đại học Việt Nhật, trong đó có ngành Kỹ thuật hạ tầng, ngày càng phát triển nhanh và mạnh, xứng đáng là địa chỉ tin cậy đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam, là biểu tượng sâu sắc của tình hữu nghị và hợp tác chiến lược của hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Chương trình Kỹ thuật hạ tầng, Đại học Việt Nhật, 02.7.2017